Không thích đùa, nhưng vẫn phải đùa

03/09/2015 06:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ Azit Nexin có cặp truyện ngắn trào phúng nổi tiếng Những người thích đùaNhững người thích khóc, tình tiết khá hấp dẫn, điển hình, thấm thía, nhưng so với xã hội Việt Nam xem ra còn kém lắm.

“Tôi có hẳn ba quyển vở dày cộp chép toàn những câu triết lý về cuộc đời. Tổng cộng khoảng gần 16.000 câu mà tôi cho là hay nhất. Đời là bể khổ. Đời là bờ dốc đứng. Đời là một ghềnh thác. Đời là một cái sân khấu,… Nhưng rồi ở trang cuối, tôi lại ghi mấy chữ: Vậy thì đời là cái cóc khô gì?” - trích Những người thích đùa.

Nếu mỗi người dân Việt Nam biết cầm bút viết lên những câu chuyện vừa đáng khóc vừa đáng cười trong cuộc sống của bản thân, hẳn cả xã hội đã ra được một tuyển tập trào phúng khổng lồ, đảm bảo hay hơn Azit Nexin. Có khi văn hóa đọc trong nước lại được nâng lên tầm cao mới.

Nhưng rất tiếc, “chỉ tại con ruồi” (tên một truyện ngắn khác của Nexin nói về lý do một anh viết văn không trở thành tác gia vì bị con ruồi quấy rầy).

Ngoài ra ở Việt Nam còn một đống lý do khác: bận thuê xe cấp cứu từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nộp hồ sơ đại học cho con, bận xếp hàng xách nước trắng đêm, bận ra đường tắm ở chỗ đường ống nước vỡ phun tóe loe, bận “hóa thân” thành cô hồn đi tranh cướp đồ cúng vào rằm tháng 7, bận rút dao đâm bạn trong lớp học vì bị hỏi “Hồi đêm làm gì mà giờ ngủ?”…


“Sàn giao dịch” ở Đại học Kinh tế quốc dân toàn những người không thích đùa, mà vẫn bị đùa

Trong Những người thích đùa, có một hội “những người thích đùa” nhập từ Mỹ về Thổ những món hàng biết đùa, bao gồm: 2.000 đệm ghế phát nhiệt, 20.000 hộp bột ngứa, 500 hòm nước nấc, 5.000 tá máy điếc bắn nước, 20.000 hộp nước làm chảy nước mắt, 5 tấn đường gây cười, 30.000 hộp phát tiếng nổ.

Họ thử nghiệm sản phẩm trên những người thất nghiệp được thuê đến, cuối cùng chỉ nhân vật “tôi” chịu đựng được hết, và được tuyển vào làm.

Công việc là gì? Cứ mỗi tháng lại “được” thử sản phẩm mới. “Tôi” sau màn tra tấn, cuối cùng cũng cười phá lên, đấm cho lão chủ tịch hội một cú thôi sơn, rồi bỏ đi sau khi nói: “Dân đen chúng tôi đâu mua nổi những món hàng biết đùa của các ngài! Nên chúng tôi phải đùa theo kiểu của chúng tôi”.

Chắc trong sâu thẳm tâm hồn, anh này nghĩ giống người Việt Nam: “Tưởng gì, mấy thứ đó thì chúng tôi cũng có, cần gì mua ở Mỹ”. Cách đùa tiện nhất là tổ chức một kỳ thi đại học “tiết kiệm”, thu được trăm nghìn cách gây cười. Sau khi gây khóc.

Những người thanh niên, trung niên đã khóc trước các cổng trường đại học vừa qua, nếu vẫn còn ở Hà Nội, dành chút thời gian đi… vệ sinh ở toilet công cộng “5 sao” vừa mở cửa ở phố Hàng Giày. Chỉ 3.000 đồng một lần đi, chỉ mong xoa dịu ít nhiều “nỗi buồn” của các bạn.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm