Không thể lấy bạo lực đối xử với bạo lực

24/01/2016 08:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, truyền thông đưa tin rất nhiều về clip một nhóm nữ sinh lớp 7 tại một trường THPT ở Huế hành hung bạn đồng môn. Sự việc lại khiến xã hội thêm lo ngại vì thực tế nạn bạo lực học đường liên tục gia tăng trong những năm gần đây. Vấn nạn này đặt ra câu hỏi rất lớn cho xã hội, ngành giáo dục nhưng cũng không thể bỏ qua vai trò gia đình.

BS Nguyễn Trọng An, Chuyên gia cao cấp bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển cộng đồng (RTCCD): Mầm mống bạo lực học đường đến từ gia đình

Trước hết phải hiểu rằng bạo lực học đường bao gồm toàn bộ các vấn đề xâm hại, bạo hành, bắt nạt học sinh hoặc thầy cô giáo… cả về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, ở nước ta vấn đề này thường được hiểu là học sinh đánh nhau, như vậy là chưa đầy đủ. Đồng thời, những vụ việc được phát hiện chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, còn rất nhiều vụ không được phát hiện, hoặc vài tháng sau mới có thông tin thì đã bị “chìm”.

Khi biết con cái mình bị hành hung, các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh, lắng nghe con để tìm hiểu lý do. Nên gặp gỡ phụ huynh của học sinh bắt nạt con mình và thầy cô để tìm phương án thích hợp. Bố mẹ cũng phải đề nghị nhà trường tăng cường biện pháp bảo vệ hiệu quả, răn đe và xử nghiêm minh những hành vi bạo lực học đường.


BS Nguyễn Trọng An

Trong trường hợp bố mẹ chứng kiến cảnh con mình bị bạn dọa dẫm, uy hiếp thì xuất hiện ngay để chúng biết mình là bố mẹ của trẻ. Không nên tìm cách dằn mặt, cũng không nên chấp nhận im lặng vì sợ bị trả thù hoặc không nên thờ ơ bỏ qua chuyện con bị dọa nạt và cho rằng đó là chuyện nhỏ do xích mích trẻ con.

Trong những trường hợp xảy ra thương tích, gia đình cũng không nên kiện tụng, hay cố tình đưa con đến bệnh viện để tìm cách chứng thương. Tuyệt đối không mắng con vì có thể lần sau con sẽ giấu đi, không kể lại nếu còn bị bắt nạt. Khi làm lớn vấn đề trẻ sẽ càng sợ hãi, sang chấn tâm lý sẽ càng bị khoét sâu. Cuối cùng, việc bố mẹ nào cũng cần làm đó là trao đổi với giáo viên, chuyên gia tâm lý hỗ trợ trẻ, vì trẻ bị bạo lực thường bị những sang chấn tâm lý rất nghiêm trọng.

Trong xã hội Việt Nam hiện nay, mặt trái của kinh tế thị trường đã nảy sinh nhiều kiểu gia đình khác nhau. Tình trạng ly hôn tràn lan, bạo lực gia đình, sự sao nhãng, bàng quan thiếu quan tâm giáo dục nhân cách của các gia đình đang ngày một gia tăng.

Ngoài ra, nhiều cha mẹ chiều chuộng con quá đà, và giao khoán trách nhiệm giáo dục con cái cho nhà trường hoặc để đứa trẻ được tự do vào internet, sa đà vào game bạo lực... Hoặc sự quan tâm thái quá, cứng nhắc của cha mẹ, hay việc chỉ quan tâm đến việc học kiến thức của con cái mà quên mất giáo dục đạo đức, không nêu gương tốt cho con học tập... đều là những nguyên do sâu xa dẫn đến sự thiếu hụt trong tình cảm, sự bức xúc trong tâm lý và sự sai lệch trong hành vi, ứng xử của học sinh hiện nay. Đây chính là những mầm mống cho bạo lực học đường.

Để phòng ngừa bạo lực học đường cần sự tăng cường giáo dục gia đình, trước hết cha mẹ phải là tấm gương tốt cho con cái, phải là hình mẫu về cách sống yêu thương, chan hòa, chân thật. Không chỉ yêu thương con cái, cha mẹ cần thể hiện tình yêu thương với nhau, với người khác, với thiên nhiên… là tấm gương cho con cái noi theo.

Ca sĩ Hoàng Bách: Nên thường xuyên trò chuyện với con

Khi con tôi đi học cháu cũng từng bị bạn đánh vào mặt. Nhưng ngay từ đầu gia đình tôi không bao giờ trầm trọng hóa chuyện này. Mình cũng từng là trẻ con, mình hiểu mỗi đứa một cá tính, chuyện va chạm ở trường là rất bình thường. Tôi vẫn dặn con có chuyện gì phải báo với thầy cô trước, ngay cả khi báo mà vẫn bị đánh thì tuyệt đối không bao giờ dùng bạo lực để đáp lại bạo lực. Mặt khác, gia đình vẫn phải âm thầm trao đổi với thầy cô để tìm giải pháp.

Không nên dồn hết trách nhiệm lên vai thầy cô, vì trường học bây giờ rất đông, thầy cô không thể bao quát hết được. Trong vấn đề bạo lực học đường, tôi nghĩ yếu tố đầu tiên vẫn là gia đình. Các con chính là tấm gương phản chiếu của gia đình. Nếu mình quát mắng, la hét, dùng bạo lực với con, thì con sẽ làm như vậy với người khác. Nếu con cái mình bị đánh tại trường, cha mẹ hùng hổ lao đến làm ầm ĩ, bạo lực qua lại như vậy thì tất cả sẽ bị tổn hại mà thôi.


Hoàng Bách và con trai Tê Giác

Con tôi bây giờ đã lớn, cháu to cao hơn các bạn cùng tuổi. Nhưng vợ chồng tôi luôn dạy con không bao giờ dùng sức mạnh để lấn át người khác. Tất nhiên, cũng không được để người khác dùng bạo lực để đàn áp mình. Ngoài ra, cháu là đứa ham tìm hiểu khoa học, chúng tôi vẫn giảng giải cho cháu, vì sao một số trẻ có hành vi bạo lực. Khi cháu hiểu, cháu không căng thẳng với các vấn đề đó nữa.

Trong quá trình nuôi con, tôi có xu hướng để cháu phát triển tự nhiên, nên vẫn có lúc cháu thích làm theo ý mình. Có lúc mình nổi nóng, nhưng vấn đề là mình nhận thức rõ điều gì đúng, điều gì sai nên ngay lập tức phải tự điều chỉnh. Nuôi dạy con suy cho cùng cũng là cơ hội để cha mẹ tự rèn luyện bản lĩnh. Mọi hành động của cha mẹ đều phải có mục đích, chứ không thể hành xử bản năng. Khi mình sai mình phải xin lỗi con.

Yêu con phải nghĩ cho con, thay vì yêu nó theo cách mình muốn. Hãy làm bạn với con, trò chuyện thường xuyên để hiểu được con. Điều đó sẽ giúp đứa trẻ không dùng bạo lực, hoặc giúp cha mẹ sớm phát hiện những vấn đề của con cái.

Biên tập viên Mỹ Linh: Đừng nhầm lẫn bạo lực là dũng cảm, ôn hòa là hèn nhát

Cảm xúc đầu tiên của tôi sau khi xem những clip bạo lực học đường là uất ức, khóc vì thương, kèm theo cảm giác ghê sợ, bất lực chứng kiến cái ác hiển hiện một cách tự nhiên, trong hình hài của những đứa trẻ.

Khi cảm xúc ấy qua đi, là câu hỏi: Chúng ta đã làm gì để xã hội chúng ta thành như thế? Có một thực tế mà đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận là người Việt Nam bạo lực trong suy nghĩ, trong ngôn ngữ ứng xử và trong cả hành động.


Biên tập viên Mỹ Linh, người dẫn chương trình Văn hóa Sự kiện Nhân vật của VTV3

Trong ứng xử gia đình và xã hội, người Việt ít khi chọn cách ứng xử ôn hòa. Cha mẹ ở nhà cho mình quyền áp đặt và đánh con cái, ra xã hội một sự việc nhỏ cũng có thể trở thành nguyên nhân của lườm nguýt, cạnh khóe, chửi đổng và “đánh bỏ mẹ mày”... thì thử hỏi làm sao những đứa trẻ có thể lớn lên bình thường. Chỉ khi trí tuệ lùi bước người ta mới có thể chọn bạo lực là phương pháp giải quyết mâu thuẫn. Cách ứng xử này cho thấy sự yếu kém về nhận thức, tinh thần nhân văn đã không được coi trọng.

Một đất nước có lịch sử mấy ngàn năm chiến tranh không chỉ để lại lòng tự hào mà còn để lại di chứng trong tâm lý dân tộc. Chủ nghĩa anh hùng đôi khi bị đặt nhầm bối cảnh và hiểu sai. Chúng ta nhầm lẫn bạo lực thành dũng cảm, ôn hòa thành nhu nhược, hèn nhát. Chúng ta không ngại làm tổn thương người khác, không sợ vi phạm pháp luật, không tiếc thương chính phần tử tế trong con người mình, chỉ để thỏa mãn cơn nóng giận cá nhân.

Tính bạo lực (trong vô thức) tôi nghĩ cần được phân tích, nhìn nhận một cách khách quan như phần yếu kém của dân tộc. Khi chúng ta dám ghi nhận phần yếu đuối ấy của mình như một di chứng thì mới mong thay đổi.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm