Khi những chuyện buồn giáo dục cứ dồn như thác lũ

14/04/2018 10:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc câu chuyện cô bé lên tiếng phản ánh cô giáo "không giảng bài" phải chuyển trường vì cảm thấy bị cô lập mà thấy buồn, rất buồn. Đấy không chỉ là một câu chuyện giáo dục, mà là câu chuyện đời, chuyện về cách chúng ta hành xử với nhau trong cuộc sống.

Cô bé đã chuyển trường. Ừ thì thôi, hy vọng cô bé sẽ được học ở một môi trường tốt hơn, nhưng điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ ở lại, sống trong cái môi trường cũ đã từng cô lập cô bé chỉ vì cô lên tiếng, một cách hoàn toàn đơn thương độc mã, để chống lại điều mà cô cho là không đúng (và chúng ta cũng khẳng định là không đúng)? Chúng chấp nhận những điều không đúng ấy là một chuyện bình thường và chúng thấy chẳng có vấn đề gì để phản đối ư? Vậy thì chúng sẽ học được gì trong ngôi trường ấy? Người ta luôn bảo rằng, đến trường, bọn trẻ sẽ được học kiến thức. Không, không hẳn thế, đấy còn là nơi chúng được học về cách sống, cách hành xử với nhau, trong cái thế giới thu nhỏ ấy. Mà hành xử ở đây không chỉ là với người lớn, tức là với các giáo viên, mà còn là giữa chúng với nhau.

Chú thích ảnh

Mình sẽ rất xấu hổ, vô cùng xấu hổ, nếu có một đứa con học trong ngôi trường đó, và tìm cách cô lập cô bé đã lên tiếng chống lại điều không đúng. Bởi nếu ở trường con mình đã thế, thì sau này ra đời, nó sẽ thế nào? Nó sẽ im lặng trước những điều tệ hại xảy ra trước mặt nó, sẽ quay mặt đi khi ai đó cần sự ủng hộ vì đang làm một điều đúng đắn, sẽ đứng về phía số đông-chỉ vì đấy là số đông - bất kể đang hành xử sai? Mình biết, có rất nhiều bậc cha mẹ luôn sợ con thiệt, sợ con tồ, sợ rằng sự thật thà và chân thành sẽ khiến con mình phải khổ, và họ chuyền cho bọn trẻ sự bon chen, giả dối, xấu xa của họ, và bao biện rằng, họ làm thế là tốt cho con mình. Họ đâu ý thức được rằng, chính những đứa trẻ ấy, sau này thành người lớn, cũng sẽ lại dạy chính con chúng những điều tương tự, để rồi những thế hệ được nuôi mầm xấu tiếp tục lớn lên.

Mà những ngày này, những chuyện buồn về giáo dục cứ đến như thác lũ. Mấy ngày trước, một học sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến đã nhảy lầu tự tử tại trường với 2 lá thư tuyệt mệnh. Cô giáo bắt học trò uống nước lau bảng, trò đâm thầy, những cuộc đánh lộn trong lớp học được quay phim bởi những học trò vô cảm khác và coi đó như một cuộc vui để câu like không hơn không kém... Đấy không phải chỉ là chuyện của giáo dục, mà là chuyện của xã hội, với những mầm độc của bạo lực trong đó. Mà bạo lực ấy sinh ra một phần từ việc không còn biết xấu hổ là gì.

Đừng cố đẩy người đi học vào 'cỗ máy giáo dục'

Đừng cố đẩy người đi học vào 'cỗ máy giáo dục'

Mấy ngày trước, một học sinh lớp 10E3 Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) đã nhảy lầu tự tử tại trường với 2 lá thư tuyệt mệnh. Trong thư gởi gia đình có đoạn: “Con xin lỗi ba má. Con đã không đáp ứng được mong mỏi của ba má”. Theo nhà trường thì: “Em C. có thành tích học tập rất tốt, điểm trung bình học kỳ một là 8,9”. Vậy mà bi kịch vẫn xảy ra.

Trương Anh Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm