Khi facebook 'cứu thua' cho các họa sĩ

15/03/2018 07:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Việc website xuongtranh.vn có trụ sở tại Hà Nội rao bán nhiều phiên bản (tranh in, tranh chép) của hàng chục họa sĩ đương đại Việt Nam có thể xem là vụ công khai vi phạm bản quyền trắng trợn.

Trên Facebook của mình, họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng) chỉ còn biết cảm thán: “Tranh mình vẫn đang giữ mà có người rao bán giá khuyến mại rồi”. Họa sĩ Lê Minh Phong (Huế) thì viết: “Tác phẩm này tôi đang giữ nhưng đã có người chép lại từ ảnh trên Facebook và rao bán với giá tranh chép. Họ còn ký tên của họ và ghi thời gian vào tranh. Nhờ một người bạn thông báo tôi mới biết. Quả là đáng buồn”.

Thư riêng cho nhiều họa sĩ bị xâm phạm bản quyền, hỏi tại sao không kiện mà chỉ viết Facebook, thật buồn hơn, khi nhiều người không tin việc kiện sẽ thành công. Họa sĩ Phạm Hà Hải (Hà Nội) nói: “Đã có lên tiếng trên diễn đàn báo chí (báo giấy, báo hình), tọa đàm với thành phần nhà sáng tác, quản lý ngành, bảo tàng…, nhưng thiếu hẳn thái độ và kế hoạch cụ thể cho việc ngăn chặn thực trạng này”.

Chú thích ảnh
"Chiều Mai Hịch" (Sơn dầu- 2018) - một tác phẩm của họa sĩ Đặng Tiến (Hải Phòng). Ảnh:  Facebook nhân vật

Thế nhưng cộng đồng Facebook lại có cách ứng xử khác, chỉ sau vài ngày lên án, xuongtranh.vn đã tự nhận lỗi công khai, tự “đóng cửa” hết những phiên bản tranh vi phạm bản quyền này.

Với các họa sĩ Việt Nam, “chiến thắng” này khá ấn tượng và cảm xúc. Bởi vì họ chỉ làm mỗi một việc là phản ánh tình trạng của mình, qua chia sẻ và bình luận, rồi lan truyền, và kết quả tự tìm đến.

Tranh giả tranh nhái manh nha từ sau Đổi mới (1986), rồi phổ biến từ khoảng 1993 trở về sau, có nhiều sự việc rất trắng trợn. Nhiều vụ gần như bắt tận tay nhưng cũng huề cả làng, vì ít có cơ quan chức năng nào đứng ra xử lý. Vậy mà vì sao Facebook lại có sức mạnh như vậy?

Thế mạnh lớn nhất của Facebook là “nguyên đơn” có thể tự trình bày vụ việc theo nhiều hình thức khác nhau, mà hình thức nào cũng dễ dàng được chia sẻ và bình luận. Chính điều này tạo nên sự lan tỏa, rồi tác động trực tiếp đến “bị đơn”, khiến “bị đơn” cảm nhận rõ sự tác động này, rồi nhận "lỗi". Giống như, nếu nhà văn F.M. Dostoyevsky tin rằng sự trừng phạt sẽ đến tìm tội ác, thì Franz Kafka lại tin rằng đôi khi tự tội ác phải đi tìm sự trừng phạt cho mình, năn nỉ sự trừng phạt hãy ra tay trừng phạt.

Nhiều họa sĩ tin rằng nếu làm theo cách cũ thì còn lâu xuongtranh.vn mới chịu nhận lỗi và sửa chữa sai lầm. Nhưng với Facebook thì khác, xuongtranh.vn đã nhanh chóng cảm nhận được hình phạt, và nó không đến từ một tòa án, mà là “nhiều tòa án dư luận”. Mỗi một người dùng Facebook có uy tín nghề nghiệp và sức ảnh hưởng là “một tòa án” hữu hiệu, họ liên tục “xét xử” theo cách của mình, đến khi nào người có lỗi chịu nhận lỗi mới thôi.

Trong những tác động đa chiều của Facebook tới xã hội, mặt tích cực của nó vẫn cần được ghi nhận.

Dù đang nhiều lùm xùm, tranh Việt vẫn còn sức hút

Dù đang nhiều lùm xùm, tranh Việt vẫn còn sức hút

Với 201 lô hàng, liên quan đến Việt Nam có 60 lô, đây là một trong vài phiên đấu lớn nhất về số lượng của Sotheby’s hàng năm. Dù đang nhiều lùm xùm, tranh Việt vẫn còn sức hút.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm