Khi đô thị lại ngập

13/08/2019 06:47 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Đà Lạt và “đảo ngọc” Phú Quốc - những điểm đến quan trọng nhất trên bản đồ du lịch Việt Nam - vừa ngập nặng sau những trận mưa lớn tuần qua.

Mưa lũ làm 6 người chết, mất tích và bị thương

Mưa lũ làm 6 người chết, mất tích và bị thương

Mưa lũ đã làm hàng nghìn nhà ngập nước; hàng trăm hộ phải di dời khẩn cấp; hàng nghìn ha lúa bị hư hại...

Tại Phú Quốc, nhiều khu vực bị bao phủ bởi nước, có nơi bị ngập sâu đến gần 2m. Như chia sẻ từ người dân địa phương, đây chính là đợt ngập lớn nhất kể từ 100 năm qua trong lịch sử của vùng đất này.

Còn ở Đà Lạt, dù tình trạng ngập lụt đã xảy ra trong vài năm gần đây, người ta vẫn sốc khi chứng kiến cảnh biển nước bao phủ thành phố cao nguyên này.

Đó không phải là điều bình thường, dù cảnh… lội nước trong mùa mưa cũng khá phổ biến ở nhiều đô thị khác.

Với Đà Lạt – một thành phố cao nguyên – và Phú Quốc - đô thị nằm sát biển và có thể thoát nước nhanh, việc ngập nặng rõ ràng là điều không hợp lý nếu xét theo đặc thù địa hình. Rất nhanh, nhiều chuyên gia đã khẳng định: những bất ổn trong quy hoạch chính là một trong những lý do dẫn tới sự “không hợp lý” này.

Đơn cử, với đà phát triển “nóng” những năm qua, thị trấn Dương Đông trước đây dân số khoảng trên 10.000 người, nay đã trên 50.000 người (tăng lên gấp 5 lần). Trong khi đó, Phú Quốc có hệ thống thoát nước mặt dọc theo các trục đường, nhưng hệ thống này được đầu tư xây dựng từ năm 2003, đến nay đã không còn phù hợp với quy mô dân cư và tốc độ đô thị hóa. Và, sự xuất hiện của những khối nhà bê tông, cùng tình trạng san lấp các vùng trũng cũng như thu hẹp suối, rạch, ao hồ, để xây dựng… đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình trạng thoát nước khi cơn mưa lớn đổ xuống.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh ngập lụt tại Đà Lạt. Ảnh: Internet

Tương tự, tại Đà Lạt, bên cạnh sự phát triển của đô thị, nhiều người còn nhắc tới sự phát triển của vành đai các nhà kính trồng hoa màu quanh thành phố, thay cho phần cây xanh như trước. Những nhà kính ấy chính là những chiếc “áo mưa” tự nhiên, khiến nước không thể thấm xuống đất và tạo lũ ở các suối khi dồn về.

***

Không khó để nói về sự thiếu tầm nhìn trong việc lập quy hoạch chung – bao gồm cả xây dựng và thoát nước – tại hai đô thị ấy. Nhưng người viết muốn nhắc tới một yếu tố nữa: sự tham lam của những công trình xây dựng.

Các chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch thường sử dụng khái niệm “tư duy mét vuông” khi nói về vấn đề này. Vắn tắt, đó là cách tính toán về hiệu ứng kinh tế theo số lượng mét vuông ở các đô thị được xây, thay vì … chất lượng của những mét vuông ấy.

Ai cũng biết, không chỉ tại Đà Lạt và Phú Quốc, phần “đắc địa” của mỗi đô thị đều có thể đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư, nếu gia tăng số diện tích sàn của công trình. Bởi thế, cũng dễ hiểu khi nhà đầu tư thường có xu hướng dành rất ít mật độ cho cây xanh và thiên nhiên trong một quần thể.

“Tư duy mét vuông” ấy có thể đem lại thu nhập ngắn hạn ở mức cao nhất. Nhưng, với tầm nhìn dài hơi, một quần thể hài hòa với thiên nhiên,hội đủ sự góp mặt của hệ sinh thái, cây xanh, mặt nước… lại đem đến sự bền vững cho đô thị - đồng thời cũng tạo ra những giá trị tăng vọt về hệ sinh thái và tính ổn định (điển hình là không ngập trong mùa mưa) của mình.

Xây dựng với mật độ vừa phải, dành cho những yếu tố tự nhiên để tìm kiếm sự cân bằng, hài hòa với môi trường và khí hậu, - đó mới là hướng đi đang được đề cao tại các đô thị hiện đại trên thế giới. Và cần nhớ, bản sắc của mỗi đô thị không phải luôn phụ thuộc vào sự xuất hiện của các công trình – mà nhiều khi, điều này lại đến việc bảo vệ cảnh quan và hệ sinh thái tự nhiên.

Thế giới đang phẳng lại, và những khái niệm về môi trường, sinh thái không hề là một câu chuyện xa vời với chúng ta.

Anh Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm