Hôi hàng giả tại Thanh tra Bộ KH&CN và 'cướp có văn hóa'

25/10/2016 15:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin mới nhất từ Bộ KH-CN, những người có hành vi "hôi" hàng giả trong buổi tiêu hủy tang vật hàng giả sẽ bị xử lý. Song, hành động khó chấp nhận này vẫn đang bị cộng đồng lên án mạnh.

Theo đó, ngày 21/10, Thanh tra Bộ KH-CN phối hợp với Công an TP. Hà Nội tổ chức tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính lô hàng giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ.

Cụ thể, lô hàng hóa này gồm 2.349 sản phẩm sản phẩm giả nhãn hiệu những thương hiệu nổi tiếng thế giới. Trong đó có: 1.057 ví da, 726 túi xách, 39 dây lưng, 6 đồng hồ đeo tay...

Song, khi BTC vừa công bố xong quyết định tiêu hủy đống hàng hóa giả mạo trên thì nhiều người tham dự đã lao vào lựa chọn rồi lấy đi các tang vật. Hành vi này đã nhận những phản ứng dữ dội từ dư luận.

Không bức xúc sao được, tang vật phạm pháp bị cướp trắng trợn, trước hàng loạt ống kính máy quay. Không nổi giận sao được, người ta ngang nhiên lựa chọn những món hàng giả có thể đưa chúng trở lại thị trường.


Cảnh tượng "hôi" hàng giả trong buổi thiêu hủy.


Đáng nói, trước đó, hiện tượng "hôi bia", hay "cướp có văn hóa" (cướp lộc, cướp phết ở các lễ hội) đã bị dư luận lên án rất gay gắt. Nhiều người đã dùng thuyết "hiệu ứng đám đông" để giải thích hiện tượng "hôi bia" hay "cướp lộc". Tức là, ngoài lòng tham, có nhiều thời điểm con người không nhận thức động cơ của việc mình làm. Họ "cướp", "hôi" của vì thấy mọi người xung quanh đang làm vậy.

Song, đến câu chuyện "hôi" hàng giả hôm nay, thuyết "tâm lý đám đông" của Gustave Le Bon đã không thể áp dụng được. Bởi, bài học nhỡn tiền về các vụ việc trước đều khiến người dân lao động sau đó đã chùn tay khi một xe hàng bị đổ. Giờ, trong một buổi gồm toàn những người trí thức, không lý gì mà người ta hành động theo số đông.

Tất cả do lòng tham!

Câu hỏi đặt ra: Họ lấy thứ hàng phi pháp, giả nhãn hiệu đó về làm gì?

Có thể để tuồn lại thị trường. Hoặc có thể tặng ai đó với sự giả dối như tên món hàng. Hay tự phục sức lên mình để tạo giá trị "giả" cho bản thân.

Đến đây, chúng ta phải thừa nhận, mọi hành động "hôi của" đều là bẩn thỉu. Nhưng, hành động "hôi" hàng giả là khốn cùng của bỉ ổi. Và, khi con người cứ gập người xuống nhặt những món hàng giả là lúc phẩm giá họ đã rơi rụng hoàn toàn. Khi con người mặt hoan hỉ cầm trên tay ba món hàng giả là lúc sự liêm chính của họ đã hòa cùng thứ đồ đểu họ cầm.

Và, việc Bộ KH-CN xử lý quyết liệt những người này để răn đe, cảnh báo những kẻ tham vặt, tham đểu là hành động cần thiết. Bởi mọi những điều to đều khởi phát từ những chuyện tưởng chừng nhỏ.

Mỹ Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm