Hên và hay như tuyển thơ nữ Đà Nẵng

24/04/2018 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Như tiếng biển đêm (NXB Hội Nhà văn, 2018) là tuyển tập 20 gương mặt thơ nữ đương thời của Đà Nẵng. Nhìn vào mặt bằng chung của các tuyển tập thơ nữ Việt Nam trong khoảng 10 năm qua, đây là một tuyển tập thơ hay và hên.  

Hay vì trong đó có những giọng thơ riêng đã được bạn đọc xa gần đón nhận như Đinh Thị Như Thúy, Đoàn Minh Châu, Thương Huyền, Phan Hoàng Phương, Nguyễn Nho Thùy Dương, Ngô Thị Thục Trang… Nếu so với TP.HCM hoặc Hà Nội thì những gương mặt này có thể chưa nổi trội hơn, nhưng so với đa số các tỉnh thành còn lại, thì họ chẳng kém cạnh về chất, đặc biệt về lượng (số tác giả, số tác phẩm)…

Thử hỏi: Có mấy tỉnh thành hiện nay đủ sức làm được một tuyển tập 20 nhà thơ nữ đương thời mà đa số trong đó có giọng thơ hướng về sự làm mới về ý tứ và phương cách thể hiện.

Chú thích ảnh
Bìa tập thơ "Như tiếng biển đêm". Ảnh: Internet

Tuyển thơ dày gần 400 trang này còn có sự góp mặt của Vô Biên, Vạn Lộc, Khánh Hồng, Bùi Mỹ Hồng, Thủy Anh, Hoàng Thị Thương, Ngô Liên Hương, Nguyễn Thị Anh Đào, Trương Bách Mỵ, Nguyễn Hải Lý, Phượng Hoàng, Thanh Tùng, Thụy Du, Võ Thi Nhung. Người lớn tuổi nhất là Vạn Lộc (sinh năm 1946), nhỏ tuổi nhất thuộc thế hệ 8X như Ngô Thị Thục Trang, Trương Bách Mỵ, Nguyễn Hải Lý, Đoàn Minh Châu. Mỗi người trung bình góp mặt 15 bài thơ.

Nhìn từ cấp độ quốc gia, về thơ nữ có một vài tuyển tập đáng nhớ như Thơ nữ Việt Nam tuyển chọn: 1945-1965 (NXB Hội Nhà văn, 1994), Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam (NXB Phụ nữ, 2000)… Nhìn rộng ra, lịch sử văn học Việt Nam hiện đại từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, những tuyển tập thơ nữ rất là ít, trên 10 tác giả trong một tuyển tập thì có thể không quá 20 đầu sách. Nhìn ở cấp độ tỉnh thành, có lẽ “Như tiếng biển đêm” là tuyển tập thơ nữ hiếm hoi quy tụ được 20 tác giả.  

Còn khía cạnh hên. Đó là phần lớn các tác giả trong Như tiếng biển đêm sinh ở tỉnh thành khác, trong đó có Quảng Nam, nhưng họ lại chọn Đà Nẵng để chuyển đến sinh sống. Một số người mới chuyển đến Đà Nẵng sau này như Đoàn Minh Châu, Đinh Thị Như Thúy. Hên là vì họ có cơ hội xuất hiện cùng nhau (tạm gọi là đương thời), cùng góp sức làm nên diện mạo thơ nữ - cũng là tiếng nói nữ tính và nữ quyền của Đà Nẵng hiện nay.

Về tuyển thơ này, nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Hoa nhận định: “Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người, cuộc sống, cách viết. Ẩn sau trang viết của những nhà thơ nữ Đà Nẵng là các quan niệm, cách nhìn về con người và cuộc sống. Với thơ, họ bày tỏ suy tư, khát vọng, sắp đặt hệ hình mới với mong mỏi tránh sáo mòn, chật hẹp, đưa thơ nhập cuộc vào tiến trình hiện đại”.

Một khía cạnh hên nữa, đó là Hội Nhà văn Đà Nẵng có ý định thực hiện tuyển tập này và đã làm xong sớm, làm khá thành công. Đáng lý thì TP.HCM, Hà Nội hoặc Thừa Thiên - Huế… sẽ thuận lợi hơn, nếu họ làm, vì họ có số lượng tác giả nữ đông đảo hơn.

Tuy thành công là vậy, nhưng nếu Như tiếng biển đêm có thêm các gương mặt ấn tượng như Lê Thu Thủy, Lê Viết Hoàng Mai, Võ Kim Ngân, Bảo Bình, Trần Thị Nguyệt Phượng, Vương Hoài Uyên… thì sẽ toàn diện hơn. Trên mạng hiện nay cũng đã xuất hiện một số cây bút thế hệ 9X của Đà Nẵng, nếu tuyển chọn được để đưa vào tuyển tập thì sẽ sinh động hơn.

Đặng Thị Thanh Hương: Mang giấc mơ lớn cho thơ nữ hiện đại

Đặng Thị Thanh Hương: Mang giấc mơ lớn cho thơ nữ hiện đại

Trường Viết Văn Nguyễn Du từng cống hiến cho đời sống thơ ca hiện đại nhiều nhà thơ nữ xuất sắc như Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Thị Mây, Thu Nguyệt, Nguyễn Thị Hồng Ngát...

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm