Góc nhìn 365: 'Ngày sách Việt Nam' và chướng ngại của văn hóa đọc

21/04/2020 07:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta đang có một Ngày Sách Việt Nam (21/4) đáng nhớ, khi nó diễn ra vào giữa thời điểm dịch Covid-19 hoành hành.

Chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam

Từ ngày 1/7/2020, khi Luật Thư viện có hiệu lực thi hành, Việt Nam sẽ chính thức có Ngày Sách và Văn hóa đọc.

6 năm trước (2014), ngày đặc biệt này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ra đời với những cái đích rất cụ thể: khuyến khích người Việt Nam đọc sách, tôn vinh giá trị của sách, nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Để rồi, trong dòng chảy ấy, kể từ tháng 7/2020 này, (khi Luật Thư viện có hiệu lực), ngày 21/4 sẽ mang một cái tên mới: Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Văn hóa đọc là một câu chuyện dài. Tưởng như mơ hồ, nhưng thực chất, khái niệm ấy lại hoàn toàn có thể lượng hóa thông qua những chỉ số khá cụ thể - điều vẫn được thực hiện tại nhiều nước phát triển. Đó là tỷ lệ sách xuất bản theo đầu người mỗi năm, là phần trăm số người đọc sách trên tổng dân số, là chủng loại sách được xuất bản...

Và thẳng thắn, theo tất cả những chỉ số ấy, văn hóa đọc tại Việt Nam hiện còn ở mức khá khiêm tốn. Điển hình, khi nói về vấn đề này vào năm 2019, lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông từng dẫn ra một nghiên cứu quốc tế cho thấy: Việt Nam chỉ có 30% số người được khảo sát có đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, theo lượng sách xuất bản, mỗi người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới/người/năm nhưng trong đó, có một nửa là sách giáo khoa.

Có rất nhiều lý do để giải thích về sự khiêm tốn này, nhưng không thể bỏ qua những yếu tố từ lịch sử. Thực tế, cho đến cuối thế kỷ 19, văn hóa đọc Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng lớn từ nền giáo dục Trung Quốc, nghĩa là chỉ dành cho số ít. Tiếp đó, do những biến thiên của thời cuộc, chúng ta ít có điều kiện du nhập những tri thức và sách vở một cách toàn diện từ mọi nền văn hóa mà chỉ giới hạn từ một số quốc gia nhất định. Như đánh giá của giới chuyên môn, phải tới cuối thập niên 1980, chúng ta mới dần từng bước có sự phát triển đa dạng - và quan trọng hơn, cân bằng giữa mọi thể loại - trong văn hóa đọc.

Chú thích ảnh
Học sinh, sinh viên lựa chọn sách. Ảnh: Nguyễn Lành - TTXVN

Bây giờ, năm 2020, Ngày Sách Việt Nam được nhắc đến nhiều với sự xuất hiện lần đầu tiên của một Hội sách Việt Nam ở dạng trực tuyến. Đó không chỉ là một lựa chọn thức thời trong bối cảnh dịch bệnh, mà còn là một bước phát triển tất yếu, khi văn hóa đọc trong vài thập kỷ qua gắn liền với sự phát triển của internet tại Việt Nam.

Sự phát triển ấy, kèm theo là những E-book (sách điện tử), audio book (sách nói) và cả các tư liệu cũ được lưu trữ ở dạng scan - đang tạo ra bước ngoặt quan trọng về một con đường mang tri thức theo cách rẻ nhất và nhanh nhất cho mọi người. Để rồi, độc giả - đặc biệt là giới trẻ có trình độ ngoại ngữ - đã có thể tiếp cận các nguồn tri thức một cách ưu việt hơn rất nhiều so với quá khứ.

Có điều, cũng so với quá khứ, văn hóa đọc lại gặp những chướng ngại mới chính từ sự phát triển của internet cũng như nhịp sống hiện đại. Như nhận xét của nhiều chuyên gia, cách đây 3 thập kỷ, khi bắt đầu mở cửa, nguồn tri thức và sách vở của chúng ta lành mạnh, trong sáng và đơn giản hơn hiện nay - dù chỉ giới hạn chủ yếu ở các dòng sách văn học và chính trị, xã hội.

Còn bây giờ, giữa một biển thông tin mênh mông, các độc giả lại đang phải tự biết lựa chọn gì phù hợp và mang lại tri thức cho mình, thay vì bị cuốn theo một biển thông tin có không ít những sự phù phiếm và sai lệch. Chưa kể, tốc độ của nhịp sống hiện đại luôn có khả năng cuốn con người vào những vòng xoáy của nó, thay cho quãng thời gian để đọc sách và thẩm thấu từ những gì đã đọc.

Có nghĩa, từ những hạn chế khách quan, câu chuyện bây giờ thuộc về sự tự giác, cũng như ý thức với văn hóa đọc của mỗi người trong cộng đồng.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm