Góc nhìn 365: 'Gần chùa gọi Bụt bằng anh'

07/05/2020 07:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, lãnh đạo Hà Nội vừa giao các cơ quan chức năng tiến hành điều tra về tình trạng trộm cắp cổ vật tại các di tích trên thành phố. Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn từ giữa tháng 3 tới giữa tháng 4, liên tiếp 4 vụ mất trộm cổ vật đã diễn ra tại các chùa Bối Khê, Dư Dự, Từ Châu và đình Đại Định (đều thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội).

Liên tiếp xảy ra mất cắp di vật, hiện vật quý tại các di tích huyện Thanh Oai, Hà Nội 

Liên tiếp xảy ra mất cắp di vật, hiện vật quý tại các di tích huyện Thanh Oai, Hà Nội 

Theo UBND huyện Thanh Oai, thời gian gần đây, hiện tượng kẻ gian đột nhập, lấy cắp một số cổ vật, hiện vật có giá trị xảy ra tại các di tích chùa Bối Khê (thôn Song Khê), đình Đại Định (thôn Đại Định), cùng thuộc xã Tam Hưng; chùa Dư Dụ, xã Thanh Thùy và chùa Từ Châu, xã Liên Châu.

Tổng số cổ vật bị mất trong các vụ trộm này lên tới con số 26, bao gồm bộ chấp kích, đỉnh đồng, nến đồng, bình sứ cổ, chuông đồng, bình hương... Và, kịch bản của các vụ việc đều gắn với việc kẻ gian chọn thời điểm thuận lợi để cắt cửa, phá khóa rồi đột nhập vào di tích.

Riêng với pho tượng Thích Ca đản sinh tại chùa Bối Khê, đây là lần thứ 3, cổ vật bằng đồng đen này bị lấy trộm - sau 2 lần từng bị mất và lại được tìm thấy trước đây. Câu chuyện ấy khiến nhiều người nhớ tới trường hợp của pho tượng Quan Âm tại chùa Mễ Sở (Hưng Yên), vốn từng gây chú ý vì cảnh “mất đi mất lại” vài năm trước.

Và rộng hơn, nạn mất trộm cổ vật tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cũng là câu chuyện vô cùng quen thuộc trong đời sống văn hóa khoảng 2 thập kỷ trở lại đây. Không chỉ lên tới con số hàng trăm, nhiều địa điểm còn gặp thảm cảnh bị đạo chích “hỏi thăm” nhiều lần như trường hợp ở các chùa Bối Khê và Mễ Sở nói trên. Chẳng hạn, năm 2001, chùa Khám Lạng (Lục Nam, Bắc Giang) bị mất trộm liên tục 2 lần trong vòng một tuần lễ; chùa Nễ Châu (Hưng Yên)… bị mất trộm 4 lần trong 10 năm kể từ 1991; chùa Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội) mất 3 lần trong 3 năm kể từ 2010…

Như chính những người trong cuộc chia sẻ, trong quá khứ, việc trộm đồ chỉ là hãn hữu. Và thông thường, đó là chuyện đến từ sự thiếu hiểu biết, hoặc từ việc người đến chùa “tiện tay” cầm về khi có cơ hội. Ở đó, người ta ít gặp sự chuẩn bị rất tinh vi... và chuyên nghiệp như những vụ trộm sau này - khi kẻ gian biết cách đóng giả khách hành hương, dùng áo che camera, rải cát xuống nền (để tránh tiếng động khi nâng, hạ tượng cổ) hoặc chuẩn bị cả ô tô để chở đồ...

***

Không có gì lạ, khi những cổ vật lâu năm và giàu giá trị tại đình, chùa luôn lọt vào “tầm ngắm” của kẻ gian. Câu hỏi nằm ở việc tại sao hiện tượng này bỗng nở rộ trong vài chục năm qua?

Đã có nhiều cách trả lời, nhưng chắc chắn, người ta không thể bỏ qua sự thay đổi trong tâm thức của nhiều cá nhân khi hướng về đình, đền, chùa, miếu...

Chú thích ảnh
Đình Đại Định (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai), nơi mất nhiều cổ vật quý giá thời gian qua. Nguồn: Internet

Trong quá khứ, những cơ sở tín ngưỡng ấy luôn có vị trí đặc biệt trong đời sống cộng đồng - khi chúng hoặc là nơi thờ phụng các bậc thánh nhân trong tâm thức của người Việt, hoặc là nơi gắn với đạo Phật cùng giáo lý dạy con người tu tâm hướng thiện, không vụ lợi và biết hy sinh. Và, sự kính ngưỡng của cộng đồng với đình,đền, chùa, miếu... có thể thấy rất rõ qua câu khẩu ngữ “của chùa mất một đền mười”, cũng như những câu chuyện truyền miệng dân gian về sự báo ứng khi xúc phạm những chốn linh thiêng ấy.

Cũng chính bởi vậy, với kết cấu mở không hề kín cổng cao tường mà luôn gần gũi, thân thiện cùng khách thập phương, các cơ sở tín ngưỡng và hệ thống cổ vật (mà rất nhiều trong số đó do chính người dân cung tiến) vẫn luôn được bảo vệ an toàn từ sự nhiệt tâm của cộng đồng - bên cạnh phần trách nhiệm của những người trông nom di tích.

Để rồi đến bây giờ, với sự lên ngôi của vật chất trong xã hội hiện đại - cũng như những bóng mờ mang màu sắc dị đoan đã bắt đầu làm hỏng đi sự thuần khiết của nhiều tín ngưỡng và tôn giáo - lời dạy “của chùa mất một đền mười” đã không còn được tin theo như trong quá khứ. Thay vào đó, người ta không khỏi nghĩ đến câu “gần chùa gọi Bụt bằng anh” trước hiện tượng đáng buồn này.

Và, đó mới là vấn đề căn cơ cần được giải quyết bằng con đường của văn hóa, giáo dục và nhận thức - chứ không đơn thuần chỉ là những giải pháp về bảo vệ an ninh, gia cố cửa rào hay... lắp chip chống trộm lên cổ vật mà chúng ta đang nhắc tới trước mắt.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm