Góc nhìn 365: Điện Kính Thiên - gần hay xa?

27/04/2021 07:01 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Cần “tăng tốc” với những kế hoạch, mục tiêu cụ thể để trả lời được câu hỏi: “Bao giờ chúng ta sẽ hoàn thành nghiên cứu và bắt tay vào phục dựng điện Kính Thiên?” – đó là ý kiến được khá nhiều chuyên gia nhắc tới trong buổi báo cáo khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long vào cuối tuần qua.

Khai quật điện Kính Thiên: Tìm thấy dấu tích điện Cần Chánh của Thăng Long?

Khai quật điện Kính Thiên: Tìm thấy dấu tích điện Cần Chánh của Thăng Long?

Nhiều dấu tích quan trọng trong quá trình khai quật khu vực Chính điện Kính Thiên năm 2019 vừa được các cơ quan hữu quan công bố. Trong đó, nổi bật nhất là việc tìm thấy các kiến trúc được cho là thuộc điện Cần Chánh - nơi làm việc của Hoàng đế và triều đình Lê Trung hưng trong giai đoạn từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18.

Buổi báo cáo ấy gắn với những đợt khai quật thường niên tại Hoàng thành Thăng Long trong hơn chục năm qua, với diện tích khoảng 1.000m2 mỗi năm. Đều đặn, những đợt khai quật này nối tiếp nhau và cung cấp thêm cho giới chuyên môn những khám phá mới về điện Kính Thiên – kiến trúc quan trọng nhất của Hoàng thành trong lịch sử.

Tồn tại qua các thời Lý (có tên Điện Càn Nguyên), Trần (có tên Điện Thiên An), Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng… Điện Kính Thiên là nơi diễn ra hầu hết các nghi thức chính trị liên quan tới vận mệnh của mỗi vương triều như lễ đại triều, lễ đăng quang, lễ khánh thọ, lễ tiếp sứ thần các nước. Để rồi, các biến thiên của lịch sử đã khiến công trình này chỉ còn là phế tích, với một vài móng kiến trúc dưới nền đất và đôi rồng đá phía trên.

Điện Kính Thiên, Phục dựng Điện Kính Thiên, Điện Kính Thiên Hoàng Thành Thang Long, Hoàng Thành Thang Long
Điện Kính Thiên là di tích trung tâm, quan trọng bậc nhất, nơi cử hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình, nơi đón tiếp sứ giả nước ngoài và là nơi thiết triều bàn những việc quốc gia đại sự. Ảnh: TTXVN

Không có gì lạ, khi ý tưởng phục dựng Điện Kính Thiên từng được Hà Nội nhắc tới vào năm 2001. Và từ năm 2011, những đợt khai quật đầu tiên đã được tiến hành tại đây và làm tiền đề để ý tưởng ấy ngày càng được quan tâm.

Nhưng cũng cần nói lại, sự thiếu vắng nghiêm trọng về tư liệu (đặc biệt là ở các thời Lý, Trần) cũng như các hạn chế về mặt bằng hoặc những công trình đan xen mọc lên trong giai đoạn sau đã đặt việc phục dựng này trước những khó khăn vô cùng lớn.

Đã có thời điểm, một số ý kiến cho rằng thay vì phục dựng kiến trúc gốc (vốn là mô hình phổ biến tại các nước Đông Á), Điện Kính Thiên chỉ nên được bảo tồn phần phế tích hiện có và phục dựng “ảo” bằng hệ thống công nghệ hiện đại trên nền hiện có - giống như cách làm phổ biến ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, theo thời gian, xu hướng phục dựng kiến trúc này dần nhận được sự đồng thuận - khi mà nhiều chuyên gia khẳng định: người dân không thể thể hiểu như các nghiên cứu về giá trị di sản này, do vậy Hoàng thành Thăng Long vẫn cần một Điện Kính Thiên gần với nguyên gốc nhất, để cộng đồng hình dung và tạo ra một sản phẩm du lịch - văn hóa có tính giáo dục cao.

***

Những đề xuất “tăng tốc” trong buổi báo cáo cuối tuần qua gắn với một cột mốc đặc biệt: Vào đầu năm 2021, thành phố Hà Nội đã có những động thái khuyến khích dự án phục dựng Điện Kính Thiên do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội xây dựng. Theo hoạch định được trung tâm đề ra, dự án này sẽ được hoàn thành trong 10 năm tới với số tiền đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.

Đó là một quyết tâm và cũng là một nỗ lực đặc biệt lớn của giới chuyên môn. Và chắc chắn, đó không thể chỉ là những cố gắng rút ngắn thời gian của riêng ngành khảo cổ, mà cần tới sự phối hợp và góp sức liên ngành của nhiều đơn vị trước một khối lượng công việc khổng lồ.

Đơn cử, như nhiều đề xuất, việc nghiên cứu về kiến trúc Điện Kính Thiên cần được triển khai đồng thời theo nhiều lĩnh vực:Sưu tầm khảo cứu tư liệu, tiếp tục khai thác khảo cổ học, học tập kinh nghiệm phục dựng của các nước Đông Á, thiết lập bản vẽ mô hình theo công nghệ 2D và 3D, tìm phương án để di sản phát huy giá trị sau khi phục dựng. Đặc biệt, là một kiến trúc gắn với Nho giáo thời Lê, Điện Kính Thiên cần sớm được nghiên cứu trong sự tương quan và khảo sát các kiến trúc tương tự, chẳng hạn như tại di tích Lam Kinh, Thanh Hóa.

Giấc mơ về Điện Kính Thiên không xa vời, nếu như chúng ta nỗ lực hết sức, để dần rút ngắn chặng đường biến nó thành hiện thực.

Trí Uẩn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm