Góc nhìn 365: Di sản 'sống'

12/11/2020 08:49 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vài ngày trước, Bộ VH, TT&DL vừa ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với trụ sở UBND TP.HCM. Được biết, từ năm 2016, công trình kiến trúc nghệ thuật hơn 110 năm tuổi này đã được địa phương lập hồ sơ để xin công nhận danh hiệu trên.

'Di sản đô thị' và 'đô thị di sản'

'Di sản đô thị' và 'đô thị di sản'

Ở thời điểm mà dư luận đang hướng về nạn lũ lụt ở miền Trung, chuyện “di sản” xem ra là một cái gì đó không thực tế và xa vời. Nhưng thật ra, đó vẫn là một vấn đề có mẫu số chung với điều ta luôn nói đến những ngày qua: thái độ của con người trong việc gìn giữ những gì quan trọng và có tính bền vững với cuộc sống hôm nay.

Nghe qua, sự kiện này tưởng như không có gì quá đặc biệt – khi mà số lượng di tích cấp Quốc gia tại Việt Nam vẫn đều đặn tăng cao theo mỗi năm. Đơn cử, ngay cùng đợt với trụ sở UBND TP.HCM, 16 di tích Quốc gia khác cũng đã được công nhận tại Bắc Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, Nam Định, Thái Bình.

Nhưng nếu nhìn lại lịch sử của ngành di sản, vẫn cần khẳng định: đây là một cột mốc thú vị.

Bởi, với câu chuyện này, lần đầu tiên, đây là lần đầu tiên, trụ sở hành chính của một đô thị lớn - và vẫn đang hoạt động mỗi ngày - được công nhận là di sản ở cấp cao nhất. Để so sánh, những kiến trúc có công năng tương tự và từng được vinh danh may ra chỉ có các... ngôi đình cổ, vốn từng là “trụ sở hành chính” ở các làng xã từ vài thế kỷ trước và tất nhiên đã ngừng hoạt động.

Chú thích ảnh

Tất nhiên, ở đây, độ tuổi không phải là thước đo duy nhất về giá trị của một công trình. Bởi từ lâu, tòa nhà UBND TP.HCM được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ XX với thiết kế và trang trí độc đáo, pha trộn nhiều phong cách nghệ thuật châu Âu, vốn đã được coi là một công trình tiêu biểu cho lịch sử kiến trúc và văn hóa của thành phố.

Điều đáng nói, không chỉ tại TP.HCM mà ở rất nhiều địa phương trên cả nước, những kiến trúc Pháp cũ như vậy thường được chúng ta kế thừa sử dụng và tiếp tục khai thác công năng sẵn có. Để rồi, chính đặc tính “vẫn đang sử dụng” này đã tạo ra sự lúng túng thường gặp trong nhiều năm nay, khi công trình khó có thể xếp vào danh mục Di tích vốn mang tính chất “bất khả xâm phạm” theo cách hiểu thông thường.

Cuộc tranh cãi khi các công trình Pháp cũ bắt đầu xuống cấp và đứng trước nhu cầu sửa chữa, mở rộng để đáp ứng vai trò hiện có vẫn thường xuất hiện trong vài năm qua theo cách ấy - mà “kịch bản” quen thuộc vẫn là việc giới chuyên môn đề nghị khẩn thiết xếp hạng di tích cho các kiến trúc này để đưa vào danh sách bảo vệ.

Bởi thế, câu chuyện về danh hiệu Di tích Quốc gia cho trụ sở UBND. TPHCM chắc chắn là một tin vui - khi nó được “đóng dấu” để gìn giữ và bảo vệ diện mạo hiện có theo Luật Di sản Văn hóa. Vấn đề còn lại, chỉ là cách khai thác công trình này cho xứng với danh hiệu trên.

***

Sự thực, lời giải cho vấn đề này không khó nếu chúng ta quan tâm tới một trường hợp có nhiều nét tương đồng với Trụ sở UBND TP.HCM - tòa nhà Trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao tại Hà Nội. Công trình Pháp cổ này cũng được vinh danh là Di tích Quốc gia vào cuối năm 2019. Và khi ấy, rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng đề nghị nghiên cứu từng bước tổ chức tour tham quan cho người dân để giới thiệu về công trình này.

Xa hơn, vào đầu năm 2019, khi tầng hầm trưng bày các hiện vật khảo cổ (tìm thấy trong quá trình xây dựng nhà Quốc hội) được khánh thành, nhiều ý kiến cũng nhắc tới một thực tế: Ở các nước phát triển, các tòa thị chính hay tòa nhà Quốc hội có chương trình mở cửa cho công chúng vào xem, thậm chí ngay trong những ngày có các phiên họp hoặc hoạt động hành chính. Nếu chưa thực hiện được điều này, chí ít, chúng ta cũng nên tạo điều kiện cho nhân dân vào tham quan những công trình ấy trong ngày cuối tuần.

Sẽ là vô cùng ý nghĩa, khi những công trình mang tính biểu trưng của những cơ quan quyền lực như trụ sở UBND TP.HCM trở thành nơi tham quan và giới thiệu cho người dân về lịch sử hình thành, cũng như những trầm tích văn hóa lịch sử mà nó mang theo trong cả trăm năm tồn tại. Bởi, đó không chỉ là hoạt động văn hóa, quảng bá giá trị của di tích - điều vốn có trong Luật Di sản và các công ước quốc tế về di sản mà Việt Nam tham gia - mà còn là một biểu tượng về sự gần dân và vì dân của những thiết chế đặc biệt này.

Cúc Đường

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm