Góc nhìn 365: Chuyện từ 'kịch Tây'

25/06/2020 06:56 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một sự kiện nhỏ, và phần nào ít được chú ý, vừa diễn ra trong đời sống văn hóa: cuối tuần trước, tại cà phê Manzi (Hà Nội), nhà nghiên cứu Nguyễn Khiếu Anh vừa có buổi trò chuyện về vấn đề “kịch Tây” tại Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Vũ Đình Long – người khai mở văn hóa từ “Chén thuốc độc”

Vũ Đình Long – người khai mở văn hóa từ “Chén thuốc độc”

Vào sáng ngày 21/8, tại quê hương ông (Thôn Mục Xá, xã Cao Thượng, Thanh Oai, Hà Nội) Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp cùng với địa phương đã tổ chức buổi hôi thảo “Vũ Đình Long, cuộc đời và sự nghiệp".

Thực tế, trong nhận thức chung, ai cũng biết: cùng với sự xuất hiện của người Pháp, những vở “kịch Tây” đã đổ bộ vào mảnh đất hình chữ S từ khá sớm. Cũng như, chúng ta vẫn biết tới tác giả Vũ Đình Long và Chén thuốc độc - kịch bản được coi là cột mốc mở ra một nền sân khấu hiện đại tại Việt Nam sau này.

Tuy nhiên, những chia sẻ tại cà phê Manzi vẫn rất sinh động và hữu ích - khi tác giả của có điều kiện khảo sát nhiều tài liệu gốc tại Pháp.

Chẳng hạn, trước khi những diễn viên kịch nói chuyên nghiệp người Pháp xuất hiện tại Việt Nam, chia sẻ của nhà nghiên cứu này đã nhắc tới vai trò của các linh mục Kitô giáo - những người được cho là có bước đi đầu tiên trong việc giới thiệu hình thức sân khấu mới này, với việc cho diễn lại các đoạn trích từ Kinh Cựu Ước, Kinh Tân Ước và về cuộc đời của các vị Thánh.

Hoặc, từ hồi ký của Claude Bourrin (giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn), chúng ta lại được tiếp cận với một câu chuyện thú vị khác: Chính những binh lính xa xứ người Pháp lại là người dựng nên những sân khấu tạm đầu tiên ở Hà Nội, ven Hồ Hoàn Kiếm, trong giai đoạn 1884 - 1885 để biểu diễn những chương trình không chuyên của mình.

Rồi, 2 cái tên quen thuộc trong lịch sử Việt Nam - các sĩ quan Francis Garnier và Henri Rivière (đều thiệt mạng trong các trận đánh tại Hà Nội) - cũng là những người rất đam mê kịch nghệ. Trong đó, người đầu tiên thường cho dựng các trích đoạn kịch ngắn để giải khuây cho binh sĩ, và người thứ hai để lại nhiều bản thảo kịch dang dở sau khi chấm dứt cuộc đời...

***

Sự xuất hiện của nghệ thuật kịch nói Pháp tại Việt Nam hơn một thế kỷ trước là câu chuyện rất đặc biệt. Cần nhắc lại, đó là bộ môn nghệ thuật hoàn toàn mới đối với truyền thống Việt Nam - khi chúng ta vốn chỉ có kịch hát (chèo, tuồng) trong thời gian trước đó.

Chú thích ảnh
Tiểu thuyết "Eugénie Grandet" được chuyển thể thành kịch tại Việt Nam. Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Để rồi, vào đầu thế kỷ XX, khi văn học nghệ thuật Việt Nam chuyển dần từ các từ loại hình của trung đại sang loại hình hiện đại theo mô hình phương Tây, nhiều nhà nghiên cứu từng chỉ rõ: So với Thơ mới phải đến năm 1932 mới xuất hiện, kịch nói Việt Nam đã có cột mốc mở đường sớm hơn, khi “Chén thuốc độc” của Vũ Đình Long được công diễn vào 22/10/1921.

Thực tế ấy gắn với một so sánh của Claude Bourrin - mà chúng ta thường xuyên trích dẫn - rằng, khi tới một miền đất mới, người Pháp luôn dựng nhà hát, trong khi người Anh dựng nhà băng, còn người Ý sẽ dựng nhà thờ.

Thế nhưng, sau gần một thế kỷ, không khó để khẳng định: Những nghiên cứu hiện có của chúng ta về lịch sử du nhập loại hình nghệ thuật này - cũng như sự tiếp biến nói chung giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt - còn khá hạn chế và tản mát. Ngoài nguyên nhân chính về sự thiếu vắng tư liệu, bản thân việc chuyển ngữ và xuất bản những nghiên cứu của chính người Pháp về vấn đề này cũng chưa được chú trọng đầy đủ.

Nó giống như việc chúng ta ít nhiều cũng đã không chú ý tới một cột mốc khác, vừa diễn ra vài tháng trước: Ngày 25/4 vừa qua chính là thời điểm tròn một thế kỷ, vở kịch đầu tiên biểu diễn bằng tiếng Việt (và do người Việt thủ vai) được công diễn tại Nhà hát Lớn, sau 9 năm chỉ “dành chỗ” cho những vở diễn bằng tiếng Pháp. Đó là trường hợp Người bệnh tưởng, được học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch từ kịch bản tiếng Pháp của Molier, tự dàn dựng và biểu diễn cùng các diễn viên nghiệp dư của mình...

Đã sắp tới thời điểm sân khấu kịch nói Việt Nam kỉ niệm 100 năm tuổi, kể từ khi Chén thuốc độc ra đời. Ít nhất, hãy cứ hi vọng rằng cột mốc ấy sẽ là động lực để lấp dần những khoảng trống trong việc nghiên cứu cuộc đổ bộ của “kịch Tây” khi xưa...

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm