Góc nhìn 365: Chờ tuyết rơi

14/01/2021 07:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Tuyết rơi ở Sapa và một số vùng cao phía Bắc. Vài ngày qua, câu chuyện ấy liên tục được nhắc tới trong dòng thời sự chủ lưu, cả trên mặt báo và không gian mạng.

Lào Cai: Mưa tuyết trắng trời Sa Pa và Y Tý

Lào Cai: Mưa tuyết trắng trời Sa Pa và Y Tý

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Lào Cai, từ 0 giờ ngày 11/1, mưa tuyết đã bắt đầu xuất hiện tại xã vùng cao Y Tý (huyện Bát Xát) và đỉnh đèo Ô Quý Hồ, đỉnh Fansipan (thị xã Sa Pa).

Ở đó, chúng ta được dự đoán và “nhắc nhở’ về hiện tượng này từ trước khi nóbắt đầu, được thông báo bằng hàng loạt bản tin kèm theo hình ảnh về những nếp nhà chìm trong gam màu trắng như ở trời Âu – để rồi, đều đặn, tất cả những gì liên quan tới nó luôn được cập nhật mỗi ngày.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyện tuyết rơi lại “chiếm sóng” nhiều đến vậy, nhiều hơn hẳn so với ý nghĩa của một cột mốc đặc biệt về khí hậu lạnh giá tại phía Bắc.

Chú thích ảnh

Bởi, từ vài năm nay, hiện tượng thời tiết cực đoan này đang lại đang được “săn lùng” bởi rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là người trẻ. Với họ, việc để tận mắt ngắm cảnh tượng vốn không dễ gặp ở một xứ nhiệt đới như Việt Nam là một niềm vui, thậm chí là một trải nghiệm lớn trong cuộc đời.

Thực tế thì tuyết vẫn lác đác xuất hiện ở vùng cao phía Bắc trong suốt chiều dài lịch sử của nó. Nhưng, trào lưu chơi tuyết và săn tuyết chỉ rộ lên từ những năm 2010, khi Internet và mạng xã hội ở Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn cực thịnh. Nhờ sự phát triển của công nghệ, những bức ảnh chụp tuyết, rồi thông tin về thời điểm và vị trí có tuyết rơi, hướng dẫn ăn ở đi lại... nhanh chóng được lan tỏa và khiến người ta có thể thỏa mãn giấc mơ ngắm tuyết một cách dễ hơn trước rất nhiều.

Nhưng, để xuất hiện và được.. chấp nhận một cách tự nhiên,câu chuyện “săn tuyết” cũng đã phải trải qua một lộ trình nhất định trong nhận thức chung của cộng đồng. Không phải ngẫu nhiên, dăm bảy năm trước, mạng xã hội đã bùng nổ một cuộc tranh luận gay gắt về sự ích kỷ và vô tâm của những người có thú vui ấy- khi đặt cạnh lời ước tuyết rơi thật lâu, thật dày của dân phượt là những lời than thở hộ đồng bào vùng cao về thảm cảnh trâu bò chết rét, thiếu lương thực và quần áo ấm hay thất bát mùa màng.

Cuộc tranh luận ấy tất nhiên sẽ không có hồi kết. Bởi, nhu cầu ngắm tuyết và thưởng tuyết vẫn phát triển tiếp, như cách mà cuộc sống phải diễn ra. Thậm chí, như phân tích của những người làm du lịch, xu hướng “săn tuyết” ấy lại là cơ hội để người dân vùng cao phát triển dịch vụ để bù lại sự khắc nghiệt mà thiên nhiên trút xuống mình trong mùa lạnh.

Săn tuyết và thích tuyết chẳng có gì sai. Giống như, nhu cầu hưởng thụ và sự nhiệt tâm giúp đỡ người nghèo vẫn là hai khái niệm độc lập và không phải lúc nào cũng có thể cân đong đo đếm. Có chăng, thay vì ép buộc, chúng ta hãy khuyến khích những người mê ngắm tuyết tự tìm sự cân bằng cho mình giữa hai câu chuyện này.

Điều chúng ta hướng đến bây giờ chỉ là một khía cạnh khác: Những đợt ngắm tuyết cần hướng tới sự chuyên nghiệp - cho dù sự thất thường của thời tiết khiến nó khó có thể trở thành tour du lịch truyền thống để các công ty tour thiết kế một cách định kỳ và phổ biến. Nhưng sự hướng dẫn và chuẩn bị một cách chu đáo để các doanh nghiệp địa phương và người dân bản địa có thể tận dụng cơ hội “ghi bàn” và phục vụ du khách một cách tốt nhất trong thời điểm tuyết rơi sẽ là không bao giờ thừa.

Được vậy, tuyết cứ rơi, và chẳng ai trong số chúng ta phải thiệt.

Anh Bảo

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm