Góc nhìn 365: Chờ những 'giao lộ văn hóa' mới

12/10/2021 06:35 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hồ Gươm, giao lộ Đông - Tây là tên gọi cuộc triển lãm trực tuyến được Trung tâm lưu trữ quốc gia I tổ chức và vừa khai mạc cuối tuần qua. Ở đó, người xem sẽ được chiêm ngưỡng hơn 100 tài liệu, tư liệu, hình ảnh, bản vẽ về Hồ Gươm trong quá khứ.

Khi Hồ Gươm chờ… tàu điện

Khi Hồ Gươm chờ… tàu điện

Tất nhiên, đó không phải là những chuyến tàu điện từ thời Pháp, đã từng bị dỡ bỏ tại Hồ Gươm từ thập niên 1990, cho dù thực tế, trong tương lai, một mô hình tàu điện này (kết hợp với quán cà phê) cũng đang được nghiên cứu dựng lại ở Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để phục vụ những người hoài cổ.

Và, tên gọi của triển lãm được những người trong cuộc giải thích: Sau nhiều lần chỉnh trang, tôn tạo, Hồ Gươm giống như một giao lộ kết nối hai nét kiến trúc và văn hóa Đông - Tây. Cùng với những nếp quen cũ, những tập quán sinh hoạt truyền thống của người Hà Nội, diện mạo mới của một đô thị phương Tây khiến cho lối sống của người dân có thêm nhiều điều mới mẻ. Sự cộng hưởng đó đã tạo nên dấu ấn rất riêng cho Hồ Gươm và phố cổ ngày nay.

Chú thích ảnh
Hình ảnh Hồ Gươm cách đây hơn 1 thế kỷ. Ảnh: archives.org.vn

Cũng cần nhắc lại, trước khi có tác động từ người Pháp, Hồ Gươm vẫn mang dáng dấp của những ao hồ nông thôn. Để rồi, từ năm 1884, không gian này trở thành trung tâm trong công cuộc quy hoạch thành phố Hà Nội, với kỳ vọng thiết lập một quần thể văn hóa, chính trị, tín ngưỡng, thương nghiệp, dịch vụ và giải trí của Hà Nội.

Xem triển lãm, có thể thấy rất nhiều quy định nghiêm ngặt về quy hoạch, cũng như ý tưởng xuyên suốt về kiến trúc đã được áp dụng trong quá trình cải tạo Hồ Gươm. Điển hình, để duy trì hệ thống cây xanh và không cản trở tầm nhìn, Tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ yêu cầu giữ lại không gian quanh hồ với chiều rộng ít nhất là 20 mét, trong đó không một công trình nào được phép xây dựng. Rồi, giới hạn chiều cao của những dinh thự, cơ quan hành chính, công sở ở phía Đông cũng được quy định rõ trước khi xây dựng.

Chú thích ảnh
Ảnh tư liệu về Quảng trường Hồ Hoàn Kiếm

Từng bước, theo thời gian, nhiều nhà máy, xí nghiệp, cửa hàng, cửa hiệu, hãng buôn mọc lên tại các phố Tây hình thành quanh hồ. Rồi, các khu trung tâm vui chơi, giải trí kiểu Âu ra đời như: Nhà hát Lớn, câu lạc bộ, bể bơi. Đường tàu điện được thiết lập, với những rạp chiếu bóng, quán cà phê nằm rải rác quanh bến đỗ. Tất cả gắn với sự thay đổi trong đời sống vật chất, tinh thần của người Hà Nội - kể từ việc sử dụng bánh mì, nước đá, cà phê, bia trong ẩm thực cho đến thói quen đi dạo quanh Bờ Hồ, vào tiệm cà phê, vào nhà Khai trí Tiến Đức hoặc nghe nhạc, khiêu vũ tại nhà Thủy Tạ. Thậm chí, những quầy bán hoa tươi cũng được hình thành tại đây để người Hà Nội duy trì thói quen cắm hoa trong nhà.

Đáng nói, trong quá trình quy hoạch và xây dựng không gian quanh Hồ Gươm thời Pháp, người Hà Nội cũng có những đóng góp quan trọng khi đưa ra phản ứng gay gắt với việc phá bỏ một số công trình quanh hồ như đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, đền vua Lê… Để rồi, từ làn sóng bức xúc này, người Pháp đã lần lượt có các nghị định bảo tồn đền Ngọc Sơn, đài Tháp Bút và một số công trình lịch sử khác.

Chú thích ảnh
Những hình ảnh về Đền Ngọc Sơn được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh chụp màn hình

Và như thế, cộng cùng những nét kiến trúc Pháp, Hồ Gươm vẫn giữ lại cho mình được chiều sâu văn hóa với những công trình truyền thống từng có trong lịch sử. Không gian ấy trở thành “giao lộ Đông - Tây”, đồng thời cũng là biểu tượng về sự tích hợp giữa nền văn hiến ngàn năm và việc tiếp nhận văn minh phương Tây của Hà Nội.

***

Hơn 100 năm từ giai đoạn ấy, Hồ Gươm vẫn luôn là không gian văn hóa đặc thù của Hà Nội. Nhưng, việc nhìn lại câu chuyện của nó cũng đồng nghĩa với một câu hỏi khác: Đến bao giờ, chúng ta có thể thiết lập thêm những “giao lộ văn hóa” đủ sức trở thành trung tâm mới của một Hà Nội vốn đã được mở rộng diện tích lên tới vài chục lần so với cuối thế kỷ 19?

Ở một Hà Nội của thế kỷ 21, hàng loạt những công viên hoặc quảng trường - loại hình không gian dành cho cộng đồng, cho lễ hội và tổ chức sự kiện - đã và vẫn đang lần lượt xuất hiện theo từng năm. Nhưng nhìn ở góc độ thu hút cộng đồng, rõ ràng chưa trường hợp nào trong số đó có sức hút đủ để thành một đối cực của Hồ Gươm - và từ đó chia sẻ bớt công năng của không gian văn hóa luôn có dấu hiệu quá tải này.

Đó không chỉ là câu chuyện về những lớp giá trị được tích lũy dần theo thời gian, mà còn liên quan tới những bài toán về quy hoạch, về vị trí, về cách vận hành hoặc tổ chức hoạt động để tạo sức hút. Và cũng không phải ngẫu nhiên, nhiều chuyên gia đã đề nghị Hà Nội nên sớm “tái cấu trúc” lại một số địa điểm như Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất, không gian quanh Hồ Tây... để trở thành các điểm đến văn hóa thật sự, bởi chúng đã sẵn có bề dày lịch sử và quen thuộc với ký ức cộng đồng.

Chắc chắn, dù không hoàn toàn giống như trường hợp Hồ Gươm, những “giao lộ văn hóa” ấy vẫn phải đến từ cách tiếp cận đủ nghiêm túc và khoa học, cũng như sự sắp xếp và phát triển đầy chủ ý.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm