Giờ cao su: Chuyện ở trường học, chuyện ở cuộc sống

06/09/2018 07:31 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày khai giảng năm học mới vừa diễn ra trên toàn quốc. Và như báo giới phản ánh, rất đáng mừng khi đa số các lễ khai giảng ấy đều diễn ra trang trọng nhưng được tổ chức chỉ trong vòng một giờ đồng hồ, không rườm rà hình thức.

Nhưng, cũng liên quan tới chuyện thời gian và sự nhanh gọn, tôi muốn nói thêm về một câu chuyện khác.

Gần đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra văn bản thông báo về quy định "đi học muộn 5 phút coi như nghỉ học". Sau đó nhà trường cũng đã ra thông báo thu hồi văn bản trên sau khi có nhiều ý kiến phản hồi trái chiều.

Tạm bỏ qua chuyện đúng – sai, rõ ràng tình trạng "giờ cao su" của sinh viên là lý do dẫn tới văn bản này.

Rộng hơn, như tôi thấy, đó còn là tình trạng của nhiều ngôi trường khác, ở các cấp học khác, và không chỉ với học sinh, sinh viên mà còn có cả phụ huynh (khi đi họp cho con).

Chú thích ảnh
Tranh minh họa. Nguồn: Internet

Trước kia, những ngày đầu nhập ngũ, chúng tôi hầu như bỡ ngỡ với những quy định về giờ giấc sinh hoạt, ngơ ngác khi nghe kẻng hoặc còi hiệu lệnh. Chưa thể phân biệt được thế nào là báo thức, mấy hồi là giờ cơm, giờ sinh hoạt thì còi nghe thế nào… nhưng có một điều sau đó ai cũng phải biết, ai cũng tuân thủ chuẩn chỉ: đó là đã nghe hiệu lệnh làm gì đó đều phải khẩn trương, nhanh chóng ra vị trí tập trung theo yêu cầu.

Về sau học Điều lệnh đội ngũ thì bắt buộc phải nhớ, khi tập trung nếu đứng cách người chỉ huy 3 bước thì có thể đi bộ, còn cách 5 bước trở lên thì phải chạy. Tức là yêu cầu phải thật nhanh chóng, không có chuyện câu giờ, lề mề tác phong. Đặc biệt tình huống báo động thì phải chạy là chắc chắn. Chỉ huy bao giờ cũng nhắc nhở: vận động lên. Chính vì vậy trong quân đội nếu hỏi có giờ “cao su” không, thì chắc chắn là không.

Những năm xuất ngũ, rồi đi làm kinh tế, hợp tác làm việc với Nhật Bản, tôi thấy một số công ty  biết rõ cách tính "giờ cao su" của người Việt. Cho nên ngay từ nội quy, phần nói về giờ làm việc họ ghi rất rõ rằng đây là giờ phải có mặt tại vị trí làm việc và bắt đầu công việc được giao, chứ không phải chỉ có mặt trong công ty.

Như thế, nếu 8 giờ sáng làm việc, công nhân phải đến sớm thay đồng phục, chuẩn bị nguyên vật liệu… để đúng giờ là máy chạy. Có lần tôi hẹn gặp đối tác làm việc, lịch hẹn là 14h30, vậy mà đến sớm 5 phút (14h25) phía đối tác thông báo đúng giờ sẽ làm việc, còn 5 phút của họ đang đủ để giải quyết một việc khác.

Những ví dụ này nói lên rằng, người ta rất quý trọng thời gian, không bỏ sót một phút nào cả .Vì vậy họ đánh giá rất cao những người chính xác giờ giấc và họ luôn luôn tôn trọng, tuân thủ, không lạm dụng kể cả khi mình là người có thứ bậc cao trong một tổ chức.

Học được điều ấy, sau này, khi có nhân viên công ty đã đến muộn nhưng lại đưa ra lý do tắc đường, tôi hài ước nói rằng: hôm nay trả lương cho em một ngày ngồi không làm gì, chỉ quan sát và cho mọi người biết đoạn đường đó khi nào thì vắng?

Ở Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn bây giờ mà bảo không tắc đường mới lạ. Nhưng không có nghĩa là tắc đường thì chúng ta được phép đổ lỗi này kia.

***

Kể những chuyện ấy, tôi muốn nói rằng từ những tín hiệu tốt về việc tận dụng thời gian trong lễ khai giảng vừa qua, chúng ta hãy nghĩ tới việc xóa bỏ thói quen "giờ cao su" ở trường học, và thậm chí ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Thời gian là vàng là bạc, câu này là kinh điển với thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Ứng xử với thời gian cũng là một nghệ thuật cần phải học hỏi  và rèn luyện liên tục chứ không thể tự nhiên có được.

Quốc Khánh

Câu hỏi lớn cho ngày khai giảng

Câu hỏi lớn cho ngày khai giảng

Có một câu chuyện đã trở nên rất quen thuộc trong những năm qua: cứ gần đến ngày khai giảng, chúng ta lại cùng bức bức xúc và lo ngại về "chủ nghĩa hình thức" ở ngày lễ trọng đại này.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm