Giáo viên: nghề 'an bần, lạc đạo'

21/11/2018 07:05 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vậy là ngày 20/11 với nhiều hoa và cung bậc cảm xúc vừa bước qua, nỗi nhọc nhằn của nghề giáo vẫn còn rất dài ở phía trước. Để kể về cái nghề “gian lao và anh dũng” này, trên Facebook cá nhân ngày 19/11, nhà văn Nguyễn Một viết rằng đúng 20 năm trước anh đã không chịu được gian lao, nên phải rời bảng đen, phấn trắng, hoa phượng, sân trường.

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Bài học đầu tiên

Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: Bài học đầu tiên

Một tuần mới lại bắt đầu trong không khí cả nước tổ chức các hoạt động tri ân, tôn vinh các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Ngày đó nhà văn Nguyễn Đức Thọ từng nói với anh, chấp nhận nghề giáo là chấp nhận “an bần, lạc đạo”, nếu không thể an bần thì nên rời nghề.

Bây giờ Nguyễn Một đã có danh trong nghề văn và tạm ổn về tài chính gia đình, nhưng cứ đúng 3h ngày 19/11 hàng năm là anh chợt tỉnh giấc để nhớ lại cái khoảnh khắc mình quyết định rời bục giảng.

Anh viết: “Đêm về tôi nhìn con gái thở nặng nhọc trên giường bệnh, nhìn vợ trẻ tảo tần bên nồi khoai để bán cho học trò buổi sáng, tôi quyết định bỏ nghề. Khoảnh khắc định mệnh ấy lúc 3h sáng ngày 19/11/1998. Tôi đã quyết định đúng cho cuộc sống, giữ được gia đình bé nhỏ của mình thoát đói, giảm nghèo”.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Một thời còn là giáo viên

Thế nhưng anh nói rằng đó là một quyết định khó khăn hơn anh tưởng rất nhiều. Nghề giáo nhìn thanh tao là vậy nhưng cần sự kiên định và dũng cảm lắm, bởi nếu không có đủ tình yêu và sự dũng cảm, chắc đa số thầy cô sẽ không tiếp tục đứng trên bục giảng.

Đọc lại cuộc đời của 10 danh sư, thậm chí 50 danh sư nổi tiếng thời xưa của Việt Nam, đâu có mấy người được thong dong trong chuyện ăn mặc, sinh hoạt. Thiếu trước hụt sau, thậm chí vợ con, học trò đói kém là chuyện thường ngày. Ngay cả được phong tước Văn Trinh Công như Vạn thế sư biểu Chu Văn An thì cuộc đời cũng thanh bần, gia đình thiếu thốn trăm bề.

Đúng là, nếu không an bần, lạc đạo, nếu không vì nghĩa quên thân, thì rất khó để theo nghề dạy học dài lâu. Chưa nói, nếu đọc các câu chuyện làm giàu, gương triệu phú, tỷ phú, nhiều người có xuất thân từng là giáo viên, nghĩa là nghề giáo sẵn có nền tảng tri thức, chuyển nghề cũng có nhiều cơ hội thành công về kinh tế.

Nâng lương cho cả hệ thống lương quốc gia với nghiều ngành nghề là việc rất nan giải, tốn kém, nhưng nếu tập trung cho một vài ngành nghề quan trọng như giáo viên thì khả năng thực hiện được sẽ cao hơn.

Mặt bằng lương và thu nhập tăng thêm của nghề giáo còn quá thấp, khiến việc giữ nghề, sáng tạo và cống hiến cho nghề cũng bị giới hạn đáng kể. Nếu giáo dục được nâng tầm, đầu tiên là ở chất lượng chuyên môn và chất lượng đời sống của thầy cô giáo, thì nguồn nhân lực của quốc gia sẽ được cải tạo, nâng tầm đáng kể, đất nước sẽ phát triển nhanh hơn. Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia… là những ví dụ gần gũi, để nâng tầm vóc quốc gia, việc ưu tiên lớn nhất của họ là nâng tầm giáo dục.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm