Dọn nhà chiều cuối năm

31/12/2019 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Vào một chiều rỗi việc cuối năm, tôi ngắm căn nhà khắp lượt rồi đưa ra một quyết định hiếm hoi và hệ trọng: tổng vệ sinh. Tết nhất đến nơi rồi!

Cuối năm - đi đâu mà vội?

Cuối năm - đi đâu mà vội?

Có vẻ như câu ca dao: “Đi đâu mà vội mà vàng/Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây” rất phù hợp để mở đầu cho tuần mới này.

Để mở đầu chiến dịch tôi chọn phòng của bà (mẹ tôi) làm đột phá khẩu. Căn phòng của bà như là "lãnh địa" riêng, muốn vào cần phải xin phép. Ấy là tôi cứ nghĩ như vậy với mong muốn duy trì một “hành lang tự do” đủ lớn cho bà. Người già cần một không gian độc lập nhất định.

Để vào lãnh địa riêng tiến hành chiến dịch dọn dẹp mà không xin phép hay vướng các thủ tục rườm rà, tôi rình lúc bà đi vắng, để khi bà về mọi sự đã rồi....

Dẫu ý thức được người già cần tự do, một kiểu tự do rất người già, nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ với không gian sống của bà.

Việc sắp xếp đồ vật của bà hoàn toàn không để trang trí mà đề cao tuyệt đối sự thuận tiện. Ví dụ đèn pin, dầu gió, nước uống, áo ấm, thuốc men... phải để ngay đầu giường, cạnh gối. Rất có thể cả... bô vệ sinh dưới gầm giường. Sự “phòng thủ” với bệnh tật và cái chết luôn rình rập khiến người già và bà tôi xây dựng cho mình một khái niệm riêng về sạch và gọn, chắc chả ai giống ai.

Chú thích ảnh

Người già, trong đó có bà, không sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội nữa nhưng “tư liệu sản xuất” lại hơi bị nhiều.

Trên tay cầm của khóa cửa đeo cả một mớ dây thun. Dường như tất cả dây thun của những bao gói đem về nhà có thể tìm thấy ở đây. Nhiều chiếc đã lão hóa chảy thành keo. Lật gối lên, dưới chiếu là tệp túi ni lông. Hầu như tất cả bao ni lông đựng đồ khô đem về nhà, thậm chí bà nhặt nhạnh đâu đó, đều được vuốt phẳng, cất ở đây.

Với người già túi ni lông là của hiếm. Chả thế xưa các cụ dành cho một đặc ân: trở thành "tiền thân" của ví, bóp - bao đựng những đồng tiền quý giá, giắt chặt dưới lưng quần. Tệp ni lông cũ khiến gối kê đầu vồng lên một chút. Nó làm tôi nhớ tới tệp quần áo của bố, cũng gập vuốt phẳng phiu rồi để ở đây cho có nếp, thời chưa có bàn là.

Chai lọ cũng thuộc nhóm đồ vật bà đầu cơ tích trữ. Đủ cả, chai nước mắm, chai rượu, chai thuốc; nhiều nhất là chai nước tinh khiết, chai dầu ăn. Thời bao cấp chắc người ta phạt bà mất vì "đầu cơ, tích trữ" là tội nặng cho dù nó chính là là hệ lụy tất yếu của thời này. Tất cả chai, lọ, hộp mà bà hình dung có thể sử dụng vào một dịp nào đó, vào một việc gì đó, bà đều súc rửa sạch sẽ, buộc thành bó.

***

Tôi tần ngần đứng nhìn đống của nả quý giá của bà và hình dung bà sẽ tiếc như thế nào lúc bà trở về không còn thấy chúng.

Người già còn rất ít quyền lực trong gia đình. Quyền lợi cũng chẳng có gì, chính xác hơn còn một chút, nằm trong hai chữ tự do. Đụng tới quyền lợi của người trẻ hay người già đều phải thận trọng huống hồ người già lại thuộc nhóm dễ tổn thương. Dễ tổn thương vì gây tổn thương cho người già dễ lắm!

Thôi cứ để đấy! Tốt nhất không nên động vào. Đống đồng nát gồm chai lọ, dây thun, túi ni lông... bà tích trữ là hiện thân của quá khứ một thời khốn khó. Nó là quá khứ của bà, mà người già thường sống bằng hoài niệm, cất đi quá khứ của họ chả khác gì giật phăng món đồ chơi yêu thích trong tay một đứa trẻ. Đứa trẻ khóc oà, còn người già nuốt nước mắt vào trong.

Thăng trầm của thời cuộc, của loạn ly, giặc giã khiến cho chắt chiu, phòng thủ, lo xa... trở thành tính nết, thành thói quen khó bỏ của bà. Và chính sự chắt chiu, gom góp ấy đã nuôi tôi lớn khôn đến hôm nay.

Bước ra khỏi phòng, tôi quăng chổi nghĩ, chả cứ bà, người dân Việt đã bao giờ hết nơm nớp lo toan, đã bao giờ thôi chắt chiu, dành dụm?

Ngô Thiệu Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm