Dịch COVID-19: Khi tình người tạo nên giá trị cuộc sống

09/04/2020 11:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Ai cần cứ đến lấy. Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường cho người khác. Mỗi người một gói, không sợ hết, chỉ lấy đủ dùng; chia sẻ cùng nhau vượt qua đại dịch COVID-19”. Băng rôn trên được căng ở cổng Khu ký túc xá Mễ Trì (Hà Nội) cùng với một bàn đặt các túi quà nhỏ gồm những thực phẩm thiết yếu như: mì tôm, trứng, xúc xích...

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Chữ và nghĩa: 'Máu chảy ruột mềm' - Tình anh em, nghĩa đồng bào

Đây là một câu thành ngữ quen thuộc và được thống kê trong nhiều cuốn từ điển thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt. Về cơ bản, ngữ nghĩa của thành ngữ này cũng được giải thích tương tự nhau.

Đến nhận đồ hỗ trợ đều là những người có hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống bị ảnh hưởng do dịch bệnh như người bán hàng rong, xe ôm, người không có thu nhập ổn định.

Những chương trình hỗ trợ trong cơn đại dịch COVID-19 đang là điểm tựa cho nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống. Những chương trình ấy mang ý nghĩa rất lớn, đầy ắp nghĩa tình của không ít người, từ em nhỏ đến người nổi tiếng, không chỉ đóng góp một phần công sức bé nhỏ, chia sẻ cùng đồng bào, đồng loại, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực, nhen lên ngọn lửa yêu thương trong cộng đồng, vì mục đích: Cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Mỗi hình ảnh, hành động đẹp được nhân lên từng ngày, được truyền tải qua các phương tiện truyền thông, gửi đi những thông điệp nhân văn, nghĩa tình.

Tại địa chỉ 204B đường Vườn Lài, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh, một chiếc “ATM gạo” chưa từng có đang giúp hàng trăm người lao động nghèo tạm thời vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19. Nhà hàng Tuấn (113 Hùng Vương, Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) mỗi ngày phát miễn phí hơn 300 phần cơm cho bà con lao động nghèo và cả người ngoại quốc đang gặp khó khăn... Tại Đà Nẵng, nhóm từ thiện "Quán cơm Yên vui" phát hơn 250 suất cơm hỗ trợ những người đang chạy ăn từng bữa tại 3 địa điểm: số 68 đường Lý Triện, 94 đường Phan Thanh và 282 đường Trưng Nữ Vương. Ngoài các điểm cố định, nhóm cũng tổ chức phát cơm lưu động, đưa cơm tận nơi cho người có hoàn cảnh khó khăn không thể đến điểm phát.

Chú thích ảnh
"ATM gạo" này chính thức hoạt động từ ngày 6-4, mỗi ngày phát hơn 1 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn: Báo Công an TPHCM

Anh Nguyễn Thanh Tâm, chủ đại lý vé số Thiện (Phường 5, thành phố Vĩnh Long), đã quyết định hỗ trợ 50.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly xã hội cho những người bán vé số dạo gặp khó khăn… Những việc làm, con số ủng hộ đối tượng gặp khó khăn vì dịch COVID-19 không dừng ở một cá nhân, hay những cộng đồng riêng lẻ. Cho dù đang lao đao khi sức tiêu thụ bị đình trệ, kinh tế gặp khó nhưng nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Vingroup; Vinamilk; các ngân hàng Techcombank, VPBank, HDBank, Hàng Hải, Sacombank, SeABank, Bắc Á… cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ về việc hỗ trợ công tác phòng, chống dịch. Số tiền ủng hộ lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát tốt, nhiều bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đã được điều trị, xuất viện, trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới còn rất phức tạp, vì thế, chúng ta vẫn luôn xác định không chủ quan, coi thường, luôn giữ tinh thần chủ động để ứng phó kịp thời với những tình huống xấu có thể nảy sinh. Từ những ứng phó kịp thời, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, sự cộng đồng trách nhiệm của người dân trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh đã cho chúng ta những bài học quý mang đậm triết lý nhân sinh.

Đó là sự gắn kết, đồng lòng giữa Chính phủ với nhân dân. Mỗi quyết sách của Chính phủ đều xuất phát từ lợi ích của nhân dân đều được toàn dân tin tưởng, ủng hộ, tạo nên sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chính sự phối hợp nhịp nhàng cùng tinh thần quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị đã trở thành cơ sở vững chắc để các cơ quan chức năng từng bước nhận diện, khoanh vùng và dập tắt dịch bệnh, tạo môi trường, không gian lành mạnh cho toàn dân. Yêu thương, nhân ái, đoàn kết, đồng lòng là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được thể hiện rõ nhất mỗi khi đất nước lâm vào tình thế khó khăn, thử thách.

Chú thích ảnh
Mỗi người sẽ được nhận 1,5kg gạo mỗi lần và ngày nhận không quá 2 lần. Nguồn: Báo Công an TPHCM

Đi lên từ đất nước nông nghiệp, nhân dân ta luôn hiểu thấu triết lý, ý nghĩa của tình làng xóm, nghĩa đồng bào. Trải qua bao khó khăn, hoạn nạn, thử thách, hiểm nghèo, người Việt đều có những sáng tạo không ngừng để hướng về tương lai tốt đẹp. Tinh thần cộng đồng, tương thân, tương ái, yêu thương san sẻ, đùm bọc lẫn nhau là những đức tính được hun đúc, hình thành xuyên suốt truyền thống lịch sử để tiếp nối, phát huy trong tình hình mới.

Những hình ảnh đẹp, những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn, những ứng xử có trách nhiệm cao trong chiến dịch phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua đã giúp mỗi chúng ta vững tin hơn vào sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước; gia tăng sức mạnh, niềm tin, tạo động lực lớn để mỗi người vượt qua khó khăn, hiểm họa, hướng đến một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn, bình an và hạnh phúc.

Dịch bệnh không chỉ là câu chuyện “của xã hội” mà trên thực tế cũng là vấn đề “của mỗi cá nhân”. Thậm chí, dịch bệnh bắt đầu từ mỗi cá nhân và khi không được kiểm soát tốt, nó sẽ trở thành vấn đề của xã hội. Vì thế, trước thách thức dịch bệnh, lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng càng quan hệ mật thiết và ảnh hưởng trực tiếp đến nhau.

Đồng thời, vấn đề xử lý hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng luôn là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách vận hành của cả xã hội. Những hành động đẹp ấm áp tình người trong cuộc chiến chống COVID-19 cũng là chính là những giá trị đích thực của cuộc sống, bởi chỉ khi xảy ra biến cố thì con người mới biết quý trọng những giây phút bình an bên người thân, gia đình.

Thu Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm