Đạo lý ngày cúng giỗ

11/04/2014 09:15 GMT+7


(Thethaovanhoa.vn) - 1. Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công đức các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước.

Hàng năm, trong ngày giỗ Tổ, triệu triệu lượt đồng bào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở nơi đâu vẫn hướng về đất Tổ, cùng hành hương về Đền Hùng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng, thắp nén tâm nhang tại lăng Hùng Vương cầu mong cho đất nước luôn thái bình, thịnh trị và muôn dân được ấm no, hạnh phúc.

Thế nhưng, theo báo chí phản ánh, ngày 9/3 âm lịch, tại một trại văn hóa nằm trong khu vực sân trung tâm lễ hội đền Hùng, trước phông nền của trại với hình ảnh đền chùa được cách điệu trang nghiêm, một cảnh tượng vô cùng phản cảm đã diễn ra khi hàng chục nam nữ thanh niên mở nhạc sàn, tự do nhảy múa lắc lư theo tiếng nhạc.

Âm thanh lớn cùng với những tiếng hò hét chát chúa khiến hàng nghìn người dân đi ngang qua trại văn hóa này cảm thấy vô cùng bức xúc.

Trong văn hóa Việt, ai cũng hiểu lễ giỗ là ngày tưởng niệm người mất đã qua đời, thể hiện tấm lòng thủy chung, thương xót của người đang sống với người đã khuất, thể hiện đạo hiếu đối với Tổ tiên. Nhà giàu thì tổ chức làm giỗ mời người thân trong dòng họ, bạn bè gần xa, anh em bằng hữu về dự. Nhà nghèo thì chỉ cần lưng cơm, đĩa muối, quả trứng, ba nén nhang, một đôi nến… Nhưng dù giàu hay nghèo, đông đúc hay thưa vắng, lễ giỗ đều phải thành kính trang nghiêm. Đó là đạo lý.

Với lễ giỗ Quốc tổ, từ thời các triều đại phong kiến, những người dân sở tại trông nom, cúng bái, chăm nom lễ Giỗ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch được triều đình miễn nộp thuế ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu đi lính.

2. Hình ảnh phản cảm khiến chúng ta nhớ lại năm 2012, lợi dụng lễ giỗ Tổ Hùng Vương, một nhóm hát tự xưng là câu lạc bộ dân ca quan họ đã mở những bản nhạc sàn để mấy “liền anh, liền chị” biểu diễn các động tác uốn éo, lời hát nhí nhố. Sau mỗi tiết mục ca hát những người này lại thi nhau ngả nón moi tiền của khách đã khiến dư luận bức xúc.

Mới đây, tại hội quan họ Kinh Bắc, những loa từ những hàng quán bên đường với những Gangnam Style, Con bướm Xuân, Anh không đòi quà… vang dội khắp hội Lim khiến những làn điệu quan họ có phần bị lấn át ngay trong lễ hội.

Xưa nay, chúng ta cũng không lạ cảnh chen lấn xô đẩy cướp ấn, mặc cả mua bán tại lễ phát ấn Đền Trần. Hay cảnh lễ hội phố hoa Hà Nội, lễ hội hoa anh đào dù có hàng rào, lực lượng bảo vệ dày đặc nhưng hoa lá vẫn tả tơi vì tranh cướp.

Xưa nay, người đến lễ hội đều mang theo những điều mong nguyện, nhưng điều chính là để tâm an lành, khấn nguyện nhẹ nhàng để tĩnh lại lòng người. Nhưng ngay lễ giỗ Quốc tổ còn “bỏ sót” những hình ảnh như vậy nói chi đến vô số lễ hội khác. Trách sao, ở đâu cũng gặp cảnh phản cảm, chướng tai gai mắt.

Thảo Vy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm