'Cướp cô hồn' - vì lòng tham hay sự mù quáng

22/08/2016 06:59 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cướp thật sự, theo đúng nghĩa, trong đoạn video đang lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Trước cổng một doanh nghiệp tại TP.HCM vào dịp rằm tháng bảy âm lịch vừa qua, hàng chục người xúm quanh mâm cỗ đặt ở vỉa hè chưa kịp thắp hương. Bất ngờ, một phụ nữ ào tới vơ vét đồ cúng, chưa kịp thắp hương. Không ngăn nổi, chủ nhân điên tiết, hất cả mâm đồ vào những người chờ trước mặt.

Và, nếu xem thêm những hình ảnh khác và clip khác, hẳn chúng ta sẽ ngớ người trước một thực tế: cảnh chen lấn, xô đẩy lấy đồ cúng cô hồn đang khá phổ biến tại phía nam. Không chỉ là chuyện “ngẫu hứng” của khách qua đường, trong số người “nhập vai cô hồn” ấy có cả những băng nhóm thanh niên chuẩn bị rất chuyên nghiệp.

Những “cô hồn” ấy được trang bị rất đầy đủ, với phương tiện đầu tiên sở hữu là… xe máy, để có thể "chạy sô" từ đám cúng nọ tới đám cúng kia. Đồ cô hồn mang về sẽ được đem đi bán, nếu là cháo trắng, hoa quả, mía, heo quay. Và, để có thể lấy được nhiều, cảnh trắng trợn, cướp giật đồ cúng trước khi gia chủ thắp hương, như đã kể trên, là không tránh khỏi.


Chủ doanh nghiệp bực tức hắt mâm đồ cúng về phía đám đông vì chưa kịp thắp hương đã bị giật. Ảnh cắt từ video

Còn với những trường hợp gia chủ… rắc tiền từ ban công nhà cao tầng xuống đất, các loại thúng, vợt, rổ rá… được mang theo sẽ phát huy tác dụng, để các “cô hồn” sống này giành ưu thế và không phải chen lấn nhặt từng đồng bạc như đám đông ở cạnh mình. Vậy nhưng, vẫn không ít lần, những màn ẩu đả, tranh cướp, thậm chí gây thương tích xảy ra quanh những món đồ cúng ấy.

Cũng cần nói thêm, tại miền Bắc, theo truyền thống, đồ cúng trong lễ cô hồn thường là những muôi cháo được đổ lên lá đa. Hiếm hoi, khi xưa, trong cảnh đói kém, những hành khất, trẻ nghèo qua đường cũng có thể tìm tới thứ đồ cúng này để mang về lót dạ. 

Nhưng, tại các tỉnh Nam Bộ, gia chủ lại chuẩn bị mâm cỗ cúng, sau khi tàn hương thì để ra đường, đợi khách đi qua ăn hết thì mang vào. Và, trong câu chuyện về nạn “cướp cô hồn” vừa qua, rất nhiều độc giả hồn nhiên kể về kỉ niệm thời nhỏ, chờ đi… ăn cỗ cô hồn theo cách ấy.

Như lời họ kể, không phải ai đi ăn cỗ cô hồn khi ấy cũng là người nghèo và đói khát. Trong một chừng mực nào đó, đấy cũng là một nét truyền thống độc đáo, với niềm tin (của người ăn) về việc đang giúp mang lại tài, lộc cho phía chủ nhà. Và cũng có nghĩa, lại thêm một lần nữa, chúng ta phải nhắc tới câu chuyện đang âm ỉ suốt bao năm nay về sự biến tướng của “xin lộc” và “phát lộc”.

Trước chuyện “cướp cô hồn”, dư luận vẫn nhắc tới cảnh hỗn loạn ở những lễ cướp ấn đền Trần Nam Định, cướp phết Phú Thọ hay cướp giò hoa tre tại Hội Gióng Sóc Sơn. Tại đó, với niềm tin mù quáng rằng những thứ được mang về sẽ đem lại may mắn cho mình, khách hành hương đã thật sự dẫm đạp, xô đẩy lên nhau để giành cướp đồ lễ một cách thật sự, thay cho nét văn hóa “lấy may” thời trước.

Chỉ có điều, với câu chuyện của nạn “cướp cô hồn” đang diễn ra, người viết muốn nhắc tới thêm một yếu tố khác: vai trò của… gia chủ. Sẽ là rất đẹp theo góc nhìn cũ, khi chủ nhân mâm cỗ cúng đặt cỗ ra đường, để trẻ em và những người đi qua, cùng chia sẻ trong ngày rằm tháng Bảy.

Nhưng, khi vượt khỏi cái ngưỡng truyền thống ấy, những mâm cỗ hoành tráng với gà, vịt, hoa quả, heo quay… và cả tiền mặt được đặt bên đường lại đang khiến chúng ta bắt đầu thấy có chút gì đó của tâm lý thích chơi trội, chạy theo hình thức bề ngoài. Ít nhiều, cũng như cảnh “rắc tiền” xuống cho đám đông trong ngày rằm tháng Bảy, đó cũng  là nguyên cơ để hình thành những đám “cướp cô hồn” mà dư luận từng phản ánh.

Cả “cướp cô hồn” và “cúng cô hồn” cần được điều chỉnh, nếu chúng ta cứ chạy theo giá trị của đồ cúng theo cách ấy.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm