Công bằng cho trâu

13/02/2021 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần, bạn tôi lên thăm phủ Thành Chương, thấy hai voi phục canh cổng, anh cảm thấy có gì chưa thật ăn nhập với các thứ “di sản” dân gian  của  làng quê Việt mà Thành Chương đã sưu tầm nhiều năm đang trưng bày. Về nhà anh hỏi tôi, liệu có giải pháp nào hay hơn, hợp lý hơn voi chăng?

VIDEO '12 con giáp 2021': 'Trâu cũ năm Tân Sửu' truyền cảm hứng sống tích cực

VIDEO '12 con giáp 2021': 'Trâu cũ năm Tân Sửu' truyền cảm hứng sống tích cực

Chương trình 12 con giáp 2021, chủ đề "Trâu cũ năm Tân Sửu” (20h mùng 3 Tết - VTV3) truyền đi niềm cảm hứng sống tích cực, lạc quan, mạnh mẽ tới khán giả. 

Tôi trả lời luôn: Nếu là tôi, hai con giống canh cổng tôi sẽ chọn là một bên trâu, một bên chó, là chó đá ấy. Tôi nói vậy không phải ngẫu nhiên buột miệng, mà là đã nghĩ sau rất nhiều năm. Hai con vật gắn bó với con người đã thành biểu tượng của làng quê.

Nói về con trâu, dân ta vẫn khẳng định “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Trong ba việc lớn của đời người: Làm nhà/ cưới vợ/ tậu trâu thì tậu trâu đứng cuối, nhưng là cái chốt quyết định để làm nên cơ nghiệp. Chuyện con trâu gắn chặt với dân lúa nước là như vậy.

Chú thích ảnh
Hình tượng con trâu và người ngửa mặt trong tranh Thành Chương

Có một lần, một người bạn hỏi tôi, nếu để vinh danh hình ảnh đất nước anh sẽ làm gì? Tôi bảo quyết định đầu tiên sẽ làm là tượng đài trâu. Đó sẽ là tượng đài đáng làm trước nhất mà không cần bàn cãi! Dân tộc ta làm ruộng, ai cũng biết ơn  trâu. Trâu là sức kéo duy nhất bền bỉ từ nghìn năm, là người bạn gắn kết chặt chẽ với nhà nông, góp phần quan trọng để nông phu làm ra cây lúa hạt thóc nuôi sống cả xã hội con người.

Con trâu đã có một thời được chăm sóc chu đáo: Rét  được mặc áo tơi giữ ấm, rơm không thể thiếu cho trâu trong ngày đông tháng giá. Trâu già hết sức kéo, giá rét ngã không dậy được muốn mổ thịt phải báo ngay với chính quyền xuống giám định rồi ra quyết định cho giết thịt thì lúc ấy mới được xuống tay. Tuy không có thống kê số lượng trâu ở nông thôn, nhưng trâu luôn được bảo vệ tính mạng như con người. 

Chú thích ảnh
Mục đồng - tranh sơn dầu của Hoạ sĩ Thành Chương

Nhớ hồi xưa, đi cày, bố tôi không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cày ăn cỏ, mình ăn cơm với thịt. Trâu ăn giả làm thật, nó giúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chỉ có điều không biết nói thôi.

Nửa thế kỉ trước, nhà bán con trâu, bố tôi cầm bọc tiền xong còn đứng nói chuyện với nó, dặn dò trâu như nói chuyện với con cái. Động tác chia ly cuối cùng là vuốt nhẹ má trâu rồi xoay người vỗ vào mông nó ba cái trước khi người mua dắt trâu đi.

Nhưng sự phát triển của khoa học kĩ thuật đã dẫn đến những thay đổi bất ngờ. Trâu bây giờ không còn là sức kéo duy nhất nữa. Nó chỉ còn tồn tại chút ít ở vùng sâu núi xa. Trâu được giải phóng nhưng tuổi thọ của trâu chỉ còn một nửa.

Bây giờ người ta nuôi trâu là để giết thịt, làm thực phẩm. Chỉ lớn đủ cân đủ lạng là trâu đã có thể lên thớt. Đi miền núi Tây Bắc, Việt Bắc bây giờ thì thịt trâu sấy khô đang là đặc sản được quảng cáo để thu hút du khách các vùng miền. Tình người sâu nặng với trâu chỉ còn đọng trong ca dao tục ngữ. 

Là người lớn lên ở nông thôn chăn trâu từ bé, nên trâu với tôi vẫn thân thiết. Tôi nuôi lòng mong ước là đến lúc nào đó ở nước ta có một tượng đài bề thế vừa để ghi công vừa để vinh danh con trâu thì mới thật sự công bằng.

Đỗ Đức (Hoạ sĩ)

TT&VH Xuân Tân Sửu 2021

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm