Có khói và không khói

03/12/2020 08:06 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một câu chuyện tưởng chừng không mấy liên quan tới đời sống văn hóa: tỉnh Quảng Ninh sẽ dừng hoạt động các nhà máy xi măng bên bờ vịnh Cửa Lục vào năm 2030. Và xa hơn, tại bờ vịnh này, khu Công nghiệp Cái Lân và cảng Cái Lân cũng phải giảm dần và tiến tới dừng hoạt động để thay bằng một cảng tàu du lịch hiện đại.

Giảm giá vé tham quan vịnh Hạ Long, lượng khách tăng cao ngày cuối tuần

Giảm giá vé tham quan vịnh Hạ Long, lượng khách tăng cao ngày cuối tuần

Trong 2 ngày cuối tuần (11-12/7), Quảng Ninh đã đón 160.000 lượt khách đến tham quan, tăng 23% so với 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật của tuần trước đó.

Đây là thông tin được tỉnh Quảng Ninh công bố gần đây và gắn với chủ trương xây dựng thành phố Hạ Long lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển.

Cách đây hơn 10 năm, 2 nhà máy xi măng đã được xây dựng tại khu vực này với tổng công suất hơn 4 triệu tấn/năm. Cũng cần nói rõ, dù nằm gần vịnh Cửa Lục, 2 nhà máy này hiện nằm tại huyện Hoành Bồ, khu vực mới được sáp nhập vào thành phố Hạ Long. Hơn 10 năm trước, việc Quảng Ninh cho phép đầu tư xây dựng 2 nhà máy được đặt trong bối cảnh chưa tính đến việc phát triển đô thị ở khu vực này.

Chú thích ảnh
Hạ Long lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm để phát triển

Dù vậy, chỉ 4 năm sau đó, địa phương này đã ra quyết nghị về việc dừng mở rộng, nâng công suất hiện có của các nhà máy xi măng Hạ Long và Thăng Long, đồng thời không quy hoạch mới các nhà máy nhiệt điện, xi măng trong vòng bán kính ít nhất 15km so với ranh giới ngoài vùng đệm vịnh Hạ Long - Di sản Thiên nhiên Thế giới đã từng được UNESCO công nhận.

Như thế, những gì diễn ra vừa cho thấy quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc bảo tồn di sản và ưu tiên phát triển du lịch, vừa để lại một chút luyến tiếc về tầm nhìn quy hoạch. Bởi thực tế, nếu có một chiến lược phát triển dài hơi, chắc chắn 2 nhà máy xi măng đã không được đặt gần vịnh Hạ Long, và lộ trình đưa Hạ Long trở thành một đô thị du lịch - sinh thái sẽ hanh thông hơn trong vài năm tới.

Nhưng nói công bằng, mâu thuẫn giữa các ngành công nghiệp “có khói” và “không khói”cũng là câu chuyện đặt ra với nhiều địa phương, khi mà việc hoạch định kinh tế của chúng ta thường dễ bị chi phối bởi nhu cầu khẩn thiết trước mắt.

Lấy ngay xi măng - ngành công nghiệp dẫn đầu về nguy cơ ô nhiễm và phá hoại cảnh quan - làm ví dụ. Tại một số địa phương, do sự phong phú của hệ thống núi đá vôi, xi măng thường được coi là ngành công nghiệp chủ lực và “dễ làm”. Để rồi, trong khi hệ thống các hang động, núi đá và phức hợp địa chất được soi chiếu dưới con mắt du lịch, những địa phương ấy lại phải loay hoay trong bài toán cân bằng về môi trường và cảnh quan - mà các chuyên gia vẫn gọi vui là “ông có khói đấm ông không khói”.

Bên cạnh Hạ Long, một điển hình cho câu chuyện này là khu danh thắng Tràng An (Ninh Bình). Trong quá trình xây dựng hồ sơ đưa nơi đây trở thành Di sản Thế giới, các chuyên gia đã phải lao tâm khổ tứ để đối phó với sự tồn tại của 2 nhà máy xi măng nằm lọt trong vùng đệm - khi mà một trong số đó đã được kí hợp đồng khai thác với thời hạn 50 năm. Để rồi, dù phần đệm này trong hồ sơ được... thu hẹp lại để không chồng lấn lên 2 nhà máy, các văn bản giải trình từ phía Việt Nam cũng phải gửi lên hội đồng chuyên môn của UNESCO trước khi bảo vệ.

Như lời TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch, khi được mời làm quy hoạch du lịch cho địa phương, ông đều gặp tâm lý... loay hoay giữa ngã ba đường. Và vị chuyên gia này thường phải phân tích thẳng thắn và chân tình rằng, lãnh đạo địa phương nên cân nhắc kĩ: Công nghiệp xi măng có thể mang lại tiền ngay cho địa phương, khiến đời sống bà con sớm thay đổi. Còn du lịch là thứ công nghiệp đòi hỏi khoa học, vốn đầu tư lớn và sự kiên nhẫn để... “thu dần từng cắc” theo thời gian trước khi thực sự mang lại lợi nhuận cao.

“Điểm khác biệt lớn nhất: Làm xi măng thì cảnh quan vĩnh viễn mất luôn. Còn làm du lịch thì địa phương sẽ có sự phát triển bền vững và ổn định về nhiều mặt, nhưng đòi hỏi vô cùng kiên nhẫn và không được bỏ dở” - ông Lương kể - “Thông thường, chúng tôi đạt tới giải pháp trung hòa: Quy hoạch bảo tồn những cảnh quan có giá trị, và phát triển công nghiệp ở những nơi phù hợp hơn”.

“Có khói - không khói” chắc chắn sẽ còn là bài toán khó với nhiều địa phương trong thời gian tới. Ở đó, chỉ có sự quy hoạch bài bản, và quyết tâm không bị chi phối bởi lợi ích ngắn hạn, mới có thể giải quyết hợp lý câu chuyện này.

Cúc Đường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm