Chuyện tử tế: ‘Cộng đồng mạng’, họ là ai?

07/01/2014 09:20 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Họ là đám đông mới nổi, là kẻ yếu ớt, nhóm người tàn độc, đội quân những "anh hùng bàn phím"... Song họ cũng chính là những người chung tay viết lên những câu chuyện cổ tích giữa đời.

1. “Cộng đồng mạng” là một đám đông mong manh dễ vỡ. Họ “phát sốt” vì những clip chế “Anh không đòi quà”. Họ “ngỡ ngàng” trước cô bé bán bánh tráng trộn xinh đẹp.. Họ “sửng sốt” vì cô gái không mặc áo ngực nhảy Gentleman… Nói chung, họ luôn nhạy cảm và sẵn sàng “dậy sóng” vì những điều lãng xẹt.

“Cộng đồng mạng” cũng là nhóm người tàn độc bậc nhất khi “chung tay” ném đá một cậu bé chỉ vì cậu không thích đọc truyện tranh. “Cộng đồng mạng” cũng sẵn sàng phanh thây, băm xác, tùng xẻo, lột da… những bảo mẫu, bác sĩ “tử thần”. “Cộng đồng mạng” cũng không để nạn nhân của vụ thẩm mỹ viện Cát Tường yên nghỉ khi họ liên tiếp đặt ra những ra thuyết kinh hoàng về cách phi tang kiểu mổ bụng cho xác chìm, tháo khớp vứt nhỏ các bộ phận, ngâm thi thể tan trong axit…

Một phần không nhỏ những người trong "Cộng đồng mạng" hiện nay là những "Anh hùng bàn phím"

Hơn thế, những người lâm cảnh khốn cùng cũng bị “cộng đồng mạng” “chửi hôi” một cách thiếu suy nghĩ. Gần đây nhất, chiều 25/12 “cộng đồng mạng” đã nguyền rủa những lời cay độc tới bà mẹ kêu gào khi con mình bị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. HCM tuyên án tử hình. “Cộng đồng mạng” chỉ nhìn bà như người thân của một kẻ có ý đồ giết người cướp SH chứ không bao giờ nhìn bà đơn giản chỉ là một người mẹ. Và kẻ sát thủ dù có là tội đồ của toàn xã hội, hắn cũng luôn là đứa trẻ của bà ngày nào…

2. Song “cộng đồng mạng” cũng là nhóm người viết nhiều truyện cổ tích giữa đời nhất trong những năm gần đây. Đơn cử như câu chuyện cổ tích năm 2005.

Trần Tuyên, nhân viên kỹ thuật tại sân bay Nội Bài phát hiện mình bị căn bệnh Ung thư máu LAL2 năm 2005. Khi ấy, Tuyên 25 tuổi. Việc đầu tiên cậu làm khi nhận kết quả xét nghiệm là chia tay người yêu (dù hai người đã định ngày cưới). 

Trần Tuyên, những ngày cuối trong viện

Đơn độc với bệnh hiểm nghèo, việc duy nhất lúc đó Tuyên có thể làm là… viết blog. Và chính “cộng đồng mạng” lại là người an ủi, động viên rồi chia sẻ blog Tuyên với bạn bè để hàng nghìn người cùng nhau sát cánh với Tuyên chống bạo bệnh. Cho tới ngày Tuyên phải rời cõi tạm, "cộng đồng mạng" vẫn không nguôi những lời tiễn biệt cảm động.

“Tâm hồn con người nặng gấp trăm lần thể xác - Nó nặng đến nỗi một người không mang nổi. Bởi thế, người đời chúng ta chừng nào còn sống hãy gắng giúp nhau để cho tâm hồn trở nên bất tử. Ông giúp cho tâm hồn tôi sống mãi, tôi giúp người khác, người ấy lại giúp người khác nữa, và cứ như thế cho đến vô cùng … Sao cho cái chết của mỗi người không đẩy ta vào tình trạng cô đơn trong cuộc sống …”. Nhà văn Nodar Dunbatze viết thế trong “Quy luật của muôn đời”. Và trong câu chuyện cổ tích ấy, nó đúng là thế.

Bởi vậy, cho đến lúc này, ngay cả khi “cộng đồng mạng” đang hỗn loạn và cụm từ này cũng bị báo chí lạm dụng thì chuyện tử tế năm 2005 của “cộng đồng mạng” vẫn khiến người ta rưng rưng khi nghĩ về.

Quay trở lại với câu hỏi, “Cộng đồng mạng”, họ là ai?

Họ là một đám đông, sẵn sàng làm những điều tử tế, trong lành nếu như được khơi gợi.

Ngược lại, môi trường rặt những thông tin rác sẽ “cướp - hiếp - giết” cho bằng hết những thiện tâm của cộng đồng đặc biệt này!

Phạm Mỹ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm