Chuyện bài thi chữ đẹp của giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương: Nét chữ - nét người

18/10/2018 07:11 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận đang trầm trồ và “sốt xình xịch” với 18 bài thi viết chữ đẹp của các giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (Quảng Trị). Bên cạnh những nét chữ uốn lượn, uyển chuyển, các cô còn thể hiện sự sáng tạo khi không chỉ chép lại những bài thơ, văn trong sách giáo khoa, mà còn biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật của mình.

Nhớ lại những ngày đầu chập chững đi học, câu các cô các thầy hay nhắc nhở dặn dò chúng tôi đó là: nét chữ là nét người, chữ sao thì người như vậy. Sau này lớn hơn mới hiểu “người như vậy” ở đây tức là tính cách con người.

Suốt thời gian bắt đầu đi học cho đến hết giai đoạn viết chính tả, chúng tôi luôn phải rèn luyện từng nét chữ theo đúng yêu cầu được dạy: rõ ràng, sạch sẽ, ngay ngắn, không ngả nghiêng, không đứt nét bút, dấu câu đặt đúng vị trí. Quả thật giờ nghĩ lại mới thấy giai đoạn này cũng rất quan trọng trong quá trình hình thành tính cách con người.

Chú thích ảnh
Những nét chữ uốn lượn của giáo viên tiểu học nhiều người trầm trồ. Ảnh: FB Dung Bui

Chữ đẹp được cảm nhận rõ nhất trong thời đi học là ở các cuộc thi báo tường. Nhìn các lớp tập trung trình bày, trang trí tờ báo để thi thố rồi xem trực tiếp so sánh mới thấy rằng chữ đẹp quả thật cũng là một nghệ thuật, ngoài thiên bẩm thì chắc chắn phải có thêm sự sáng tạo và rèn luyện, như vậy mới giữ được cái hồn cốt con chữ khi trình bày.

Sau này đi bộ đội, vào Nam ra Bắc,những người lính như chúng tôi lúc đó mới có cảm nhận rõ nét nhất về cái hồn của con chữ, cái đẹp và giá trị của chữ đẹp thông qua các lá thư hậu phương, là thư gia đình gửi cho. Đọc những lá thư chữ đẹp như thế lòng chợt dâng trào cảm xúc. Có vẻ như tình cảm và cái hồn của người viết đều được gửi gắm, gói ghém hết vào trong các con chữ. Nếu như lại là người chữ đẹp thì quả thật, đối với người nhận thư đó chính là món quà vô giá.

Hóa ra, chữ đẹp mà dùng đúng chỗ giá trị cũng tăng lên khá nhiều. Chả trách phim ảnh thời chiến tranh hay có trường đoạn những người lính nhận được thư nhà vẫn cùng nhau chia sẻ, đọc xong bao giờ cũng rơm rớm nước mắt vì cảm nhận được tình người thông qua nội dung được thể hiện bằng các con chữ.

***

Đọc một số sách, tôi thấy có chuyên gia phân tích, đánh giá về tâm lý con người thông qua chữ viết, thông qua chữ ký. Đại ý là nét chữ thẳng thì tính cách ra sao? Chữ viết nghiêng thì hay có tâm lý gì? Chữ ký thoáng đãng, khoảng cách rộng hẹp nói lên tính cách gì của người viết?

Chưa nói tới những nghiên cứu khoa học ấy, thì quả thật người xưa thông qua nét chữ cũng có thể ít nhiều có thể đưa ra được một vài nhận xét về mỗi người: anh này ra sao, tính cách cẩn thận hay cẩu thả… Rồi, thi thoảng hóng chuyện các cụ cao tuổi, xem họ bàn về nghệ thuật thư pháp, tôi hay nghe một câu:  phải có cái hồn chữ, cái tâm của người viết thì mới đẹp.

Trở lại chuyện các cô giáo tiểu học ở Quảng Trị. Ngoài việc nét chữ của các cô đẹp thật sự, tôi nghĩ rằng dư luận còn chú ý bởi một thực tế: chữ đẹp hiện nay không được chú ý coi trọng như trước, từ gia đình học sinh cho đến các trường học. Cùng với đó, vấn đề “nét chữ nét người” ngày càng mai một trong thời buổi công nghệ 4.0.

Nhưng, cho dù máy tính có thể làm được nhiều kiểu phông chữ, nhiều dáng chữ, những nét chữ in ra ấy vẫn có vẻ như không có hồn, không có tình người. Chúng ta hãy thử hình dung đọc một lá thư viết tay câu “Em thân yêu” thay cho vài dòng chữ in trên trang giấy A4, phông chữ cỡ 13 thì sẽ có cảm nhận được sự khác biệt. Một bên thấy được tình cảm, còn bên kia chưa rõ thế nào vì chữ trên máy in ra thì đều như nhau cả, còn chữ viết tay thì khác, nét thanh/ đậm, ngắn/ dài…

Nhà thơ Cao Quảng Văn khoe chữ đẹp

Nhà thơ Cao Quảng Văn khoe chữ đẹp

Những chân trời là tập thơ mới nhất của thi sĩ Cao Quảng Văn vừa được NXB Thanh Niên ấn hành. Điều đặc biệt của Những chân trời là hơn 80 bài trong tập đều in bằng bút tích của nhà thơ với nét chữ đều và đẹp như... in.

Nói gì thì nói, cái đẹp phải đi kèm theo cái tình cảm, phải có hồn thì mới bền lâu. Giống  như, chữ viết của các cô giáo ở Quảng Trị có lẽ còn ẩn chứa trong đó những tình cảm thật sự, những tâm hồn nhà giáo thật sự cao đẹp mà hiện nay xã hội đang rất cần. Tôi nghĩ vậy.

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm