Chữ và nghĩa: Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng

16/12/2020 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ghen là biểu lộ một thái độ của ai đó trước hiện thực mà người ấy không vừa ý. Từ này trong tiếng Việt có 2 nghĩa: “1. Khó chịu, bực bội với người được hưởng cái gì đó [thường là về tình cảm, tinh thần] hơn mình, có được cái mình muốn mà không có; 2. Khó chịu, tức tối, vì biết hoặc ngờ sự thiếu chung thủy của vợ hay chồng, hay của người yêu” (“Từ điển tiếng Việt”, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Bảo vệ và phát huy di sản 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'

Bảo vệ và phát huy di sản 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'

Ngày 27/11, Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” của tỉnh Nam Định được thành lập nhằm quy tụ, đoàn kết các chủ thể để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản.

Chuyện ghen thường được dùng để nhận định, đánh giá hành động của ai đó ứng xử không đẹp. Nhưng chính từ sự ứng xử tiêu cực này mà dẫn đến những hệ luỵ rất không hay. “Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen” là một tục ngữ chỉ mức độ tột cùng của 3 hành vi, 3 hiện trạng cuộc đời đem lại (Không cái đau nào ghê gớm bằng đau đẻ, ngứa ghẻ là loại ngứa vô cùng khó chịu, còn đòn ghen là loại đòn khủng khiếp nhất).

Đó là cái ghen của tình cảm. Nhưng còn một cái "ghen ăn tức ở", tức là ghen vì sự thua kém về lợi ích (vật chất và tinh thần).

Chẳng hạn tiếng Việt có câu “Ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”. Nguyễn Đức Dương (trong “Từ điển tục ngữ Việt”, NXB TP.HCM, 2010) giải nghĩa câu này là "Ghen vợ, ghen chồng (tuy đáng sợ thật nhưng) đâu có thấm tháp gì so với thói ghen ăn. Hay dùng để chỉ mức độ đáng sợ của thói tham ăn, một thói xấu khó có thứ gì sánh nổi mà lắm người hay mắc”.

Đồng hướng ngữ nghĩa với câu này, gần đây lại xuất hiện một câu tục ngữ liên quan tới hoạt động tín ngưỡng: “Ghen vợ ghen chồng, không bằng ghen đồng ghen bóng”.

“Đồng bóng” là một hoạt động tâm linh, chỉ "người mà thần linh hoặc hồn người chết nhập vào trong một lễ cầu xin, theo tín ngưỡng dân gian (nói khái quát)”. (“Từ điển tiếng Việt”, đã dẫn)

“Hầu đồng” là hình thức diễn xướng chủ yếu của tín ngưỡng Thờ Mẫu. Hầu đồng có tất cả 36 vở diễn xướng, gọi là 36 giá đồng, mỗi giá nói về huyền tích của một vị thánh, thể hiện qua nghi lễ nhảy, múa, ban lộc, phán truyền... Năm 2016, Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là một giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc ta. Nhưng đáng tiếc, ở một số nơi vẫn còn một số biểu hiện làm vẩn đục tính linh thiêng của đời sống tâm linh rất đáng trân trọng này.

Chú thích ảnh
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ (Ảnh min hoạ)

Bởi để cạnh tranh, những thanh đồng (người đứng giá hầu đồng) ai cũng tự nhận mình là "con Thánh" chính tông. Cho mình là số một, họ nghĩ rằng chính họ mới có khả năng tiếp cận với thần linh và hồn của người chết để thực hiện nghi thức giao lưu với người trần. Họ viện lý do là "Thánh phán", "Thánh dạy" để lấn át những hầu bóng khác trong các lễ cầu đồng.

Khi hầu đồng, ai cũng muốn cho "đẹp bóng sang đồng" bằng tự lập những điện đồng ở tư gia rất hoành tráng với những nghi thức cầu kỳ, huyền bí. Lợi dụng nhiều người bây giờ quá mê tín dị đoan, đến với hầu bóng để cầu danh, cầu lợi, những người tham gia hầu đồng tìm mọi cách lôi kéo các con nhang đệ tử.

Thay cho việc làm sao cho tốt, họ tìm cách hạ uy tín, dựng chuyện bêu xấu các thanh đồng khác. Mục tiêu không có gì khác là "triệt hạ đồng nghiệp" với mục đích là mang về lợi lộc cho mình (Cũng bởi không ít người vì ham danh trời lộc thánh mà không hề tiếc tiền của để đổ vào các buổi hầu đồng).

“Ghen đồng ghen bóng” trở thành một kiểu ghen "lạ đời" nhất trong đời sống tín ngưỡng Tứ Phủ. Chính những biểu hiện tiêu cực đó đã làm hoạt động lên đồng gọi thánh mất đi tính trong sáng cần có của một trong đời sống tâm linh của người Việt.

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm