Chữ và nghĩa: Công chúa lấy thằng bán than...

12/05/2021 07:19 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - “Công chúa lấy thằng bán than

Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo”.

Chữ và nghĩa: 'Em bú chị, cháu bú bà'

Chữ và nghĩa: 'Em bú chị, cháu bú bà'

Đây là em bú chị ruột và cháu cũng bú bà nội (hoặc bà ngoại) chính danh chứ không phải là "chị họ" (người trong gia tộc vào vai chị, nhưng còn rất trẻ) hoặc "bà trẻ" (tức người ngang vai bà, nhưng tuổi cũng ngang bố mẹ trẻ kia thôi).

Đó là một câu tục ngữ có dạng một câu ca dao quen thuộc. Cái không quen thuộc (và là cái lạ) đầu tiên dễ nhận ra là chuyện "công chúa (con gái vua)" lại đi kết duyên với "thằng bán than". Con gái thiên tử, danh giá "nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa" bây giờ lại làm vợ một kẻ nghèo hèn, hạng cùng đinh trong xã hội. Chuyện lạ kỳ đó thật khó xảy ra trong chế độ phong kiến xưa.

Con nhà vua quan, quyền quý "cành vàng lá ngọc" thì chuyện gia thất phải "môn đăng hộ đối", thường sẽ được gả làm dâu ở nơi tương xứng. Phò mã ít ra cũng phải là con quan trong triều, hoặc con nhà danh giá, giàu có trong xã hội. Điều đó (công chúa lấy anh bán than) quả là nghịch lý không chấp nhận được.

Ở các nước châu Á (như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc...) chịu ảnh hưởng nặng nề của quan niệm phong kiến, hầu như không có phụ nữ trong hoàng tộc kết hôn với người ngoài (có chăng là với con cái quan lại trong triều đình). Duy chỉ Nhật Bản là có ngoại lệ. Chẳng hạn, năm 2005, nàng công chúa Sayako (sinh năm 1969) - con gái út của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko - đã kết duyên với Yoshiki Kuroda, một nhà thiết kế đô thị rất bình thường.

Hay năm 2017, Công chúa Mako (sinh năm 1991) - cháu gái lớn nhất của Nhật hoàng Akihito - đã kết duyên với ông Kei Komuro (khi cả 2 đang theo học tại Trường Đại học Công giáo Quốc tế tại Tokyo).

Tuy nhiên, công chúa sẽ bị tước bỏ các quyền lợi của Thiên hoàng. Sau khi kết hôn, ngoài khoản tiền được nhận 1 lần duy nhất, họ sẽ phải tự lo liệu cuộc sống. Họ sẽ đi bỏ phiếu, nộp thuế, đi mua sắm và làm việc nhà như những người dân Nhật khác. Nếu họ có con, con họ cũng sẽ không nằm trong hoàng tộc nữa.

Chú thích ảnh
Công chúa Sayako đã kết duyên với Yoshiki Kuroda

Ở phương Tây (nhất là ở nước Anh) thì chuyện này có cởi mở hơn. Con rể hay con dâu là người ngoài hoàng tộc có khá nhiều và mọi người (trong hay ngoài Hoàng gia) đều cảm thấy bình thường.

Nhưng qua câu ca dao "Công chúa lấy thằng bán than/ Nó đưa lên ngàn cũng phải đi theo", dân gian chỉ nêu ra một sự tình để diễn tả một ẩn ý thông điệp khác. Rằng, theo lẽ thường ở đời, “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Khi đã vào vai nàng dâu thì bất luận, dù người đó có ưu thế gì chăng nữa (nếu so với thang giá trị của xã hội) như quá trẻ trung xinh đẹp, con cái nhà "có máu mặt" trong xã hội, thậm chí là con vua cháu chúa thì "phận gái vẫn cứ là phận gái".

“Nàng rằng: Phận gái chữ tòng

Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi”.

(“Truyện Kiều”)

Ngày xưa, con gái lấy chồng là mất tên mất họ, vì họ và tên đều cải theo nhà chồng, anh chồng tên là "Nguyễn Văn A" thì vợ sẽ là "Nguyễn Thị A", lúc đó người ta sẽ gọi "chị A", "cô A" hay "bà A"... chứ không còn gọi tên thực (trước đó) của người vợ anh A.

Nhưng dù không tuân theo Khổng giáo hay Nho giáo, thì chuyện "lấy chồng theo chồng" cũng là lẽ thường vẫn thấy trên đời này. Cả phương Đông lẫn phương Tây đều phổ biến thế. Trong chế độ phụ quyền, người đàn ông luôn giữ vai trò chủ sự, là người đứng mũi chịu sào, gánh vác mọi trọng trách gia đình đè lên vai. Tục ngữ ta có nhiều câu nói về vai trò của người chồng, người cha trong gia đình: “Chòng chành như nón không quai/ Như thuyền không lái, như ai không chồng”; “Con không cha như nhà không nóc” v.v…

Vậy thì, chuyện "cô công chúa theo anh chàng bán than" đi lên rừng, lên núi (hay đi đâu chăng nữa) cũng là chuyện bình thường. Họ sẽ cùng chung tay tạo dựng cuộc sống và chung tay dựng xây tổ ấm cho chính họ.

Ấm êm một túp lều tranh

Tim vàng hai trái cho anh với nàng!

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm