Chiếu phim giá rẻ - giấc mơ có thật?

19/07/2017 06:45 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 18/7 tại TP.HCM đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận đầu tư giữa Beta Media (Việt Nam) với Blue HK (Hong Kong - Trung Quốc) nhằm xây dựng những cụm rạp chiếu phim giá rẻ dành cho cư dân ở những tỉnh thành như Thanh Hóa, Bắc Giang, Đông Anh (Hà Nội), Nha Trang (Khánh Hòa), Long Xuyên (An Giang)…

Với cụm rạp đầu tiên được xây dựng tại tỉnh Thái Nguyên, nhà sáng lập Beta Media cho biết chủ đích lớn của họ lúc này là những tỉnh thành xa, nơi người dân muốn đến rạp xem thì không có rạp hoặc không đủ tiền.

Dù mục đích của Beta Media vẫn là kinh doanh văn hóa giải trí, nhưng cách làm này dễ nhận được sự hưởng ứng, vì mở được lối đi riêng…

Ngoài xây mới và thuê mướn các trụ sở có sẵn, Beta Media cho biết cũng hướng việc hồi sinh những cụm rạp cũ ở các tỉnh, đưa “phim nước một” về chiếu với giá vé bằng 60-65% mặt bằng chung.

Cách làm này, nếu diễn ra trên diện rộng, sẽ là cách chống lãng phí khá nhiều rạp công cũ, đồng thời góp phần tạo cán cân với những nhà phát hành phim quốc tế đang làm mưa làm gió như CGV, Lotte Cinema… Phim nước một là phim được công chiếu cùng thời gian với các cụm rạp lớn ở các thành phố lớn.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau khi liên doanh với Blue HK, nhà sáng lập Beta Media là Minh Bùi (Minh Beta) cho biết vẫn giữ trên 50% số cổ phần. Nói ra điều này để làm gì, vì trong các liên doanh dạng này, sự hiệu quả trong công việc và sức lớn mạnh của các đối tác nước ngoài là rất khó lường trước được. Nếu không tài tình và hiệu quả, việc chi phối, thậm chí giữ quyền “sinh sát” của họ chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Như vừa rồi, khi nhà phát hành phim mạnh nhất Việt Nam hiện nay là CGV đã đồng loạt giảm giá vé 2D xuống 49.000 và 3D xuống 69.000 cho tất cả các ngày trong tuần, khiến các nhà phát hành khác gặp điêu đứng.

Nếu với giá vé đã giảm này mà Beta Media áp dụng thêm chính sách giá vé bằng 60-65%, thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Những khó khăn như vậy sẽ còn rất nhiều, đó cũng là một cách khiến cho các đối tác nội địa nản lòng mà bán cổ phần cho quốc tế.

Chuyện Hà Nội: Nổi chìm số phận những rạp chiếu phim

Chuyện Hà Nội: Nổi chìm số phận những rạp chiếu phim

Người Hà Nội xưa nay có tiếng sành ăn sành chơi. Trong đời sống dẫu lúc phong lưu hay khi gian khó cơ cực thì người Hà Nội vẫn giữ phong thái ung dung, lãng mạn và hào hoa.

Việc “phục hồi chức năng” cho các cụm rạp công đang đóng cửa là rất đáng hoan nghênh, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mới về chuyện thâu tóm thị trường từ nước ngoài, nếu như làm không khéo.

Còn nhớ những năm 2008- 2010, khi MegaStar lớn mạnh tại Việt Nam, họ đã gặp những phản đối từ hệ thống rạp chiếu phim sẵn có, cho rằng họ cạnh tranh không lành mạnh. Năm 2011, khi 7 cụm rạp của MegaStar được Hàn Quốc mua lại, sau đó đổi tên thành CGV, đến nay họ đã có khoảng 45 cụm rạp tại 15 tỉnh thành, giành quyền “định nghĩa” cả thị trường phim Việt Nam.

Việc đồng loạt giảm giá vé như vừa rồi bị nhiều nhà phát hành khác tại Việt Nam cho rằng đó là chiêu thức “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nhằm tạo khó khăn cho các đối thủ nhỏ hơn, chứ không phải do phim hoặc rạp phim của họ đã hết khấu hao nên giảm giá.

Tham vọng của những tập đoàn đứng sau CGV chưa dừng lại ở việc chiếu phim, mà còn làm phim, còn áp đặt thẩm mỹ phim và văn hóa giải trí. Những phim làm lại từ Hàn Quốc như “Em là bà nội của anh”, “Sắc đẹp ngàn cân”… là cách để họ dọn đường cho văn hóa giải trí được du nhập mạnh mẽ hơn. Theo chính sách của Hàn Quốc, chỉ có sự ảnh hưởng từ văn hóa lối sống mới tạo được sự ảnh hưởng bền vững về tiêu dùng, lúc ấy các hàng hóa khác sẽ được du nhập mạnh mẽ hơn.

Trở lại chuyện Beta Media muốn dân ở tỉnh xa có thể xem “phim nước một” giá rẻ, chắc chắn họ sẽ phải phấn đấu rất nhiều mới giữ được tiêu chí này. Bởi những nhà phát hành lớn hơn sẽ không dễ dàng để cho họ làm được điều đó.

Vô Ưu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm