Chào tuần mới: Nhìn vào... thùng rác mỗi ngày!

26/11/2018 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Một tuần mới lại bắt đầu với bao nhiêu kế hoạch to lớn, nhưng tôi muốn bắt đầu từ một phần việc nhỏ trong xó bếp mỗi nhà: phân loại rác trước khi bỏ vào thùng. Đó là công việc mà hầu hết chúng ta đều phải làm nhưng rất ít suy nghĩ về nó, thậm chí chúng ta còn không kịp nhìn số rác trong tay trước khi ném nó vào thùng thật nhanh.

Câu chuyện rác thải và ý thức cộng đồng

Câu chuyện rác thải và ý thức cộng đồng

Hơn một tháng qua, một nhóm du khách Nga đã đều đặt nhặt rác dọc bãi biển Nha Trang vào 6-7h sáng hàng ngày. Hành động của họ đã gây ảnh hưởng tới nhiều người dân địa phương và cả các du khách khác.

Phân loại rác thải tại nguồn là một việc làm nhỏ, không quá khó nhưng thật sự không đơn giản chút nào vì vấn đề ý thức và thói quen. Mục đích và tác dụng của việc làm này thì ai cũng có thể hiểu rõ như là: góp phần giảm thiểu nguy cơ phát tán các tác nhân gây bệnh, các yếu tố độc hại, nguy hiểm. Phân loại đúng còn góp phần tiết kiệm tài nguyên, giảm chi phí cho công tác thu gom và xử lý rác thải.

Chả thế mà mới đây, UBND TP.HCM vừa ban hành quy định về “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, từ ngày 24/11, các hộ dân phải phân rác thành 3 loại (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm. Các hộ gia đình, chủ nguồn thải, không phân loại rác và chuyển giao theo nhóm chất thải, đơn vị thu gom sẽ nhắc nhở. Trường hợp tái phạm nhiều lần, đơn vị thu gom sẽ thông báo cho chính quyền địa phương lập biên bản xử phạt.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không chỉ ở nước ta, trên thế giới các quốc gia cũng đều rất tích cực và quyết liệt trong việc phân loại thu gom rác tại nguồn, mỗi quốc gia đều có một cách làm khác nhau nhưng tựu trung lại đều có một điểm chung: đó là phân loại rác theo 3 loại ngay từ nguồn là rác hữu cơ (thức ăn thừa, rau củ quả…), rác vô cơ có khả năng tái chế (giấy, nhựa, sắt vụn, chai lọ thủy tinh…) và rác vô cơ khó phân hủy.

Tùy theo văn hóa từng quốc gia ví như ở Canada, ở Mỹ và ở Đức cũng vậy tức là có thùng rác màu sắc và hình ảnh minh họa loại rác bỏ vào cho đúng. Người Nhật thì phân ra thành 4 loại rác và còn quy định rõ nếu rác là cành cây hay cánh cửa thì phải cưa nhỏ theo kích cỡ quy định, rác hữu cơ còn phải vắt hết nước, gói giấy báo cho vào túi buộc chặt miệng, chai lọ còn phải làm sạch khi bỏ đi và túi rác phải có tên, thậm chí in cả tên chủ nhà và số nhà lên túi để biết được ý thức hàng ngày.

Thời kỳ bao cấp ở nước ta, đa số các gia đình nông thôn hay thành phố hay có thùng nước gạo trong nhà, thùng này chứa thức ăn thừa, ôi thiu, rau quả các loại bị hư hỏng, già héo. Hàng ngày các gia đình tận dụng những thứ trong thùng đó làm thức ăn nuôi lợn tăng gia thêm tiết kiệm vì cám bã lúc bấy giờ khó khăn. Còn các loại rác thải khác không phân loại 100% ra khu rác công cộng đổ vào.

Tôi nhớ có đợt dịp sát Tết, nhiều gia đình trong khu tập thể có gà bị dịch chết, mặc dù lúc bấy giờ rất “thèm” thịt gà, rất tiếc nhưng nhà tôi và các hộ dân khác tất cả phải đem ra ruộng đào hố chôn, rắc vôi rồi lấp đất lại chứ không vứt ra hố rác công cộng.

Sau này khi nhập ngũ, rác trong đơn vị thường được anh em xử lý theo hai cách: một là đốt (lá cây, cỏ khô…) và hai là đào hố đem chôn (như phân trâu bò, các loại cây dại quanh doanh trại). Tro đốt xong cũng đem đổ xuống hố ủ phân để tăng gia. Thức ăn thừa các loại của nhà bếp thì chuyển luôn cho đội chăn nuôi làm thức ăn cho lợn hàng ngày. Đơn giản nhưng cũng sạch sẽ gọn gàng.

Cuộc sống của nhân dân ta hiện nay đã thay đổi nhiều, đời sống được nâng lên nhưng kèm theo đó là vấn đề rác thải sinh hoạt ngày một nhiều hơn, nếu như việc phân loại rác tại nguồn không được làm tốt thì những người làm công việc thu gom rác cực kỳ vất vả.

Tuy nhiên để làm tốt cũng không hề đơn giản khi nó liên quan đến vấn đề kinh phí, các hộ gia đình sẽ phải có ít là hai thùng rác, ngày nào cũng 2 túi nylon đựng rác, lại phải chi phí phát sinh. Chưa kể đến các chế tài với vấn nạn đổ trộm phế thải xây dựng chưa được làm mạnh mẽ, quyết liệt mà chung quy đều xuất phát từ vấn đề chi phí phải trả cho việc thu gom khi phá dỡ công trình.

Chính vì thế, nếu như mỗi gia đình làm được việc phân loại rác ngay tại nhà mình trước khi đem đến địa điểm thu gom rác thì đó cũng chính là một việc làm có văn hóa, góp phần làm sạch môi trường sống, giảm thiểu bệnh tật .

Hãy chung tay làm sạch môi trường bắt đầu từ chính trong ngôi nhà của bạn, hãy thay đổi thói quen trong việc phân loại rác, việc này không bao giờ là muộn.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm