Chào tuần mới: Không tham của thiên nhiên

10/06/2019 06:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện một ngư dân tại thị xã Cửa Lò đánh bắt được một cá thể đồi mồi quý hiếm nhưng không bán mà đem giao nộp để thả về biển đang được cộng đồng chú ý, khen ngợi.

Cất giữ động vật quý hiếm, một người bị phạt hơn 350 triệu đồng

Cất giữ động vật quý hiếm, một người bị phạt hơn 350 triệu đồng

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định số 860/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Hoài Nam, 65 tuổi, ngụ xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) với số tiền 357,5 triệu đồng do đã có hành vi cất giữ lâm sản trái quy định của Nhà nước.

Cụ thể, trong lúc đánh bắt cá trên biển, lưới của ngư dân này đã bắt được một cá thể đồi mồi nặng khoảng 8kg. Nhiều ngư dân cao tuổi nhận định rằng đây là đồi mồi dứa, rất quý hiếm và hàng chục năm nay mới thấy xuất hiện tại khu vực này…

Đồi mồi dứa là loài rùa biển thuộc họ vích, là động vật quý hiếm có tên trong sách đỏ, có thể sống được đến… 80 năm. Rất nhiều thương lái đã đặt giá mua con đồi mồi dứa này lên đến hơn 200 triệu đồng, nhưng người ngư dân này quyết định không bán mà giao nộp cho đồn Biên phòng cảng Cửa Lò.

Chú thích ảnh
Thả cá thể đồi mồi dứa quý hiếm về với biển. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Ngày 8/6 vừa qua, đồn biên phòng đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thả chú đồi mồi dứa này về với đại dương.

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường là một việc đáng làm. Việc đánh bắt được động vật quý hiếm, thay vì mua bán, sử dụng vì mục đích lợi nhuận, chúng ta đem thả về môi trường tự nhiên thì cũng giống như là nhặt được của rơi trả lại người đánh mất. Ở đây, người bị mất chính là “mẹ thiên nhiên”.

Không chỉ bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm, việc chung sống hài hòa với tự nhiên, không khai thác tận thu, tận diệt các nguồn lợi của thiên nhiên cũng chính là điều mà cả nhân loại đang hướng đến.

Điều rất đáng quý là hành vi “không tham của thiên nhiên” như thế này đã đi vào luật tục lâu đời của một số cộng đồng như một lẽ sống tự nhiên. Trong công trình nghiên cứu “Luật tục bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam”, tác giả Hoàng Văn Quynh cho biết, việc bắt cá bằng cách đánh thuốc, chập điện như hiện nay cũng bị coi là một trọng tội, phải nghiêm cấm vì nó huỷ hoại môi trường sống của các sinh vật khác. Vấn đề này được Luật tục M’nông quy định trong Điều Tội thuốc cá như sau: “Thuốc cá làm suối nghèo; Muốn ăn ếch phải dùng ná bắn; Muốn ăn cá dùng rổ mà vớt…” hoặc: “Làm chết sạch cả tép, cả cua; Ai thuốc cá có tội với làng; Tội thuốc cá không ai đền nổi”.

Đối với người dân tộc Thái, trong cuộc sống hàng ngày của họ vẫn có những luật lệ rất cụ thể, mà gần như ai cũng biết và phải thực hiện. Ví dụ: ở người Thái Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) khi con cháu lớn lên, các cụ (ông bà, bố mẹ…) thường chỉ bảo con cháu rất cẩn thận về cách thức bảo vệ các loại động, thực vật như khi đi đánh cá cũng phải có mùa, tránh đánh bắt cá vào mùa cá đẻ, tránh săn bắn thú rừng vào mùa sinh nở. Các bà lang khi đi hái thuốc trong rừng không bao giờ họ chặt cả cây, nhổ cả gốc, nếu cần lấy rễ cây thì họ chỉ đào lấy những rễ phụ không ảnh hưởng đến sự sống của cây, hoặc lấy lá thì cũng không bao giờ vặt trụi cả cây…

Khai thác các nguồn lợi tự nhiên một cách hợp tình, hợp lý, đúng pháp luật, một khi trở thành lẽ sống, chi phối ứng xử hàng ngày của mỗi người, thì sẽ không còn chỗ cho những hành vi tham lam, bóc lột tàn bạo hay tận diệt thiên nhiên vì lợi ích trước mắt. Và khi đó, chắc chắn sẽ có thêm rất nhiều hành vi đáng quý tương tự như hành vi trả lại con đồi mồi về với đại dương.

Mahatma Gandhi đã nói rằng: “Trái đất có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con người nhưng không thể đáp ứng được lòng tham của mỗi người”. Một câu nói rất hay, luôn có tính thời sự và cũng rất đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm về những hành vi mà mình sẽ làm đối với thiên nhiên, môi trường nơi mình đang sống.

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm