Chào tuần mới: Chống 'virus trì trệ'

11/05/2020 07:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Chắc hẳn chúng ta còn nhớ, hồi đầu tháng 2/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, trong phiên họp bàn về đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh, cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2020..., Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Chúng ta phải chống cả 2 loại virus, một là virus Corona và một loại virus nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do dịch bệnh nên không hành động, ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước”…

Nhân lên ý chí, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19

Nhân lên ý chí, sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19

Trong những ngày này, nhân dân cả nước đang vui mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2020). Đất nước sau 45 năm thống nhất liên tục đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện ở tất cả các lĩnh vực: phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại và xây dựng, củng cố hệ thống chính trị; các nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công...

Giờ đây, toàn quốc đã chuyển sang trạng thái "bình thường mới", là thời điểm để tập trung vào khởi động lại nền kinh tế. Thông điệp ấy đã được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” ngày 9/5 vừa qua. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: "Chúng ta đã chứng kiến tinh thần “chống dịch như chống giặc”, còn giờ đây, tinh thần “chống trì trệ như chống dịch” cần phải được thúc đẩy.

Đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Bài toán phục hồi và phát triển kinh tế bây giờ không phải chỉ của các doanh nghiệp, mà ngay cả mỗi cá nhân cũng phải đặt ra, đó chính là làm thế nào để tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua được giai đoạn khó khăn này?

Những khó khăn lúc này thì có rất nhiều dạng. Với công ty cũ của tôi, công việc chính là dịch vụ làm sạch tại các siêu thị cũng bị ảnh hưởng nhiều. Khi xảy ra đại dịch, hầu hết nhân viên phải nghỉ việc, công ty phải hỗ trợ lương để giữ người bởi việc tuyển dụng nhân viên làm công việc này rất khó.

Theo nhận định của lãnh đạo công ty, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thêm khoảng 2 tháng nữa thì khó có thể trụ được. Bây giờ, sau khi hết giãn cách xã hội, khi mà các hoạt động đã tiếp tục như cũ nhưng công ty vẫn phải cắt giảm hơn một nửa số nhân viên, ngay cả những người được giữ lại bây giờ đi làm vẫn phải áp dụng thay nhau nghỉ luân phiên vì khối lượng công việc chưa có nhiều. Nếu không làm như vậy thì công ty sẽ không có đủ chi phí để tiếp tục tồn tại.

Chú thích ảnh
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Vấn đề này cũng được ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề cập tại hội nghị. Ông bày tỏ lo ngại, nếu dịch bệnh kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh, do đứt gãy nguồn cung ứng, thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ nội địa.

Ông Lộc cho rằng, việc làm, thu nhập của người lao động đang trở thành vấn đề lớn và thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh. Gần 80% doanh nghiệp thông báo sẽ phải giảm lao động, trong đó mức cắt giảm lao động phổ biến từ 10% đến 50%. Việc cắt giảm lao động nhiều nhất diễn ra trong các doanh nghiệp tư nhân (70%), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (81%), công nghiệp chế biến chế tạo (78%).

Bên cạnh những khó khăn về nhân công, một vấn đề khác cũng cần phải tiếp tục thay đổi để thúc đẩy phát triển kinh tế, đó chính là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Ngay tại Hà Nội, trong buổi giao ban công tác tháng 4/2020, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nói rằng: “Tôi nắm được thông tin có đồng chí phó phòng cầm hồ sơ của doanh nghiệp nước ngoài đến 8 tháng, lên đến Văn phòng UBND thành phố cũng kéo dài đến 1 tháng. Có gần 20 hồ sơ tính tiền sử dụng đất từ năm 2018 của Sở Tài nguyên và Môi trường chuyển cho Sở Tài chính, nhưng các đồng chí không vào hệ thống nhập hồ sơ, xem xong lại “đá qua đá lại” đến 6 vòng. Đề nghị các đồng chí phải chấn chỉnh lại ngay tình trạng này”. Đấy rất có thể là những “virus trì trệ” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Cũng vì những vấn đề như thế này, tại hội nghị trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng tôi đã nhiều lần nêu virus trì trệ, vậy virus trì trệ ở đâu, đừng nhìn người khác, cơ quan, tổ chức khác, bộ, ngành khác, địa phương khác, virus trì trệ nằm ngay trong chính bản thân chúng ta, tổ chức của chúng ta, địa phương của chúng ta và cả trong doanh nghiệp của chúng ta”.

Thủ tướng cũng đã đưa ra 6 đề nghị với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó đề nghị thứ 3 là không được nản chí vì nản chí là tự mình bỏ cuộc: “Tôi xin nói môi trường kinh doanh của chúng ta dù cũng có những khó khăn và thách thức, do đó đừng cầu không có khó khăn, đừng mong dễ dàng vì dễ dàng thì đã không đến lượt chúng ta”.

Trong tác phẩm Tình thế và giải pháp, tác giả Nguyễn Trần Bạt khi trả lời phỏng vấn đã nói rằng: "Năng lực đột phá là một thuộc tính của người Việt. Nó là thuộc tính có chất lượng bản năng của người Việt, nó tồn tại vĩnh viễn, nó cấu thành nên chủ nghĩa anh hùng của người Việt”.

Với tình hình thực tế hiện nay, việc khởi động lại nền kinh tế của các doanh nghiệp và mỗi cá nhân rất cần phải phát huy cái năng lực này. Các bộ, ngành, phải xắn tay áo vào cuộc, các địa phương phải tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp với một tinh thần cải cách đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Quốc Khánh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm