Cậu bé bị bỏ trong rừng và kỹ năng sống cho con em chúng ta

03/06/2016 20:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể cậu bé khá nghịch ngợm, nhưng để may mắn sống sót sau 6 ngày bị bỏ trong khu rừng được coi là nhiều gấu dữ, thì chứng tỏ cậu bé đã có kỹ năng sống không quá tệ.

Câu chuyện cặp vợ chồng người Nhật phạt đứa con 7 tuổi mình vì tội ném đá vào xe ô tô bằng cách bỏ nó ở lại rừng sâu đã làm nhiều người không ngủ được trong những ngày qua. Sáng nay, cậu bé tên là Yamato đã được tìm thấy trong một căn nhà nhỏ thuộc khu huấn luyện quân sự ở thị trấn Shikabe, cách nơi bị bỏ lại tới 5km.


Yamato Tanooka (ảnh nhỏ) nằm trên băng ca y tế sau khi được tìm thấy

Điều đáng nói là cậu bé vẫn nói chuyện khá mạch lạc và tỉnh táo, chỉ có vài vết xước nhẹ ở tay, chân, có dấu hiệu bị mất nước nhẹ, và đương nhiên là trong tình trạng bị suy dinh dưỡng.

Người ta đã vui mừng khi cậu bé còn sống sót, nhưng trên tất cả sự vui mừng, đó là sự cảm phục.

Tất cả thông tin mới chỉ là bước đầu, nhưng nếu chúng ta tạm coi đó là chính xác, tức là cậu bé thực sự chỉ bị"dọa" bỏ lại trong vòng 5 phút, thì hành động ban đầu của cậu, công bằng mà nói, là có phần dại dột.


Tin tức về Yamato Tanooka đã lên trang nhất các tờ báo Nhật Bản

Lẽ ra, khi bị bỏ lại ở một nơi hoang vắng như thế thì một cậu bé có kỹ năng sống tốt phải đứng im một chỗ để chờ người tới cứu. Mà cụ thể ở đây là chờ bố mẹ đổi ý, quay lại đón. Tuy nhiên, nếu đặt vào hoàn cảnh cậu bé bị bố mẹ nổi giận, trừng phạt, thì với nhận thức non nớt của mình, rất có thể cậu bé tin rằng mình bị bỏ lại thật. Và thế là cậu bé đã tự đi tìm đường sống.

Chắc chắn cậu bé đã ngay lập tức rời khỏi vị trí bị bỏ rơi, không phải tuyệt vọng đuổi theo chiếc xe của bố mẹ mà đi theo một hướng mà cậu cho là tốt nhất.

Với thể lực của một cậu bé 7 tuổi, chắc chắn cậu đã đi liên tục trong nhiều giờ trong sợ hãi tột cùng để đến được một địa điểm cách nơi bị bỏ rơi tới 5km.


Chiếc nệm trong căn nhà nhỏ mà Yamato Tanooka đã ở

Qua bức ảnh chúng ta có thể thấy là căn nhà nhỏ nơi cậu bé dừng chân là một nơi ấm áp và an toàn. Không có gì lạ nếu như cậu bé chọn nơi đó là nơi dừng chân trong đêm đầu tiên. Nhưng rất lạ là cậu bé tiếp tục ở lại đó, mà không di chuyển lung tung trong rừng. Ở nơi đó có thể ấm áp và có nước, nhưng hoàn toàn không có bóng người. Và chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra nỗi tuyệt vọng tột cùng nếu như bản thân mình lạc vào nơi đó ở không phải một đêm mà tới 4-5 đêm.

Và rất có thể chúng ta sẽ chọn cách tiếp tục di chuyển.

Nếu tiếp tục di chuyển chắc chắn, cậu bé sẽ phải bỏ xác trong rừng trước khi được tìm thấy.


Khu vực B là nơi mà cậu bé được phát hiện, cách nơi bị bỏ lại (A) khoảng 5km

Đã có nhiều câu chuyện về chuyện tiếp tục đi hay dừng lại chờ cứu hộ đến.

Không có đáp án cho các trường hợp này. Những nạn nhân của vụ máy bay rơi trên dãy Andes năm 1972 ở Nam Mỹ cũng đấu tranh kịch liệt giữa hai lựa chọn, xuống núi hay ở lại. Cuối cùng 2 người đã xuống núi, mang theo... thịt người đông lạnh làm thức ăn và đi bộ 10 ngày cuối cùng đã tìm được đồng loại. 14 người ở lại trên núi cũng được cứu sống nhờ họ.


Những người sống sót trong vụ máy bay rơi trên dãy Andes cũng bị giằng xé trước quyết định đi hay ở lại chờ cứu hộ

Nhưng không phải tất cả các trường hợp đều may mắn như thế.

Lựa chọn tất nhất cho các trường hợp bị lạc mà mình không xác định được phương hướng luôn là đứng tại chỗ hoặc chọn một nơi dễ được nhìn thấy nhất và chờ đợi. Tiếp theo đó mới là việc vận dụng những kỹ năng sinh tồn khác tùy theo hoàn cảnh như tìm sự cứu giúp của những người đáng tin cậy, xem bản đồ, tìm thức ăn an toàn, cách thoát hiểm, cách nhóm lửa, nấu chín thực phẩm...

Trong trường hợp của cậu bé người Nhật 7 tuổi, cậu đã có những lựa chọn sau cùng rất đúng: Ở lại căn nhà ấm áp và có nước. Cậu bé cũng tránh được một tai họa mà ai cũng phải rụng rời: gấu dữ. Cần nhớ đây là khu rừng có nhiều gấu.


Cha của Yamato Tanooka đã đứng ra xin lỗi về hành động bao ngược con mình

Chắc chắn mai đây những ngày giờ lang thang trong rừng và tìm cách sống sót ở căn nhà hoang vắng giữa rừng sẽ được khai thác một cách tường tận, thậm chí có thể có sách, phim làm về cậu bé này. Khi đó, tất cả mọi người sẽ tìm thấy những bài học bổ ích về kỹ năng sinh tồn để giáo dục cho con cái và để động viên chính bản thân mình khi chẳng may gặp phải những tình huống khó khăn.

Đông Kinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm