Bi kịch của 'ông hoàng'

15/12/2016 06:46 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không thể bất ngờ hơn! Đó là cảm nhận chung của dư luận khi trong buổi chiều hôm qua (14/12), khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng livestream trên Facebook.

Sẽ có rất nhiều câu chuyện để bàn. Nhưng tôi quan tâm tới 2 thông tin. Thứ nhất, như lời Hưng, câu chuyện đã nghiêm trọng hơn, khi mẹ anh liên tục mượn tiền những người đến nhà, kể từ các fan tới ông bán sữa đậu nành. Thứ hai, những đồng tiền để dành cho tương lai của Hưng đã cạn, và anh không muốn khi bệnh tật, già yếu, đồng nghiệp phải làm show ủng hộ.

Theo tôi, đây là thông điệp rõ ràng và tự trọng.

***

Những thông tin Hưng chia sẻ mới là thông tin một chiều, xuất phát từ phía nam ca sĩ. Và, nguyên nhân của món nợ khổng lồ ròng rã bám riết anh, anh cũng không trực tiếp chia sẻ.

Giọng ca của Đàm Vĩnh Hưng có rất nhiều người hâm mộ, nhưng tôi không thuộc trong số đó, tôi cũng không thích cách chơi chiêu PR của anh (đặc biệt là vụ mặc áo blouse bác sĩ Cát Tường trong ngày Halloween).


Đàm Vĩnh Hưng đã khóc khi nói về mẹ (Ảnh chụp màn hình video Facebook)

Nhưng, lần này tôi tin những gì Đàm Vĩnh Hưng nói là sự thật. Bởi, tình mẫu tử luôn là tình cảm thiêng liêng nhất với mỗi con người. Dù có ở chân tường, không ai đủ nhẫn tâm để mang mẹ mình ra làm trò PR.  

Và, song song với một Đàm Vĩnh Hưng từng làm tôi mất cảm tình, thì câu chuyện này lại cho thấy một Đàm Vĩnh Hưng khác: nên được và đáng được cảm thông.

Đó là Đàm Vĩnh Hưng hơn 40 tuổi đầu vẫn phải hát ròng rã bởi sự bủa vây của các chủ nợ; là một người đàn ông tìm mọi cách để làm mẹ thay đổi nhưng hệ lụy vẫn đến. Mỗi lần Hưng nỗ lực, là một lần thất vọng. Nhưng anh vẫn không thể dừng, vì đó là mẹ anh.

Với tôi: bi kịch của Hưng lớn chẳng kém gì bi kịch cổ đại Hi Lạp. Khi con người phải đối mặt với số phận. Khi người đàn ông phải dốc hết sức bình sinh lao động nhưng vẫn không thể thay đổi được nghịch cảnh. Khi mọi nỗ lực đều vô nghĩa, thất bại đeo đuổi như một lời nguyền. Khi một người được mệnh danh là "ông hoàng" với cơ man kim cương phải khóc nức nở than mẹ, trong ánh mắt của bao người, trước màn hình máy tính. Đó là cảnh tượng đau thương tới cùng cực!

Điều này làm Đàm Vĩnh Hưng gần gũi, đáng cảm thương, đáng trân trọng hơn tất cả các danh vị "ông hoàng", "ông trùm" hay cơ số hàng hiệu anh sở hữu. Nó cũng làm những ánh hào quang showbiz đầy rẫy chiêu trò mờ đi, nhường chỗ cho giá trị con người. Những giá trị đích thực mà Hưng đã bền bỉ lao động để giúp đỡ mẹ như "dã tràng xe cát".

***

Ngay sau khi Đàm Vĩnh Hưng đăng đàn chia sẻ, những lời cay nghiệt lập tức nhắm vào anh. Nào là bất hiếu khi nói xấu mẹ trên truyền thông (?!). Nào là táng tận lương tâm dùng cả mẹ để làm PR (?!). Nào là những lời hả hê khi "Đàm Vĩnh Hưng mà cũng có lúc này"...

Hẳn nhiên, câu chuyện chưa thể xác tín 100%. Song, khi người khác nói về cơn bĩ cực của cuộc đời, nếu chúng ta không thể chia sẻ với nhau thì tốt nhất nên im lặng quan sát.

 Nếu ai đó cho rằng Hưng "diễn", vậy hãy cứ bình tâm, nếu chuyện không phải là thật, mọi chuyện sẽ chẳng giấu được lâu. Đến lúc ấy, một từ để bình phẩm cũng là quá dài!

Trong phần chia sẻ của Hưng hôm qua, tôi ám ảnh khi anh cho biết cả cuộc đời làm nghệ thuật, anh hát hàng ngàn bài. Nhưng, anh chỉ hát duy nhất một bài về mẹ. Đó là ca khúc "Mẹ" của nhạc sĩ Phú Quang, phổ thơ nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Bài hát ngay sau đó đã được chia sẻ khắp nơi với những ca từ vang vang: "Mẹ là người đầu tiên, người đàn bà mãi mãi, không bao giờ phản bội. Ngay cả khi, con ngu dại một đời...".

Những lời ca chua chát đầy nghịch lý như cuộc đời Hưng vậy!  

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm