Bài học về sự khoa trương

08/05/2019 06:53 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Mấy ngày qua cộng đồng mạng được một phen “trố mắt” trước việc tự xưng “nhà báo quốc tế” của ông Lê Hoàng Anh Tuấn. Tai nạn, đúng hơn “vạ mồm” này có thể đã không xảy ra, nếu tự ông ấy không quá khoa trương - mà nói như ngôn ngữ đời thường là “nổ banh nhà lồng” - khi về thăm trường cũ tại Nghệ An sáng 27/2/2019.

Không để các nhà báo đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực

Không để các nhà báo đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực

Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 5/4/2016 đã ban hành Luật Báo chí - văn bản pháp lý quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động báo chí, quản lý nhà nước về báo chí.

Theo thông tin từ Trường THPT Nghi Lộc 3 thì ông Tuấn tự thiết kế và in tấm phông sân khấu với nội dung: “Chào mừng nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ Lê Hoàng Anh Tuấn, cựu học sinh khóa 1995-1998 THPT Nghi Lộc 3, tiến sĩ danh dự từ Vương quốc Anh 2018, Tổng biên tập tạp chí Chống tham nhũng và hợp tác quốc tế”.

Nhìn vào tấm phông này dễ thấy sự khoa trương: khi đã là Tổng biên tập thì không cần thiết phải xưng thêm nhà báo nữa; khi đã là tiến sĩ thì không cần thiết xưng thêm thạc sĩ... Tất nhiên dư luận xoáy chủ yếu vào danh xưng “nhà báo quốc tế”, vì nó không có thật. Nếu ông Tuấn ít khoa trương hoặc khôn khéo hơn thì tất cả thông tin này đưa cho người đại diện của nhà trường giới thiệu, “lời nói gió bay”, bản thân được một cơ hội khoa trương, mà khỏi bị “bút sa gà chết”.

Chú thích ảnh
Ông Lê Hoàng Anh Tuấn, xưng danh là "nhà báo quốc tế, thạc sĩ luật học, tiến sĩ, Tổng Biên tập Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế", cựu học sinh khóa 1995-1998 tại THPT Nghi Lộc 3. Ảnh: nguoilambao.vn

“Con rận bằng con ba ba/ Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh” là một câu ca vui về sự khoa trương mà dân gian hay dùng. Trong công việc và danh vị, khoa trương, lộng danh dễ dẫn đến lừa mị và lường gạt.

Theo ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra (Hội Nhà báo Việt Nam), người tự xưng là “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn không đủ điều kiện, tiêu chuẩn trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã có đơn gửi Hội Nhà báo Việt Nam, đề nghị xóa tên ông Lê Hoàng Anh Tuấn ra khỏi danh sách hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.

Mà chuyện khoa trương như “nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn không phải là hy hữu. Trong đời sống có không ít trường hợp khoa trương giống như vậy. Có nhiều người muốn tỏ ra quan trọng đã tự viết trang Wikipedia để ca ngợi mình.

Có ông nhà thơ khá vô danh tự viết trên bìa sách của mình như sau: “Với những tác phẩm bất hủ được lưu trữ vĩnh viễn trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc”.

Nhiều danh thiếp in chi chít các chức danh, công việc đã làm và đang làm, khiến người đọc hoa mày chóng mặt. Những người này thường in thông tin mang tính liệt kê những chức vụ đã làm trong quá khứ, chứ một người thì không thể cùng một lúc làm cả 9-10 chức vụ được. Trong khi danh thiếp là để giới thiệu, giao dịch công việc mà bản thân đang làm. Nhiều vị in danh thiếp thừa thông tin căn bản, ví dụ đã ghi PGS-TS thì tất nhiên đã là nghiên cứu viên, là giảng viên, vậy ghi thêm để làm gì?

Theo tâm lý học, bệnh khoa trương không chỉ do hám danh-lợi-tình, mà còn đến từ sự tự ti với bản thân. Những người tự tin hoặc thật sự thành đạt, họ thường không cần xưng nhiều danh hiệu, chức vị, ví dụ nói nhà thơ Bùi Giáng là quá đủ rồi, dù ông còn là dịch giả, nhà khảo cứu, nhà giáo… Văn Cao viết nhạc, làm thơ, vẽ tranh… đều có dấu ấn riêng, nhưng chỉ cần gọi nhạc sĩ Văn Cao là quá đủ, thậm chí thừa với nhiều người trong giới, bởi họ chỉ gọi là “anh Văn”.

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” là thành ngữ chỉ về sự tập trung, sự chuyên nghiệp. Nếu trong tất cả các chức vị, danh hiệu mà bản thân có thể làm, chỉ cần tập trung làm một việc thật giỏi, có nhiều đóng góp cho xã hội, thì đâu cần liệt kê những việc thứ yếu ra làm gì. Ví dụ Phan Khôi, dù ông có bài thơ mở đầu cho kỷ nguyên Thơ mới, ông còn là dịch giả, nhà tư tưởng, nhưng chỉ cần gọi nhà báo Phan Khôi là quá đủ thông tin.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm