Âm nhạc Chăm: Bảo tồn sao cho... chuẩn?

09/08/2018 07:30 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (8/8/2018) tại Phan Rang đã diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm ở Ninh Thuận”, với hơn 15 tham luận và diễn xướng của các chức sắc, nghệ sĩ, nghệ nhân Chăm.

Nhìn một cách bao quát, hội thảo đã kịp thời chỉ ra những đặc trưng và thách thức của di sản âm nhạc Chăm trong bối cảnh hiện tại. Và chắc chắn, đây sẽ là một tham chiếu quan trọng để để tìm ra các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản này.

Nhưng, cũng như nhận xét của nhiều chuyên gia, những giải pháp đặt ra, về mặt lý thuyết là đúng hướng, nhưng thực tế thì rất ít khả thi.

Vì sao vậy?

Đầu tiên, một trong những nét đặc sắc của âm nhạc truyền thống người Chăm là khía cạnh tâm linh, lễ nghi thần linh, tôn giáo. Họ có nhiều bài bản trong việc hát lễ, hát tụng ca, hát khấn các vị thần. Như nhận xét của tiến sĩ Phú Văn Hẳn, trước đây, do quy định của các nghi lễ tôn giáo, tập tục của người Chăm mà nhiều nhạc cụ và thể điệu, bài hát gần như không được phép biểu diễn rộng rãi trong sinh hoạt, vui chơi, giải trí của cộng đồng.

Chú thích ảnh
Chức sắc Kadhar Luỹ (phải) diễn xướng kéo đàn kanhi, hát lễ pammre tại hội thảo

Nhìn ở khía cạnh gìn giữ giá trị nguyên bản, tính thiêng liêng, điều này rất quan trọng, để tránh tầm thường hoá, trần tục hoá các nghi thức nhạc lễ, nhạc tâm linh - vốn cần một khoảng cách nhất định với đời sống. Nhưng nhìn ở khía cạnh bảo tồn và phát huy, điều này gặp nhiều thách thức, vì các nghi lễ dần mai một, các chức sắc qua đời, giới trẻ Chăm chưa thật mặn mà để kế tục.

Đơn cử, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, riêng trong các lễ hội thuộc nhóm Rija (trừ Rija soa) đã có đến 154 bài bản trống ginang. Vậy mà ở ngoài đời, trong các sinh hoạt vui chơi, giải trí, thi tài, thì chỉ có 6 bài. Rồi, một mảng âm nhạc khác, mảng âm nhạc của hai vị chức sắc Mâduer và Kadhar - ở đó người diễn xướng vừa hát vừa kéo đàn, vỗ trống, với hàng trăm bài damnâi và pammre cùng nhiều loại tiết tấu giai điệu đặc thù – cũng đang bị quên lãng”.

Hoặc theo nhà nghiên cứu Lâm Tấn Bình đến từ tỉnh Bình Thuận kế cận, cả tình này chưa có được 10 người biết sử dụng thông thạo 75 điệu trống ginang. Đối với kỹ thuật chế tác các loại nhạc cụ này, thì toàn tỉnh chỉ còn 3 nghệ nhân làm được là Vỗ Cửu Lạc, Thổ Đồng và Nguyễn Văn Thể. Trong đó sư cả Vỗ Cửu Lạc bị tai nạn tàn phế đôi chân, thể trạng rất yếu.

Chú thích ảnh
Chức sắc Mâduer Phú Văn Lương diễn xướng hai làn điệu thỉnh mời và tái hiện po haniem par, po tang ahoh

Cần nhắc lại, trống ginang, trống baranưng, kèn saranai… là các nhạc cụ truyền thống rất nổi tiếng của người Chăm. Trong khoảng 24 nhạc cụ truyền thống, họ còn các bộ gõ hagar praong, hagar sit, kaleng peng, bộ hơi seng, bộ dây kanyi… rất tiêu biểu, nhưng cũng trong tình trạng mai một tương tự.

Theo tương truyền và sử liệu, người Chăm còn có lễ nhạc, nhã nhạc rất phong phú, đặc sắc nhưng về mặt trình tấu và văn bản, hiện tại đã thất truyền. Nhiều tư liệu và dữ liệu tại Nhật Bản cho thấy họ chịu nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Chăm - thường gọi là Lâm Ấp nhạc. Dấu ấn cho điều này còn nhìn thấy rõ nét trong nhiều bài dân nhạc, nhã nhạc của họ. Có lẽ một hành trình ngược lại quá khứ cùng Nhật Bản, người Chăm hôm nay có thể phần nào hình dung về nhã nhạc, lễ nhạc của tiền nhân mình.

Một thách thức rộng lớn hơn, đó là cuộc cách mạng công nghệ thông tin, xã hội tiêu dùng và bối cảnh toàn cầu hoá đã chi phối đến mọi nền văn hoá, Chăm cũng không ngoại lệ. Giới trẻ Chăm ngày nay cũng nhanh chóng hoà nhập với văn hoá đại chúng, hát nhạc đại chúng, thì việc có lơ là với di sản âm nhạc truyền thống cũng là điều dễ thấy.

Nói tới chuyện bảo tồn và đặt quyết tâm, nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ còn phải rất đau đầu để giải quyết những vấn đề của âm nhạc Chăm – một di sản văn hóa đặc thù trong lịch sử...

Âm nhạc Việt Nam năm 2017 - Chờ đợi sự bùng nổ của những nhân tố mới

Âm nhạc Việt Nam năm 2017 - Chờ đợi sự bùng nổ của những nhân tố mới

Một loạt giải thưởng âm nhạc cuối năm 2016 và đầu 2017 đã gọi tên những chủ nhân mới. Điều đáng nói, những dấu ấn rõ nét nhất của nhạc Việt 2016 đến từ những người trẻ và họ đã biến năm 2016 thành một năm đáng nhớ của riêng họ.

Vô Ưu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm