Ai 'nhuộm xanh' Thu Việt Nam?

25/09/2021 07:14 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Cũng là sắc Thu cả đấy nhưng khi “Thu đến cây nào chẳng lạ lùng”, Nguyễn Trãi chỉ nghĩ tới màu xanh tiềm ẩn trong cây tùng “Một mình lạt thuở ba Đông” (Tùng); Nguyễn Công Trứ chỉ nghe rì rào xanh, trong lời thông reo… Mãi sau này, cách mạng mùa Thu rồi, Nguyễn Đình Thi cũng chỉ để thoang thoảng sắc Thu thơm trong hương cốm xanh.

Nguyễn Khuyến  - Những mùa Thu còn mãi

Nguyễn Khuyến - Những mùa Thu còn mãi

Chúng tôi về thăm quê hương nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) - Thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, Bình Lục, Hà Nam. Hơn trăm năm đã trôi qua với bao dâu bể, cảnh sắc làng quê Tam Nguyên, Yên Đổ đã thay đổi nhiều nhưng cảm giác “ngõ trúc quanh co” dẫn vào ngôi nhà của thi sĩ vẫn như xưa. Những hàng cau, bụi tre thân thuộc bao đời với làng quê Việt phủ bóng trên con đường nhỏ.

1. Thu xanh dứt khoát những đường bút là Thu trong thơ Nguyễn Khuyến: "Trời Thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu/ Nước biếc trong như tầng khói phủ/ Song thưa để mặc bóng trăng vào/ Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào/ Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” (Thu vịnh).

Bạn đọc lại mà xem, trong 56 chữ thất ngôn bát cú chẳng có một chữ vàng! Chữ duy nhất chỉ màu sắc là xanh, lại là xanh đậm đặc, xanh ngắt chất lượng cao. Phải chăng muốn màu xanh nền của bài thơ không giảm sắc độ, Nguyễn Khuyến đã cố tình phiếm chỉ màu ở câu thơ thứ 5, bằng cách giấu tên riêng của loài hoa kia vào danh xưng “hoa năm ngoái”, một thứ hoa chỉ có màu lỡ thì ước lệ?

Chú thích ảnh
Bậc thang xuống lạch nước trước cửa nhà cụ Nguyễn Khuyến nhuốm màu thời gian, rêu phong cổ kính. Ảnh: T.Q.C

Nghĩ thế rồi cẩn thận đọc liền một hơi theo kiểu liên ngâm cả 3 bài Thu của Nguyễn Khuyến thì thấy bài nào cũng có chữ xanh ngắt! Nếu không "Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt" (dòng thứ 5 bài Thu điếu) thì cũng da trời ai nhuộm mà xanh ngắt (dòng thứ 5 bài Thu ẩm). Bậc thầy chữ ta như cụ Tam Nguyên mà dùng đến 3 lần, chỉ 1 chữ thôi trong chùm 3 bài cùng một đề tài thì chữ ấy phải là chữ chủ âm, chữ tâm điểm, chữ hạt giống, chữ đinh… phải là chữ biết cách “nhuộm” cả bài thơ theo mình.

Nếu liên kết cả 3 bài mà xét như thế thì dù cụ Tam Nguyên Yên Đổ khiêm tốn giấu mình đi mà hỏi “ai nhuộm”, vẫn xin được trân trọng trả lời rằng, chính ông là tay thợ trời đã từ trước 1945 khá lâu đã "nhuộm xanh" mùa Thu Việt Nam.

Với Nguyễn Khuyến, Thu Việt Nam là Thu xanh! Xanh ngời xanh ngọc như chính nó chứ không son phấn tu từ như những câu thơ đẹp tới mức kinh điển trong các sách dạy làm đẹp văn chương, như câu thuần một màu âm bằng: “Chao ôi buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi, vàng rơi, Thu mênh mông”.

Chú thích ảnh
Nắng thu. Ảnh: Trương Văn Vị

2. Đồng tác giả một bài thơ, nhiều khi thật lớn mà nhiều khi thật nhỏ. Đã lớn thì lớn đến vô cùng như trong thơ Chế Lan Viên:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa Thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh, nhưng nó là mùa”.

Càng về cuối bài, đồng tác giả càng lớn, nếu nó chỉ là “mùa Thu” ở dòng thứ 2 thì mới lớn bằng 1/4 thời gian trong năm, nhưng đã là mùa khi xuống dòng thứ 4, nó đã thâu tóm cả Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi!

Độ lớn về ý của khổ thơ, Chế Lan Viên dùng thời gian để thể hiện, nhưng làm ra độ đẹp, ông lại dùng tới không gian. Mùa Thu qua tay Chế Lan Viên hiện thành hàng cây đang “xào xạc”, chữ láy xào xạc này nghiêng ngả giữa 2 đầu một câu thơ đăng đối cho ta quyền hiểu rằng gió Thu đang thổi. Quyền hiểu rộng một bài thơ (gọi là quyền suy diễn, cũng chẳng sao) đến đây vẫn chưa hết! Nghe rồi nhìn chữ “xào xạc” đưa qua đưa lại theo một mạch thơ đang chảy, lại nghĩ Thu khúc này đang được viết bằng một thứ mực xanh gọi là nhựa cây vậy! Nhưng ai viết? Mùa Thu! Vậy là có cả phép nhân hóa trong 4 dòng đầy tính triết lý này, thời gian và không gian đang ở khoảnh khắc hóa thân thành một thi sĩ, núp đâu đó trong thiên nhiên một Thu vàng rất Tây (như cách diễn đạt phi cách luật của bài) viết “xào” viết “xạc” lên nền “Trời Thu xanh ngắt mấy tầng cao” rất Đông phương của nước Việt Nam mình. Hóa ra, đồng tác giả lúc này chính là đất nước mình!

Chú thích ảnh
Đường làng mùa Thu. Ảnh: Đỗ Huân

3. Một nhà thơ công nhân (nói theo nghĩa đen) - thi sĩ Thanh Tùng, thợ quai búa đóng tàu ngoài Hải Phòng nơi Mỹ từng phong tỏa, có hỏi: “Nối bao gió Thu cho tôi tới được em” tới với người tình xanh rợn, xanh mởn một khỏa thân tắm: “Quả đeo buồn lưng cây/ Những vòm liễu nhúng chiều vào đáy nước”.

Nhà thơ có câu hỏi rất heo may, rất gợi thương gợi nhớ ấy, lại có cho riêng mình một Thu màu đỏ! Ông kể trên báo như sau: “Năm 1997, trước khi được mời đi Hy Lạp đọc thơ, tôi có đọc thơ mình trong một buổi sinh hoạt văn nghệ của Hội Nhà văn. Hôm đó tôi đọc bài thơ Thất tình, trong đó có 4 câu mở đầu: Em để lại trong tim tôi một mũi dao/ Và mỗi ngày lại nhấn sâu thêm một chút/ Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết/ Những mùa Thu rớm máu vẫn đi về.

Cô ấy là một nữ nghệ sĩ, biết tôi, yêu tôi từ chính những vần thơ đó… Thú thực là tôi rất sợ và không dám tin mình may mắn đến thế. Tôi đã trải qua nhiều đổ vỡ trong đời nên rất sợ chuyện tình cảm đến nhanh rồi đi cũng nhanh. Cô ấy lại rất trẻ, chỉ đáng tuổi con gái tôi. Ngoài ra, cô ấy còn có tài và có cả một tương lai rộng mở phía trước. Tôi đã cố tình lảng tránh, nhưng càng lảng tránh, cô ấy càng lao vào. Cuối cùng, tôi phải chọn giải pháp vào Nam và cưới vợ [thêm một lần] để cô ấy không có cớ nghĩ về tôi nữa. Thời gian đầu vào Nam, cô ấy có lùng sục tìm tôi khắp nơi, nhưng tôi cương quyết không nhượng bộ!”.

Thi sĩ Thanh Tùng lập trường quá đi! Cho nên thơ sắc như khắc bằng dao và “rớm máu” đỏ!

4. Đêm rằm Trung Thu 29/9/1963, nhà thơ Xuân Diệu viết bài thơm ngát mùi rau xanh ngoại thành Hà Nội, bài Đêm trăng đường Láng:

“Em là một ngôi sao mới băng/ Xuống đây, đi với anh đêm trăng// Hai con mắt dễ thương, dễ ghét/ Đôi mắt, nguồn mặn nồng tha thiết// Em đưa anh vào trong bóng trăng/ Anh đưa em cành liễu thung thăng// Đường Láng thơm bạc hà, canh giới/ Ôi trăng soi trên lá xà cừ…// Anh với em bên bờ đêm biếc/ Những xóm mờ mến thương quen biết// Trăng như sương trên ruộng lúa xanh/ Gió như chim xao động trong cành// Em là một ngôi sao mới băng/ Xuống đây, đi với anh đêm trăng”.

Ở bài trên, trong cả 2 cặp câu vần trắc (3-4 và 9-10), ta chỉ đảo vị trí một vài chữ là nhịp thơ xưa từ thời Chinh phụ ngâm hiện ra: Hai con mắt dễ thương, dễ ghét/ Đôi mắt nguồn tha thiết mặn nồng; và Anh với em bên bờ đêm biếc/ Những xóm mờ quen biết mến thương… Nhưng Xuân Diệu tuyệt đối không dùng vần lưng như thế. Ông kiên quyết đoạn tuyệt giọng điệu kể lể, để bài thơ trăng này, gợi nhiều hơn tả.

Lại nữa, trong 98 âm tiết toàn bài, có tới 68 thanh bằng (hơn 2/3), khiến bài thơ bỏ giọng trưởng (majeur) nghiêng hẳn sang màu âm mềm mại một gam thứ (mineur), phù hợp với không khí lãng đãng của một đêm trăng mộng nhiều hơn thực. Tiếng chim lẫn vào tiếng gió, ánh trăng lẫn vào hơi sương. Anh và em không phải đi mà đang bay thì mới có thể vừa thơm là là đường rau bạc hà, canh giới ăn được đã vút lên ngọn cao lóng lánh xà cừ đẹp mắt. Mộng nhiều hơn thực, mộng đến bóng cây mà như bóng người liêu trai, sải đôi tay “cành liễu thung thăng”.

Bài thơ viết năm 1963 trong lúc bút pháp hiện thực đang thống soái mà đã siêu thực như thế kể cũng là bạo dạn.

Chú thích ảnh
Mùa thu Hà Nội. Ảnh: Trương Văn Vị

Đang chứng kiến Thu "giăng dây" 2021, ngắm chầm chậm một vầng thơ đẹp, chợt nghĩ, đã tới lúc định danh chính thức cho kiểu thơ mỗi khổ chỉ là 2 dòng (thay vì 4 như truyền thống), bắt đầu từ bài song thất (mà không lục bát) kiểu như Đêm trăng đường Láng, Xuân Diệu đã làm hồi ấy?

Từ Thu hứng đêm trăng tròn đầu tiên của nước Việt Nam mới - “Trăng đêm nay sáng quá! Trăng mai còn sáng hơn” (Thép Mới) - văn nghệ sĩ hai miền cùng hòa sức bút làm đẹp Thu Việt Nam! Khi trong ấy, “Chiều đã đi vào vườn mắt em/ Mùa Thu qua tay đã bao lần/ Ngàn cây thắp nến lên hai hàng…(Trịnh Công Sơn) thì ngoài này “Trận mưa thu ào qua / Gió lại xòe diêm đầu lá ướt” (Vân Long), cây lại xanh.

Trần Quốc Toàn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm