12 nghìn tỷ đào tạo thêm 9 nghìn tiến sĩ: Cần phân biệt bằng cấp và trình độ

18/11/2017 08:40 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Không phải không có lý do khi dư luận phản ứng trước thông tin Bộ GD-ĐT xây dựng đề án chi 12 nghìn tỷ đồng để đào tạo thêm 9 nghìn tiến sĩ. Vì rằng cách đào tạo tiến sĩ hiện nay ở nước ta vẫn “chưa đáng tin cậy” lắm về chất lượng học thuật. Và rằng “tư duy bằng cấp” vẫn đang đè nặng lên nền giáo dục vốn được xem là đang chạy theo bệnh thành tích, chạy theo những con số thống kê ảo chứ không phải là chú trọng chất lượng đào tạo.

Con số “tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21% như vậy là thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên” được ngành giáo dục đưa ra gần đây vẫn là một kiểu thống kê đơn thuần và nhập nhằng giữa bằng cấp và trình độ. Cách thống kê này không chỉ ra được “thấp” là thấp so với ai, theo tiêu chí, tiêu chuẩn nào cũng như không chỉ ra được nhu cầu thực tế của xã hội về việc nhất thiết phải có thêm 9 nghìn tiến sĩ mà vẫn cho rằng như vậy không phải là đào tạo tràn lan thì rõ ràng đây vẫn là một nhận định hết sức cảm tính.

Nếu ngành giáo dục không chứng minh được, sau khi có thêm 9 nghìn tiến sĩ, nền giáo dục cũng như chất lượng đào tạo sẽ thay đổi cụ thể như thế nào thì việc chi 12 nghìn tỷ đồng ngân sách trong bối cảnh đất nước đang phải chịu gánh nặng về nợ công như hiện nay, quả thực là một kiểu chi tiền rất lãng phí.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở một nền giáo dục được xem là hiện đại như Nhật Bản, người làm khoa học hiện nay cũng “ngại” lấy bằng tiến sĩ. Các Giáo sư Nhật Bản phần đông vẫn là thạc sĩ, họ có thể học hết chương trình tiến sĩ nhưng không cần phải lấy bằng tiến sĩ. Thậm chí nhiều người đoạt giải Nobel nhưng vẫn chỉ có bằng thạc sĩ và họ vẫn là những người đào tạo tiến sĩ mà không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ. Vì rằng tiêu chí đánh giá trình độ không phải là tấm bằng mà kết quả nghiên cứu và các công bố quốc tế.

Thống kê cho thấy cả nước hiện có trên 24 nghìn tiến sĩ, nhưng trong giai đoạn 2011-2016, Việt Nam chỉ có tổng số hơn 15 nghìn công bố thuộc danh mục Viện thông tin khoa học (ISI), bằng khoảng 1/3 Thái Lan, 1/4 Malaysia và 1/5 Singapore. Các con số thống kê cũng cho thấy, trung bình trong một năm, 5 tiến sĩ mới có được 1 công bố quốc tế.

Nói như vậy để thấy rằng, việc nâng cao trình độ giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo không phải nằm ở chỗ tạo ra thêm 9 nghìn người cầm tấm bằng tiến sĩ trên tay và lấy đi của ngân sách 12 nghìn tỷ đồng.

Hơn ai hết, Bộ GD-ĐT phải xây dựng được cơ chế chính sách để nâng cao trình độ của người làm công tác giảng dạy. Nguồn ngân sách nhà nước đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo nếu có, cần được đầu tư trực tiếp cho người học thông qua các đề tài khoa học có giá trị thực tiễn chứ không phải thông qua các đề án để làm đẹp những “con số” nhưng mơ hồ về chất lượng…

Việc đặt ra mục tiêu đào tạo thêm tiến sĩ không phải là một mục tiêu sai, nhưng việc đào tạo tiến sĩ để bổ sung cho hệ thống người làm công tác giảng dạy đại học hiện nay không phải bằng cách dùng tiền ngân sách để chi một cách máy móc nhằm tạo ra số lượng tiến sĩ theo kế hoạch. Cốt yếu của việc đào tạo tiến sĩ vẫn phải là chất lượng học thuật và giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu.

Việc Bộ GD-ĐT ban hành quy chế đào tạo tiến sĩ với yêu cầu cao hơn (chẳng hạn phải có thời gian học tập trung, có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế…) và đang siết chặt việc này thông qua việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên, như thông tin mà Bộ trưởng Trần Xuân Nhạ đưa ra là một thông tin tốt.

Người dân có quyền hy vọng về một thế hệ tiến sĩ mới có chất lượng hơn và có nhiều đóng góp cho xã hội nhiều hơn thông qua các công trình khoa học của họ. Đặc biệt những nông dân chân lấm tay bùn có quyền hy vọng, với thế hệ tiến sĩ mới, trên mảnh ruộng, mảnh vườn của họ sẽ có những nông cụ do chính các tiến sĩ làm ra để nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống nông dân Việt Nam, và để họ -  những người nông dân, không phải dùng kiến thức chưa hết tiểu học của mình, mày mò chế tạo những chiếc máy phun thuốc sâu, máy gieo, máy gặt…

Ai mua bằng tiến sĩ giả?

Ai mua bằng tiến sĩ giả?

Nhà thơ Nguyễn Khuyến từng vịnh tiến sĩ giấy như sau: “Cũng cờ cũng biển cũng cân đai/ Cũng gọi ông Nghè có kém ai…”. Nhưng đây là đồ chơi cho con trẻ nhân dịp tết Trung Thu.

Theo Lê Hiền/ báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm