'Điểm nóng' thể thao TP.HCM

30/04/2014 07:22 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu không còn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua) hay một số tên tuổi khác trong làng biliards & snooker như lão tướng Đặng Đình Tiến và cơ thủ mới nổi Ngô Đình Nại…, đến người TP.HCM cũng không chắc thể thao địa phương này đang ở đâu trên bản đồ thể thao quốc gia. Con đường tìm lại vị thế của thể thao TP.HCM còn đầy gian nan, dù cơ sở hạ tầng – điều kiện sân bãi khá ưu việt và hằng năm, ngân sách Nhà nước, cũng như tư nhân đổ vào không phải là ít.

1. Theo một thống kê từ báo chí cách đây 10 năm, thì ngay từ Đại hội TDTT toàn quốc lầnIV năm 2002, sau 4 lần dẫn đầu (1885, 1990 và 1995), TP.HCM đã rơi xuống thứ nhì, với 122 HCV, thua Hà Nội đến gần 30 chiếc. Điều đáng nói là ở hầu hết các môn mũi nhọn trước đây, như điền kinh, bơi lội, lặn, bóng đá nam, bóng đá nữ, bóng chuyền nam và đặc biệt là các bộ môn võ, vốn là thế mạnh của TP.HCM, không bị Hà Nội thì cũng bị các địa phương khác qua mặt.

Nếu như trước đây, TP.HCM từng sản sinh ra những Huyền Diệu, Hiếu Ngân, Trần Quang Hạ (Taekwondo), với thành tích ấn tượng là chiếc HCB Olympic Sydmey 2000 lần đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam của Hiếu Ngân, hay Quang Hạ HCB ASIAD 1994 tại Hiroshima – Nhật Bản, thì ngay lúc này, những niềm tự hào hiếm hoi cũng đi mất. Tiến Minh dù là người Sài Gòn, nhưng hiện đang hưởng lương ở tận Bình Dương, trong khi đó Lê Quang Liêm, người vinh dự cầm ngọn đuốc Olympic London 2012, đã chọn con đường du học sang Mỹ...

Nhưng, ngay cả Tiến Minh, nhà vô địch giải Mỹ mở rộng 2013 và từng giành HCĐ giải vô địch cầu lông thế giới cũng trong năm này, thường xuyên có mặt trong tốp 10 cầu lông thế giới hay Đại kiện tướng cờ vua Quang Liêm (Elo 2709, hạng 38 thế giới, 2/2014), cũng không được cho là sản phẩm kiểu mẫu của lò đào tạo thể thao thành tích cao TP.HCM. Họ chơi những môn thể thao cá nhân, với sự đầu tư từ phía gia đình là cực lớn. Lê Quang Liêm không thể nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu nước trên thế giới để thi đấu, nhưng thường chỉ có mẹ đi cùng.

Tương tự thế là các trường hợp của Lý Hoàng Nam (quần vợt, hiện đầu quân cho Becamex Bình Dương) hay các vận động viên bộ môn Billiads & Snooker như đã nhắc ở trên. Thế hệ cuối cùng mà TP.HCM còn có thể tự hào, oái oăm thay, đó lại thuộc về bộ môn bóng đá, mà TP.HCM vốn đang là vùng trắng trên bản đồ V-League. Đấy là những: Đặng Trần Chỉnh, Hà Vương Ngầu Nại, Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Nguyễn Liêm Thanh, Hoàng Bửu, Nguyên Chương, Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Văn Phụng…, thời “thế hệ vàng”.

2. Trong những năm 80 của thế kể trước, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM được xem là ngọn cờ đầu không chỉ của thể thao TP.HCM, mà thậm chí của cả nước. Hàng loạt các vận động viên nổi tiếng như: Đặng Trần Chỉnh, Trương Văn Dưỡng, Võ Hoàng Bửu, Lê Huỳnh Đức, Lư Đình Tuấn (bóng đá), Châu Văn Lễ, Lê Hồng Hảo, Lê Văn Oanh, Nguyễn Văn Hùng (bóng chuyền), Nguyễn Kiều Oanh (bơi), Trương Hoàng Mỹ Linh, Nguyễn Đình Minh (điền kinh), Cao Ngọc Phương Trinh (judo), Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống (Taekwondo)...

Nhưng hiện tại, mô hình đào tạo của cái nôi một thời này, bị cho là không còn phù hợp nữa. Chế độ cho các HLV, cán bộ - công nhân viên quá thấp, khiến hầu hết những người tài đều bị hút về địa phương khác, hoặc chuyển sang làm việc cho tư nhân (ví như Quỹ đầu tư và phát triển tài năng bóng đá Việt Nam, PVF, nơi thu hút gần 20 cựu tuyển thủ quốc gia về huấn luyện, với đại bản doanh đặt tại Trung tâm Thành Long, TP.HCM). Đó là chưa kể đến cám cảnh của các bậc phụ huynh, khi họ không nhìn thấy tương lai (đầu ra) cho con em mình.

Có ý kiến cho rằng, nền kinh tế thị trường mở ra, khiến TP.HCM hụt hơi trong việc ganh đua với các địa phương khác, cụ thể là Hà Nội. Thật bất cập, bởi hằng năm, GDP của TP.HCM vẫn tăng trưởng không ngừng, các nguồn vốn nội lực, cũng như đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn cũng đều tập trung ở đây. Sự vượt trội về kinh tế, đáng ra phải giúp ích cho thể thao thành tích cao phát triển mới đúng, tại sao lại nói đó là sự cản trở?! Vấn đề rõ nhất là cơ chế, là con người, những người chịu trách nhiệm trực tiếp với sự tồn vinh đã thiếu thức thời.

Trong một chia sẻ trên mặt báo, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Giám đốc Sở TDTT TPHCM, ông Lê Bửu, đã phải cay đắng thốt lên: “Trước đây, cơ quan, xí nghiệp nào cũng thể thao. Thậm chí, đa số đều có CLB thi đấu đỉnh cao, tạo nên một phong trào vừa sôi động, vừa có chiều sâu. Bây giờ, đến trường học cũng không còn luyện tập thể thao nữa”. Đấy là vấn đề của các cấp, các ngành, trong việc hối thúc người dân tham gia (hoặc gửi con em mình vào các Trung tâm) tập luyện thể thao một cách tự nguyện.

3. Những niềm tự hào của thể thao TP.HCM, giờ chỉ còn là dĩ vãng, với đỉnh điểm phài là bộ môn bóng đá, vua của các môn thể thao và Sài Gòn từng được xem là cái nôi cung ứng lực lượng cho các đội tuyển quốc gia. Tính từ khoảng thời gian mà Cảng Sài Gòn, Hải Quan và Công an TP.HCM còn tung hoành ngang dọc, thống trị các giải đấu quốc nội (từ thập niên 80 – 90 của thế kỷ trước), đến khi phiên hiệu cuối cùng (Cảng Sài Gòn) mất tích, năm 2009, chỉ độ hơn chục năm. Tại sao lại nhanh và “phũ” đến thế, với môn thể thao vua?!

Có ý kiến cho rằng, trẻ em thành phố nhiều sự lựa chọn hơn trẻ em nông thôn, thay vì theo đuổi giấc mơ với quả bóng tròn, nhưng lập luận này thiếu cơ sở. Bởi nói thế thì trẻ em ở Hà Nội, Hải Phòng hay Đà Nẵng ít lựa chọn hay các bậc phụ huynh ở đó thiếu định hướng hơn TP.HCM?! Vì lý do gì, việc thu hút và giữ chân các nguồn lực đầu tư vào bóng đá đã không được xem trọng ở TP.HCM và bằng chứng là, các nhà tài trợ cuối cùng như Navibank (gắn với phiên hiệu CLB V-League N.Sài Gòn), hay Xi măng Xuân Thành (XMXT.Sài Gòn) đã bỏ đi hết?!

Thể thao đỉnh cao TP.HCM tự bao giờ đã trở nên teo tóp và hình ảnh bóng đá đỉnh cao của địa phương này, đã nói lên tất cả: Cả thành phố bây giờ đang trông chờ vào một đội bóng chơi ở giải hạng Nhất, cùng nguồn cung ứng cầu thủ gần như duy nhất, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM! Hỏi cám cảnh không?!

CCKM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm