Đến Bắc Ninh đọc minh văn khắc trên chuông chùa Bút Tháp

20/10/2022 23:53 GMT+7 | Văn hoá

Chùa Bút Tháp có tên chữ Hán là Ninh Phúc thiền tự, còn có biệt danh là Thiếu Lâm, xưa thuộc xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Bút Tháp từ xưa đã nổi tiếng là ngôi chùa có cảnh trí phong quang, kiến trúc đẹp và có hệ thống tượng pháp phong phú, đa dạng, điêu khắc tinh xảo. Trải qua thời gian, mưa lay gió động, chiến tranh tàn phá, chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, u tịch.

Chùa có quy mô kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các công trình như: Tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, thượng điện, tích thiện am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường, khu vườn tháp… Các công trình đều bề thế to đẹp, trang trí chạm khắc cầu kì, lộng lẫy.

Hiện nay tại chùa Bút Tháp còn bảo lưu được nhiều tài liệu hiện vật quý, như: Tượng phật nghìn mắt nghìn tay, bộ tượng tam thế, hương án... Bên cạnh đó phải kể đến quả chuông đồng, đúc vào năm Ất Hợi (1815) thời vua Gia Long, được xem như pháp khí của chùa. Chuông có tên: “Ninh Phúc tự chung”, tổng thể chuông cao 145cm (tính cả quai), đường kính miệng 71cm. Quai chuông được đúc hình linh vật Bồ Lao, miệng ngậm viên ngọc, hai chân trước quỳ xuống, thân uốn cong, đuôi vồng lên tạo thành quai treo.

Theo truyền thuyết phương Đông, rồng sinh ra chín người con với hình dáng và sở thích hoàn toàn khác nhau. Các con của rồng được dân gian sử dụng làm linh vật trang trí và bái vọng ở những vị trí, những vật dụng khác nhau với những ngụ ý đặc biệt. Bồ Lao là con thứ ba của rồng, là linh vật thích âm thanh lớn, thường được đúc trên quai chuông với mong muốn chiếc chuông được đúc có âm thanh như ý.

Thân chuông chia làm bốn phần, mỗi phần cách nhau bằng năm đường gờ chỉ chạy suốt từ trên xuống đến núm chuông. Bốn núm chuông phân đều bốn mặt, kích thước bằng nhau, mỗi núm đường kính 12cm, chung quanh chạy 26 hạt lựu. Bốn phần của thân chuông mỗi phần lại chia làm hai ô. Ô trên hình chữ nhật đứng, ô dưới hình chữ nhật nằm. Bốn ô trên đúc nổi bốn chữ lớn theo trình tự: Ninh, Phúc, Tự, Chung. Bốn ô dưới để trơn không trang trí. Giá trị và nét độc đáo của chuông chùa Bút Tháp là ở nội dung bài minh văn được khắc rất tỉ mỉ công phu, được xem như một áng văn nghệ thuật, vừa độc đáo, vừa khúc triết, kết tinh trí tuệ của những nhà văn hóa mang nhiều triết lý Phật giáo sâu sắc, ca ngợi lòng từ bi hỷ xả của đức phật, khuyến khích thập phương tín thí hướng về cõi thiện, tránh xa điều ác, thi hành nhân chính, giúp đỡ chúng sinh thoát khỏi đường mê, vượt qua biển khổ. Nội dung văn chuông như sau:

Chú thích ảnh
Chùa Bút Tháp

Chuông chùa Ninh Phúc

Từng nghe, cái hình ở bên trên gọi là đạo, cái hình ở bên dưới gọi là khí, nhưng lại ngụ ở đạo. Đạo không phải khí cũng không phải hình. Chuông là nhất thể của ngũ âm, là không vậy. Trong không chứa nhiều khí nên tiếng nghe trong trẻo to lớn, to lớn thì tỏ ra ở hình dáng. Đạo phật hiển rõ cái không rộng lớn nên thiền gia cũng lấy tiếng chuông để chấn vang đạo giáo đó vậy.

Kính thay! Ở xã Nhạn Tháp, huyện Siêu Loại có chùa Ninh Phúc, có đệ nhất sơn, có sông Thiên Đức phát nguồn, hoa sen kết mạch, thật là một nơi cổ tích danh thắng. Trước đây vào triều Lê, các bậc Quốc Vương đế chủ cùng Hoàng hậu cung phi thụ giáo quy y đạo Phật tại cửa thiền này. Vào năm Dương Hòa, Phúc Thái có trùng tu tôn tạo 120 gian chùa, đúc quả chuông dài 3 thước 2 tấc, rộng 2 thước 2 tấc, hình tròn, chế tác rất tỉ mỉ, chia các góc rõ ràng cẩn thận đẹp đẽ, thật ít thấy ở phong cảnh dưới nhân gian. Đến năm Đinh Mùi khi có việc vẫn nghe thấy tiếng chuông đầy đủ, nhưng nay trên gác tiếng chuông đã vắng lặng hơn hai mươi năm. Vào năm Giáp Tuất các vị quan viên hương lão trong xã phát tâm thiện nguyện lại hưng công tu tập phúc đức. Hưng công từ hội chủ cho đến các bậc thiện tín, nhân dân tùy duyên dâng ruộng bồi phúc, gia tư tiền của cho đến vàng đồng, sai thợ kim khí đốc thúc hỏa công. Vào ngày tốt tháng trọng hạ năm đó mở lò nấu chảy, đúc thành chuông lớn, phúc tràng viên mãn. Chuông ấy treo trên gác rồng, lần lượt sớm tối, tuần tiết sóc vọng, tiếng Bồ Lao cất lên như cá nhảy ở bờ sông Thiên Đức, như tiếng cá kình gào thét ở bên dãy Nguyệt Hằng. Âm thanh sáng rực truyền đến tĩnh viện, thiền sư tựa bàn quán triệt ở trai đường, các vị trưởng lão lên đèn đọc kinh, nhìn thấy hình chuông mà lòng tốt hưng khởi, nghe tiếng chuông mà ngu dốt tiêu tan, không biết thành biết. Làm việc thiện, ban phát phúc đức nên được nhận phúc là lẽ tất nhiên. Vinh hoa hiện rõ, ngày càng được giàu sang, năm thêm to lớn. Đến khi phát triển rực rỡ thì định theo đời trước mà công đức. Vì thế nên khắc vào chuông để mãi lưu truyền.

Minh rằng:

Siêu Loại đất đẹp
Chùa Ninh Phúc cổ
Quy mô tráng lệ
Tiếng chuông im lặng
Bản thôn nhiều phúc
Vận hành pháp lực
Treo trên lầu gác
Niệm sinh điều thiện

Nhạn Tháp tục hay
Dấu vết nguyên xưa
To lớn lung linh
Linh đức khó thông
Chọn thợ giỏi giang
Đúc chuông lớn này
Vồ gõ binh bong
Phúc hợp muôn trùng

Ngày tốt tháng 11 niên hiệu Gia Long 14 [1815].

- Trần Hữu Nhai thi đỗ Giải nguyên kỳ thị Hương khoa thi năm Kỷ Dậu, làm Tri huyện huyện Thủy Đường, thăng làm Định Quảng xứ ty, lâu sau được phong tước Nhai Đức bá, người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, soạn văn chuông.

- Nguyễn Thường người bản huyện, xã Vĩnh Thế viết chữ.

Như vậy, trải qua hơn 200 năm, chuông lớn vẫn sừng sững ngự trên lầu gác, sớm tối ngân vang như thi gan cùng tuế nguyệt. Toàn bài minh văn đều ca ngợi, tuyên dương đạo pháp giáo lý nhà phật, cổ động thập phương tín thí hưng công công đức, để lại phúc cho đời sau. Thiết nghĩ, đây là hiện vật hết sức giá trị, góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, nghiên cứu quá trình hình thành phát triển của ngôi chùa cũng như địa danh hành chính và tín ngưỡng thờ cúng phật pháp của nhân dân nơi đây từ xa xưa. Hiện vật này cần được bảo quản gìn giữ, nghiên cứu sao dịch, quảng bá giới thiệu cho du khách mỗi khi đến tham quan, chiêm bái lễ chùa, nhằm bảo tồn những thư tịch cổ để không bị mai một đi vào quên lãng, góp phần tôn vinh làm sáng tỏ thêm nét đẹp văn hóa của vùng đất cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc.

Phạm Văn Thưởng

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm