Đạo diễn phim 'Kiều' Mai Thu Huyền: 'Tôi cần mạnh mẽ hơn'

05/05/2021 19:03 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ra rạp từ đầu tháng 4, phim Kiều chỉ thu gần 3 tỷ đồng sau khoảng 20 ngày, phải rời rạp để chiếu trực tuyến từ 27/4. Trong quá trình chiếu rạp, phim cũng để lại rất nhiều tranh cãi.

Mai Thu Huyền: 'Kiều' là bộ phim rất đặc biệt giữa hai đợt dịch'

Mai Thu Huyền: 'Kiều' là bộ phim rất đặc biệt giữa hai đợt dịch'

Làm phim vô cùng vất vả và khắc nghiệt nhưng Mai Thu Huyền vẫn lựa chọn. Đạo diễn phim "Kiều", chia sẻ: “Đôi khi tôi tự hỏi vì sao mình chọn việc khó khăn? Và câu trả lời, có lẽ do tôi là một người thích chinh phục thử thách”.

Khẳng định Kiều không phải là phim chuyển thể mà chỉ lấy cảm hứng từ tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du để phóng tác và sáng tạo, nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về tác phẩm Kiều giữa những ý kiến khen chê.

Sốc khi “Kiều” nhận những lời cay nghiệt

* Dành nhiều tâm huyết cho tác phẩm nhưng phim điện ảnh “Kiều” nhận rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gắn mác thảm họa, chị đối diện ra sao với điều này?

- Trong những buổi ra mắt phim Kiều ở TP.HCM và Hà Nội, tôi và ê-kíp thấy vui vì bộ phim mình ấp ủ nhiều năm, trải qua một hành trình vất vả đã ra rạp. Chúng tôi cũng hồi hộp đón chờ sự phản hồi của khán giả. Và chúng tôi nhận những phản hồi tích cực từ những người nghệ sĩ gạo cội, đạo diễn, biên kịch…

Sau 2 buổi ra mắt, chúng tôi nhận những lời vùi dập tơi tả và cảm thấy “sốc”, dù tôi hiểu một tác phẩm nghệ thuật thì sẽ có người đồng cảm, người không. Tôi cũng hiểu rằng, một bộ phim lấy cảm hứng từ Truyện Kiều thì sự mong chờ của khán giả nhiều hơn, sự so sánh là không tránh khỏi.

Ê-kíp không chỉ có tôi mà còn có những tên tuổi gạo cội như NSND Lê Khanh, NSƯT Phi Tiến Sơn, diễn viên - ca sĩ Phương Thanh… Đọc những từ ngữ cay nghiệt, tôi và mọi người thấy bị xúc phạm.

Chú thích ảnh
Mai Thu Huyền là nhà sản xuất - đạo diễn - diễn viên phim “Kiều”

* Làm phim cổ trang, lại chọn một tác phẩm kinh điển là “Truyện Kiều” để lấy cảm hứng, chị có lường trước những phản ứng khán giả?

- Đã quyết định chọn đề tài khó, tôi cũng chuẩn bị tâm lý để đón nhận cả những ý kiến trái chiều. Thế nhưng tôi vẫn sốc khi đọc những ý kiến thái quá về bộ phim. Nếu chỉ nói thích hoặc không, chỉ ra điểm hạn chế này - ưu điểm kia, góp ý xây dựng thì tôi đón nhận, vì ai cũng biết không có gì hoàn hảo cả.

Nhưng khi đọc những từ ngữ quá kinh khủng, tôi có cảm giác bị tổn thương. Tôi làm nghề với thái độ trân trọng, luôn mong muốn mang đến cho khán giả những tác phẩm có giá trị, vừa có tính giải trí vừa có thông điệp ý nghĩa. Tôi cũng cần được trân trọng và ghi nhận điều đó.

Khán giả có thể thích hoặc không thích tác phẩm. Vốn dĩ phim cổ trang cũng hiếm người làm, hoặc phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học cũng không phải là phổ biến, nên tôi nghĩ sự động viên khích lệ rất quan trọng. Sự vùi dập sẽ làm thui chột đam mê của những người nghệ sĩ.

Tôi là người đứng mũi chịu sào nên không thể yếu đuối. Nhưng tôi thấy thương những bạn diễn viên, Cao Thái Hà là một trong số đó. Nếu ai xem phim mà chê Hà đóng dở thì tôi cũng không hiểu nổi. Cao Thái Hà yêu và hết mình vì nhân vật. Bạn ấy làm tốt mà vẫn bị đả kích, tôi thấy thật bất công.

Chú thích ảnh
NSND Lê Khanh vai Hoạn Bà và Cao Thái Hà vai Hoạn Thư phim “Kiều”

“Kiều” không phải là phim chuyển thể

* Về những ý kiến nhận định rằng câu chuyện phim “Kiều” khác biệt lớn so với nguyên tác, kịch bản rời rạc, làm sai tinh thần “Truyện Kiều”… chị lý giải ra sao?

- Tôi luôn nhấn mạnh rằng, Kiều không phải phim chuyển thể. Lấy cảm hứng, phóng tác không có nghĩa là bê nguyên xi, nên mọi người xem phim Kiều hãy tách điều đó ra và cảm nhận theo nội dung phim đang có, tránh sự soi xét là tại sao không có nhân vật này, tại sao lại có nhân vật kia. Ngôn ngữ điện ảnh và văn học khác nhau.

Nhiều người hỏi tôi vì sao không đặt tên khác mà lại đặt là Kiều. Nếu theo nguyên tác tác phẩm gốc của Nguyễn Du thì phải là Đoạn trường tân thanh. Kiều là tên nhân vật chính, đặt tên phim như vậy không có gì sai.

Tôi mong khán giả mở lòng đón nhận tác phẩm điện ảnh là tâm huyết của cả ê-kíp, có sự đầu tư với những thông điệp nhân sinh quan và khát vọng tình yêu, tự do của con người.

Chú thích ảnh
Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy trong vai Thúy Kiều và Thúc Sinh

* Ở tuyến nhân vật chính, diễn xuất của Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy trong vai Thúy Kiều và Thúc Sinh chưa thuyết phục, chị có thấy tiếc nuối về điều đó?

- Đương nhiên với diễn viên trẻ lần đầu đóng phim thì không thể so sánh với những nghệ sĩ gạo cội. Khi chọn người đóng Kiều, tôi gặp áp lực là nữ diễn viên phải đẹp để khán giả tin. Mỗi người thích một vẻ đẹp khác nhau, nhưng tôi tin là 70-80% người xem thừa nhận Mỹ Duyên đẹp.

Hơn nữa, Kiều trong phim ở giai đoạn vừa bán mình chuộc cha, vừa bị đẩy vào lầu xanh, mới 16-17 tuổi, diễn viên cần có vẻ đẹp trong sáng, hồn nhiên, mộc mạc. Nếu đẹp sắc sảo quá thì cũng không đúng nhân vật. Với diễn viên vừa đáp ứng về ngoại hình, vừa đáp ứng được về diễn xuất như các ngôi sao thì cũng hiếm.

Tôi nghĩ nếu không quá khắt khe, nhìn nhận khách quan thì bạn đã diễn tròn trịa. Duyên không có kỹ thuật nhưng cảm xúc tốt, bạn sống trong nhân vật chứ không phải diễn, đó là điều tôi cần. Có lẽ mỗi người có một quan điểm chọn khác nhau, mà nếu cho tôi chọn lại thì tôi vẫn chọn Mỹ Duyên và Anh Huy.

* Chị có thể chia sẻ thêm về dụng ý nhân vật mình đảm nhiệm - Đạm Tiên - một sự phá cách gây tranh cãi của Kiều?

- Kiều áp lực là khán giả đã biết hết nội dung rồi, nếu không có điều gì mới mẻ sáng tạo cho người ta chờ đợi thì sẽ rất nhàm chán.

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, Đạm Tiên là người theo Kiều nhưng vai trò của nhân vật chỉ là hồn ma báo mộng, có sự đồng cảm với Kiều. Khi tôi và tác giả Phi Tiến Sơn quyết định đưa vào là có ý đồ, Đạm Tiên sẽ góp phần làm nổi bật tính cách của Kiều, làm nổi bật thông điệp của phim là nhân định thắng thiên.

Kiều là nhân vật cam chịu, nhất là trong xã hội thời đó, bị phụ thuộc hoàn toàn trong tay Tú Bà, muốn làm gì cũng đều phải chịu. Vào nhà Hoạn Thư cũng vậy, Kiều với thân phận là con ở, cũng không thể nào phản kháng.

Chúng tôi muốn đưa Đạm Tiên vào để khán giả thấy được sự đấu tranh mạnh mẽ trong bản thân Kiều. Cùng thân phận như vậy nhưng nếu Đạm Tiên sống trong sự thù hận, thì Kiều muốn thoát ra khỏi điều đó, muốn sống trong tình yêu, sự tha thứ. Yếu tố ma mị huyền ảo làm tăng tính hấp dẫn của phim.

* Đam mê điện ảnh nhưng con đường đi của chị khá gian nan với những tác phẩm gây tranh cãi như Lạc giới, Giấc mơ Mỹ, Kiều... Chị có nao núng mỗi khi tác phẩm của mình nhận ý­­­ kiến trái chiều và chị có dự định gì sắp tới?

- Khi làm việc gì tôi cũng luôn nghĩ “thất bại là mẹ của thành công”, không thành công thì cũng thành nhân. Bộ phim đang giúp tôi nhận ra được những bài học quý giá.

Tôi nhận được nhiều lời động viên, thậm chí nhiều nghệ sĩ kỳ cựu, NSND, nhà Kiều học, đạo diễn… viết trên Facebook bênh vực Kiều. Nếu phim không bị phản ứng thì chắc không bao giờ họ lên tiếng.

Đã làm nghề mấy chục năm, nếu chỉ vì những lời công kích của vài người mà từ bỏ, nản chí không yêu nghề nữa thì bình thường quá. Tôi thấy mình cần mạnh mẽ hơn bởi còn nhiều người tử tế xung quanh khích lệ mình.

Nếu không ảnh hưởng Covid-19 thì chúng tôi đã phát hành phim tại nước ngoài cùng thời điểm phát hành ở Việt Nam. Vì dịch, kế hoạch phát hành phim ở nước ngoài bị chậm lại, đó cũng là thiệt thòi của phim Kiều.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Trailer phim "Kiều":

Tiểu Phong (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm