Dân ngân hàng vẫn "còng" lưng trả nợ mua nhà, thì lương 10 triệu/tháng khi nào mới tích đủ tiền?

19/02/2023 09:22 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Thời điểm bất động sản đang rơi vào trầm lắng, nhưng giá các căn hộ chung cư vẫn cao. Vậy đi làm lương 10 triệu đợi đến khi nào để mua được nhà?

Giá nhà đất, chung cư vẫn quá cao so với túi tiền của những người có nhu cầu mua nhà để ở. Trọng Hoàng (1992, Hà Nội), từng vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng để mua nhà vào năm 2016. Khi đó, thị trường BĐS phất lên với nhiều dấu hiệu tích cực, nên Hoàng quyết định gom tiền tiết kiệm và vay trả góp ngân hàng căn nhà hơn 2 tỷ đồng. Dù làm trong ngân hàng, sở hữu mức lương cao hơn những ngành nghề khác, Hoàng cho biết bản thân anh cũng rất chật vật trong việc trả nợ. Không phải quá hạn thanh toán, mà vì anh cảm thấy gánh trên vai món nợ 20 năm trời cũng khiến tinh thần rệu rã. Qua đó, Trọng Hoàng cũng có đôi lời nhắn gửi đến những người có dự định mua nhà trả góp trong tương lai.

Sáng suốt hơn trong lựa chọn mua nhà trả góp

Với kinh nghiệm lâu năm làm văn phòng, cùng với việc nghiên cứu qua BĐS, Trọng Hoàng chia sẻ: "Những người có thu nhập 1 tháng vài chục triệu như mình, để chọn được căn nhà 1 tỷ đầy đủ công năng quả thực rất khó. Cũng không thể dành 1 tỷ ấy để mua được miếng đất đẹp ở thời điểm này. 

Dân ngân hàng vẫn "còng" lưng trả nợ mua nhà, thì lương 10 triệu/tháng khi nào mới tích đủ tiền? - Ảnh 1.

Cần đưa ra quyết định sáng suốt hơn trong quá trình mua nhà trả góp. (Ảnh minh họa Pinterest)

Chính vì vậy, năm 2016 mình mới chốt mua căn hộ 2 tỷ đồng, 3 phòng ngủ và 1 phòng khách. Tính toán sử dụng trong lâu dài nên mình mới mua nhà lớn như thế. Giờ nghĩ lại, quyết định vay tiền ngân hàng mua nhà và trả góp trong 20 năm quả thực có đôi chút sai lầm. Lúc đó, mình cũng chỉ nghĩ rằng việc chia món nợ nhỏ ra để giảm áp lực tài chính. Tuy vậy, trải qua vài năm trả nợ ngân hàng, mình bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Dù sau khi nhận lương, trả nợ xong vẫn còn dư dả để tiêu. Nhưng cái cảm giác lúc nào cũng có món nợ chực chờ, khiến bản thân không dám nghỉ việc. Bất cứ quyết định nào liên quan đến tài chính cũng phải nghĩ đến tiền lương, tiền nợ. Tinh thần đôi lúc không tránh được rệu rã, muốn bán luôn nhà. 

Thành thử ra bây giờ, dù mọi người nói rằng BĐS đang "ế", ai muốn mua nhà có thể vay trả góp, tranh thủ lúc giá nhà, giá đất thấp thì mua. Không để thêm thời gian nữa, giá tăng lại lỡ mất cơ hội tốt. Mình nghĩ thầm, hẳn là chỉ ai có tiền nhàn rỗi không làm gì mới nên "hốt". Chứ những người làm công ăn lương tháng, nên suy nghĩ thật kỹ." 

Từ câu chuyện của chính mình, Trọng Hoàng bày tỏ suy nghĩ, rằng ở mức lương cao hơn trung bình của 1 dân ngân hàng, lại nắm rõ về đất đai, lãi suất như thế, mà còn cảm thấy chật vật với chuyện mua nhà. Thì những người khác, giả sử lương tháng 10 triệu, khi nào có đủ tiền mà mua?

Lương tháng 10 triệu, bao giờ mới mua được nhà, đất?

Thời điểm này, nếu như bỏ ra 2 tỷ giống Trọng Hoàng, thì bạn chỉ có thể sở hữu những căn hộ 2 phòng ngủ, diện tích dưới 75m2 ở các thành phố lớn. Chính vì thế, một kế hoạch mua nhà diễn ra hàng chục năm, mới khả thi với những người có thu nhập hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. 

Đầu tiên, hãy để dòng tiền của mình ưu tiên phát triển bản thân. Chỉ có tăng thu nhập, tăng nguồn thu phụ ngoài lương tháng mới có khả năng mua được nhà. Là người làm thuê, nhận lương hàng tháng nếu muốn sở hữu mức lương cao hơn, bắt buộc phải không ngừng học hỏi và nâng cấp bản thân. Rất nhiều ngành nghề mới ra đời, đem đến cơ hội nâng cao thu nhập cho dân văn phòng. Chỉ cần không ngừng nỗ lực phát triển bản thân, cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn hoàn toàn có thể.

Song hành cùng việc tăng thu nhập, là biết chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhiều nhất có thể. Để có thể vay trả góp, bạn phải trả trước tối thiểu 30% giá trị căn nhà (trường hợp không có thể chấp). Vậy nên, tích lũy càng sớm thì cơ hội sở hữu BĐS cho riêng mình càng cao. 

Dân ngân hàng vẫn "còng" lưng trả nợ mua nhà, thì lương 10 triệu/tháng khi nào mới tích đủ tiền? - Ảnh 2.

Hãy lên 1 kế hoạch cụ thể để mua được nhà trong tương lai gần.

Tiếp theo là việc xác định rõ được nhu cầu của bản thân. Trường hợp mua nhà để ở sẽ khác với mua nhà để đầu tư. Nếu mua nhà để ở, bạn chỉ cần chọn được căn nhà phù hợp với tình hình tài chính, nhu cầu và khả năng trả nợ của bản thân. Từ đó lập 1 bảng kế hoạch cụ thể: Tích lũy, vay nợ ngân hàng với lãi suất thế nào, trả góp trong bao nhiêu năm, thu nhập dự tính trong tương lai? Để từ đó, không rơi vào tình trạng ôm món nợ đến tận 20 năm như Trọng Hoàng, tránh rủi ro trong tài chính cá nhân. Còn nếu như mua BĐS để đầu tư, ngoài những yếu tố trên, bạn cũng cần xem xét thêm về các yếu tố như vị trí, chủ đầu tư, khả năng thanh khoản và sinh lời trong tương lai,... Nói chung, việc mua bất kỳ 1 loại hình BĐS nào cũng cần tính toán thật kỹ!

Nguyễn Quỳnh Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm