Đại sứ Du lịch Việt Nam - Đạo diễn Jordan Vogt-Roberts: 'Quả ngọt' từ biểu tượng King Kong

14/03/2017 07:40 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Mỹ Jordan Vogt-Roberts đang hái những “quả ngọt” với bộ phim điện ảnh thứ hai của mình là Kong: Đảo đầu lâu (Kong: Skull Island). Phim đã chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng doanh thu phòng vé Bắc Mỹ cuối tuần qua (đạt 61 triệu USD), còn anh vừa chính thức trở thành Đại sứ Du lịch Việt Nam vào ngày hôm qua, 13/3.

Với vai trò này, Jordan Vogt-Roberts sẽ có mặt ở nhiều nơi trên thế giới để quảng bá phim Kong: Đảo đầu lâu cũng như giới thiệu đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Bước nhảy vào “vương quốc” phim bom tấn

Sau khi học nghề đạo diễn ở Chicago, tung ra một số phim ngắn, Vogt-Roberts làm phim điện ảnh đầu tay, mang tựa đề The Kings Of Summer, và lập tức trở thành “con cưng” của LHP Sundance 2013. Năm tiếp theo, Vogt-Roberts đạo diễn và viết kịch bản 4 tập trong mùa đầu tiên của loạt phim truyền hình hài ăn khách You’re The Worst.

Trước Kong: Skull Island, sự chuyển dịch của Vogt-Roberts là chuyện hầu như không được nghe thấy ở thời điểm đó. Nhưng, từ làm phim độc lập có kinh phí nhỏ, anh bước vào “vương quốc” phim bom tấn, bắt tay với hãng phim lớn Legendary để tung ra “quả bom” này.


Đạo diễn Vogt-Roberts (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn diễn viên trong một cảnh quay phim “Kong: Skull Island”

Trước đó, Colin Trevorrow và Gareth Edwards từng thành công lớn với phim Jurassic WorldGodzilla, còn Josh Trank cũng “làm mưa làm gió” ở phòng vé với Bộ tứ siêu đẳng (Fantastic Four). Nhưng Vogt-Roberts không bận tâm tới sức ép từ những thành công ấy.

“Tôi muốn làm một bộ phim có kinh phí lớn, muốn mọi người xem phim mình làm.Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng trở nên tồi tệ hơn, khi mọi người quan tâm nhiều hơn tới Snapchat và Instagram cùng nhiều thứ khác hơn là việc xem phim - Vogt-Roberts nói với tờ Vulture. “Thực tế này khiến tôi sợ và buồn. Có lẽ tôi chỉ là một con người cổ hủ. Nhưng thực tình là tôi muốn làm gì đó để mọi người thấy rằng phim ảnh vẫn rất thú vị, đồng khiến bọn trẻ muốn trở thành những nhà làm phim”.

Với Kong: Skull Island, đây là lần thứ 4 quái vật King Kong xuất hiện trên màn bạc. Quái vật này xuất hiện lần đầu tiên hồi năm 1933 với bộ phim do Merian C. Cooper và Ernest B. Schoedsack đạo diễn và sản xuất. Trong phim, Fay Wray hóa thân thành người đẹp bị King Kong giết chết.

Năm 1976, King Kong trở lại với bộ phim của John Guillermin, vai chính do Jeff Bridges, Charles Grodin và gương mặt mới Jessica Lange đảm nhiệm. Năm 2005, nhân vật này trở lại với độ dài 187 phút, do nhà làm phim Peter Jackson đạo diễn.

Thấy thú vị khi được “chơi đùa” với King Kong

Nhưng, để có một chân dung King Kong thuyết phục như trong Kong: Skull Island, đạo diễn Vogt-Roberts đã phải bàn thảo nhiều lần với hãng phim Legendary và Warner Bros. Bởi anh tin rằng khán giả sẽ tẩy chay cách làm phim chỉ để “hốt bạc” hoặc tạo dựng nhân vật sơ sài.

Và Vogt-Roberts đã nảy sinh ý tưởng làm phim sau khi nhớ lại chuyện phóng vệ tinh vào không gian trong những năm 1970.

“Ngay sau khi nghĩ tới sự kiện phóng vệ tinh hồi những năm 1970, trong đầu tôi là những hình ảnh của máy bay trực thăng, bom napalm, mặt trời mọc và sự ẩm ướt của rừng già - Vogt-Roberts chia sẻ. “Tôi thấy phấn khích khi nghĩ ra ý tưởng làm phim hòa trộn giữa Apocalypse Now, bộ phim có bối cảnh chiến tranh Việt Nam, với King Kong.”

Đương nhiên, Kong: Skull Island, chịu ảnh hưởng từ những bộ phim Apocalypse Now Platoon (Trung đội) của đạo diễn Oliver Stone. Kong: Skull Island có bối cảnh năm 1973, kể về một nhóm binh lính và nhà khoa học mạo hiểm tới Đảo Đầu lâu, một trong những nơi cuối cùng chưa từng được khám phá trên thế giới. Thực tế, nhóm người này tới đây để tìm kiếm những sinh vật như Kong, tàn dư của một thế giới bị cô lập.

Ngoài 4 bộ phim kể từ 1933 tới nay, King Kong còn xuất hiện trong một số phim liên quan, như Son Of Kong (1933), King Kong Lives (1986) hay King Kong vs. Godzilla, do Nhật Bản sản xuất năm 1962.

Xem Kong: Skull Island, khán giả nhận thấy King Kong được mô tả “người” hơn so với các phim khác khi con khỉ khổng lồ này thể hiện cảm xúc có chiều sâu hơn, và... đi thẳng. Dù King Kong trong phim sản xuất hồi năm 1933 cũng đi bằng hai chân, nhưng Vogt-Roberts muốn quái vật trong phim của mình ít giống... khỉ hơn. Để được như vậy, Vogt-Roberts đã cố gắng “nhúng tay” vào từng khía cạnh làm phim, gồm cả quá trình dàn dựng kỹ xảo điện ảnh.

Vogt-Roberts chia sẻ rằng anh cảm thấy thú vị khi được “chơi đùa” với King Kong như vậy..

“Kong là một phần của lịch sử điện ảnh, là một biểu tượng của văn hóa đại chúng. Tôi cực kỳ yêu nhân vật này. Và tôi thích ý sử dụng một nhân vật mà công chúng vốn yêu quý để giới thiệu điều gì đó mới mẻ trong thế giới, cũng như trong điện ảnh” - Vogt-Roberts chia sẻ. “Thách thức lớn nhất của nhà làm phim là việc khi rời rạp chiếu, khán giả cảm thấy xứng đáng về thời gian đã bỏ ra để xem phim, đồng thời xuýt xoa về những thứ mà chưa từng được thấy trước đó. Với kết quả Kong: Skull Island đạt được, tôi thấy tự hào.

 Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm