Đá bóng, nghề nguy hiểm

07/05/2019 07:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nước mắt Huỳnh Đức rơi khi xua được sức ép toàn hòa và thua với SHB Đà Nẵng ở mùa giải năm nay. Cầu thủ Bến Tre cám cảnh chờ “chơi hay giải tán” đến lời than vãn “phận bạc” của Tấn Trường. Cũng ở Gò Đậu hôm đó, đồng đội của Tấn Trường là Thiện Đức đối đầu với thời khắc sinh tử của nghề nghiệp. Người cứu tuyển thủ U22 Việt Nam khỏi cơn nguy kịch chính là trọng tài Ngô Duy Lân, từng bị chỉ trích khi nhận giải “Còi vàng” 2018. Bóng đá đúng là nghề nguy hiểm.

SHB Đà Nẵng 1-0 Than Quảng Ninh: Thắng trận, SHB Đà Nẵng cởi được nút thắt

SHB Đà Nẵng 1-0 Than Quảng Ninh: Thắng trận, SHB Đà Nẵng cởi được nút thắt

Sau chuỗi trận gây thất vọng trước đó, việc trở về sân nhà Hoà Xuân tiếp đón Than Quảng Ninh là cơ hội tốt để thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức giải tỏa cơn khát điểm.

1. Điều đáng nói là trước khi gạt những giọt lệ ở Hòa Xuân trong ngày 5/5, Huỳnh Đức từng tuyên bố trong phòng họp báo sau trận thắng Sài Gòn Xuân Thành ở Siêu Cúp quốc gia 2012 rằng ông tự hào đã sưu tầm đủ bộ danh hiệu ở tư cách cầu thủ lẫn HLV mà nhiều đồng nghiệp mơ ước.

7 năm, vật đổi sao dời, đồng hành cùng Huỳnh Đức vẫn còn vài cái tên quen thuộc như Đỗ Merlo. Nhưng để có được 3 điểm ở vòng đấu thứ 8, Huỳnh Đức đã phải trải qua vô số cung bậc cảm xúc. Ông tức giận chê bai để khích tướng cậu học trò Hà Đức Chinh, động viên Đỗ Merlo bằng chiếc băng thủ quân để nỗ lực nén đau ra sân cùng đồng đội.

VIDEO: Bàn thắng và Highlights Đà Nẵng 1-0 Quảng Ninh, V League 2019 vòng 8

Và tất cả đã cùng chung lưng đấu cật để SHB Đà Nẵng có thêm một chiến thắng sau giai đoạn toàn hòa tới thua. Không chỉ Huỳnh Đức, trợ lý HLV thủ môn Nguyễn Văn Phụng cũng suy sụp sau chuỗi bết bát của CLB. Khi SHB Đà Nẵng để thua Sài Gòn ở Thống Nhất tuần trước, cựu tuyển thủ quốc gia này cũng buồn rũ rượi không về thăm nhà lẫn người thân ở chính TP.HCM dù đã xa nhà cả năm trời.

Bóng đá không nói hay hoặc nói trước được điều gì, đó là câu cửa miệng của nhiều người làm nghề. HLV Nguyễn Thanh Sơn là một điển hình cho câu nói ưa thích này khi ông quan niệm thắng thua trong bóng đá có đóng góp của hơn 50% là may mắn. Ở Gò Đậu chiều tối 5/5, đội bóng của ông như tuyên bố đã khiến Hà Nội FC toát mồ hôi hột mới cầm nổi 1 điểm ra về. Tuy nhiên, tổn thất quá lớn cho B.Bình Dương của ông khi Thiện Đức phải ra sân theo cách hy hữu nhất.

Điều may mắn cho Thiện Đức hôm đó là trọng tài Ngô Duy Lân đã nhanh chân có mặt ở điểm nóng để cứu tuyển thủ U22 Việt Nam khỏi cảnh hiểm nghèo. Ông Duy Lân được sự trợ giúp của Thành Lương, cầu thủ bị ông rút thẻ đỏ gây nên sự cố ầm ĩ ở Pleiku năm ngoái, để không cho cầu thủ chủ nhà cắn lưỡi trong lúc bị choáng.

Và cũng chính cái tên Ngô Duy Lân dù được dân trong nghề đánh giá cao về chuyên môn cũng bị dư luận chỉ trích khá gay gắt khi trọng tài trẻ người Long An nhận giải “Còi vàng 2018”. Ông Duy Lân sau hành động ở Gò Đậu vừa qua nhận mưa lời khen, âu cũng là chút niềm vui với nghề sau những gạch đá đã hứng chịu trong quá khứ.

2. Không may mắn như trọng tài Duy Lân, người Bình Dương đã đổ sụp xuống sân dù đã dùng đủ mọi cách để giữ 3 điểm ở đất Thủ. Bàn thắng của Thành Chung phút bù giờ áp chót phủ nhận công sức của tập thể chủ nhà.

Nó oan nghiệt hơn khi thêm một lần trong mùa giải này, Tấn Trường lại là tác nhân dẫn đến bàn thua. CĐV đất Thủ nhiếc móc Tấn Trường, và trong cơn giận dữ không thể kiểm soát, thủ thành gốc Đồng Tháp sẵn sàng bất chấp tất cả để nói chuyện phải quấy với những ai chửi bới mình.

Sau vô số sai lầm trong quá khứ, Tấn Trường bị đặt nhiều câu hỏi về sự trung thực với nghề nghiệp. Nhưng rồi, mọi câu hỏi chìm vào quên lãng khi cựu thủ thành ĐTQG vẫn ra sân đều đặn cùng đội bóng chủ quản.

Có thể nhiều người mắng mỏ Tấn Trường do sai lầm ngớ ngẩn, nhưng chưa một ai đủ khả năng đi đến tận cùng nguyên do vì đâu nên nỗi. Ngay sau trận đấu, thủ môn B.Bình Dương được Ban huấn luyện cảm thông và cầu thủ này cũng viết tâm thư đại ý than vãn về cái nghiệp bạc bẽo với anh và đồng đội. Tuy nhiên, ở cái nghề “làm dâu trăm họ”, đặc biệt khi sai lầm như căn bệnh trầm kha đã thành hệ thống, việc Tấn Trường thanh minh khó mà lọt tai ai.

Vòng 8 chứa đầy “hỉ, nộ, ái, ố” nhưng suy cho cùng, V-League luôn rất cần những giọt nước mắt, những giây phút thót tim sống trong sợ hãi hay vỡ òa vì niềm vui hay đổ sụp vì thất bại. Không tính những trận đấu có SLNA hay Thanh Hóa, Gò Đậu sau rất nhiều năm mới chứng kiến một lượng CĐV đông đảo như thế.

Về mặt bằng chung, VPF chắc hẳn cũng “mở cờ trong bụng” khi V-League 2019 vẫn duy trì được sức nóng sau thời gian thăng hoa của bóng đá nước nhà.

Việt Hà

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm