Cựu tuyển thủ Mạnh Dũng: 'Bóng đá Việt Nam trong giai đoạn củng cố nền móng'

03/11/2021 06:18 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Trong hệ thống các trung vệ Việt Nam hơn hai thập niên qua, Nguyễn Mạnh Dũng vẫn là một trong những tên tuổi lớn. Càng có tuổi, anh càng chín chắn và sắc sảo, nhất là về chuyên môn bóng đá.

U23 Việt Nam có bàn thắng tối thiểu, hiệu quả tối đa

U23 Việt Nam có bàn thắng tối thiểu, hiệu quả tối đa

Một bàn thắng là đủ. Chiến lược gia người Hàn Quốc tiếp tục chứng tỏ cho nhiều CĐV Việt Nam thấy sự khác biệt về đẳng cấp của một HLV dày dạn trận mạc khi đưa học trò giành vé dự VCK U23 châu Á 2022.

Đi lên, đi ngang và thụt lùi là chuyện thường trong bóng đá!

* Thể thao & Văn hóa: Đã có nhiều nỗi lo về tính kế thừa cho bóng đá Việt Nam qua “lăng kính” đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay. Anh nhìn nhận thế nào về lứa cầu thủ trẻ đang đá vòng loại U23 châu Á 2022?

- Cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng: Mấy ngày vừa rồi, khi nhìn đội tuyển U23 Việt Nam thi đấu, không ít so sánh về lứa trước, lứa sau của bóng đá trẻ nước nhà. Nào là thế hệ hiện nay không bằng được "dàn sao Thường Châu 2018", không có các nhân tố đặc biệt. Thực tế tôi thấy người hâm mộ nhận xét như vậy cũng đúng thôi. Tuy nhiên, cũng cần chia sẻ thay vì quá khắt khe. Mấu chốt vấn đề phải được nhìn tổng quát trên tất cả các khía cạnh cũng như bối cảnh của mỗi giai đoạn.

4 năm qua, bóng đá nước nhà đã có những thành công nhất định. 4 năm qua vẫn lứa cầu thủ như thế. Vẫn ông Park dìu dắt cả ĐTQG cũng như các tuyến trẻ. Kế hoạch, chuẩn bị, ăn tập, thi đấu cụ thể thế nào vẫn không có gì khác. Chỉ khác biệt, chất lượng cầu thủ hiện nay không bằng, kinh nghiệm còn mỏng.

Phải nói rằng, chiến tích Thường Châu 2018 hội tụ tất cả yếu tố từ chuyên môn, con người, phong độ, tính thời điểm và cả may mắn song hành.

Quay ngược lại ngày đó, những ai lạc quan nhất cũng không nghĩ đội tuyển U23 Việt Nam đi đến trận chung kết. Ông Park đến đúng thời điểm như là cơ duyên. Có trong tay “nguyên liệu” cần thiết để tạo ra được sinh khí cho bóng đá Việt, thành công cho đội U23 quốc gia. Phẩm chất của cầu thủ, năng lực cầm quân, sự cố gắng cao độ là những điều rất đáng ghi nhận đối với đội U23 Việt Nam năm 2018. Cùng với đó, yếu tố may mắn cũng đi cùng. Các đối thủ tại giải đấu có phần chủ quan, vì thế tính bất ngờ mà đội U23 mang lại phát huy hiệu quả.

Câu chuyện của U23 hiện nay nằm ở trình độ. Trình độ chỉ như vậy, không thể đòi hỏi họ chói sáng, dù các em cũng muốn lắm.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, U23 Việt Nam, vòng loại U23 châu Á, Việt Nam vs Nhật Bản, vòng loại thứ ba World Cup, Mỹ Đình, Việt Nam vs Ả rập Xê út
Cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng

Rất may thầy trò ông Park đã hoàn thành chỉ tiêu, dù lọt vào VCK với đối thủ như Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar lẽ ra phải "dễ như ăn kẹo". Tôi cho rằng thực tế này rất cần thiết, để tránh ngộ nhận rằng chúng ta đã trên đỉnh cao Đông Nam Á. Xét cho cùng, thành công dăm năm qua chỉ trong một chu kỳ, giai đoạn cụ thể. Có thể chúng ta từng "đi lên” nhưng sau đây là “đi ngang” hay "đi xuống” cũng rất khó nói trước. Đâu phải chỉ lứa U23 hiện nay phập phù. Đã có nhiều cầu thủ từng đá ở Thường Châu hay giành HCV SEA Games 2019 góp mặt tại VCK U23 châu Á 2020 đấy thôi, kết quả U23 Việt Nam không qua được vòng bảng.

Vậy nên, chuyện đội tuyển U23 hiện nay chơi không sướng, thiếu cảm xúc cũng hết sức bình thường. Quan trọng, sau đây mình nhìn lại toàn bộ hành trình đã có vài năm qua để “nắn” lại mọi thứ để phát triển tích cực.

Cần tuyển chọn tài năng kỹ lưỡng, đào tạo chuyên nghiệp

* Như anh chia sẻ, rõ ràng đã có một “khoảng trống” lực lượng kế cận rất đáng lo. Vậy, chúng ta phải làm gì trong công tác đào tạo trẻ để củng cố, xây dựng tính kế thừa cho bóng đá nước nhà?

- Vài năm qua, công tác đào tạo trẻ của mình vẫn làm tốt chứ không phải không. Thành công đã có cũng dựa trên cái nền đào tạo trẻ từ nhiều học viện, trung tâm, địa phương... Nói chung, tất cả vẫn ý thức rất cao công tác “ươm mầm” bóng đá. Hệ thống các tiêu chí về cơ sở vật chất, HLV, chuyên gia...đã được đáp ứng ở mức tốt nhất trong khả năng.

Tuy vậy, không chỉ bóng đá, những lĩnh vực khác cũng vậy thôi, cốt lõi cho thành công vẫn nằm ở yếu tố con người. Những điều kiện khác đều đáp ứng nhưng con người không có, không giỏi cũng rất khó cho ra sản phẩm ưng ý. HAGL chẳng hạn, sau Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng vẫn chưa đào tạo nên lứa cầu thủ ấn tượng. Các trung tâm PVF, Viettel tuyển sinh quy mô rộng rãi, nhiều tuyến U nhưng cũng không nhào nặn được nhiều cầu thủ chất lượng. Trung tâm PVF hiện đại, tiện nghi như thế, bao nhiêu cựu tuyển thủ quốc gia, cả chuyên gia nước ngoài làm việc miệt mài bao năm qua nhưng rồi cũng không có mấy nhân tố đặc biệt xuất hiện. Thế mới nói, yếu tố con người cực kỳ quan trọng, lại cần yếu tố "trời cho"!

Không chỉ cứ riêng Việt Nam mình đâu, các nền bóng đá mạnh thế giới cũng có những thời điểm khó khăn như thế. Đội tuyển Brazil lẫy lừng bao năm nhưng gần đây không để lại nhiều ấn tượng vì hụt hẫng con người. Bóng đá Thái Lan đang ở chu kỳ thoái trào dai dẳng, chưa thoát ra được.

Hãy nhìn lại Phạm Văn Quyến của những năm về trước. Văn Quyến là minh chứng cho chuyện chúng ta may mắn có được con người đặc biệt. Quyến chơi 10 trận như 1, đều hay, đều xuất sắc. Vậy mới thấy, cầu thủ đặc biệt, xuất phát điểm vẫn nằm ở tố chất sẵn có, năng khiếu của họ trước đã. Thêm vào đó cần tiêu chí về dinh dưỡng, bổ trợ y tế để nâng cao thể hình thể trạng. Bởi thể lực là điều còn thiếu, thua thiệt và hạn chế của cầu thủ Việt Nam.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, U23 Việt Nam, vòng loại U23 châu Á, Việt Nam vs Nhật Bản, vòng loại thứ ba World Cup, Mỹ Đình, Việt Nam vs Ả rập Xê út
U23 Việt Nam còn nhiều thời gian để hoàn thiện cho những mục tiêu lớn năm 2022. Ảnh: VFF

Nói thế để thấy rằng, đào tạo trẻ hẳn nhiên rất quan trọng. Bóng đá Việt Nam thời gian qua đã có những bước đi căn cơ cho công tác ươm mầm. Tuy thế, không phải cứ lấy đầu vào là có đầu ra xuất sắc, cần thêm nhiều thời gian củng cố cái nền móng. Chúng ta vẫn chỉ mới mới có tư duy đào tạo trẻ nghiêm túc. Cần chú ý khâu tuyển chọn đầu vào, tránh bỏ sót tài năng. Rất nhiều nhân tài bóng đá trong cộng đồng. Công tác đào tạo cần chuyên nghiệp, chú trọng dạy văn hóa bên cạnh chuyên môn đá bóng.

Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 quá tầm với bóng đá Việt Nam

* Bóng đá trẻ nước nhà ít nhiều để lại nỗi lo. Vậy ĐTQG với những trận vòng loại thứ 3 World Cup, phải chăng cũng đã chạm ngưỡng, thưa anh?

- Như tôi đã nói, 4 năm qua bóng đá nước nhà đã có thành công. Từ ngôi Á quân U23 châu Á, vô địch AFF Cup 2018 rồi tấm HCV SEA Games 30. Không ai phủ nhận nhưng để nói rằng mình đã thống trị khu vực thì chưa đúng.Với trình độ châu lục, mình cũng đang trên đường tiệm cận mà thôi. Thành công đã có là chu kỳ, là giai đoạn còn vị thế thống trị nó sẽ khác. Vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Bóng đá Việt Nam cần phải duy trì xuyên suốt tính ổn định đã có như vậy mới khiến các quốc gia khu vực “tâm phục, khẩu phục”.

Nói đâu xa, như bóng đá Thái Lan chẳng hạn. Họ cũng có chu kỳ, giai đoạn lên xuống nhưng đẳng cấp của họ không ai chê và luôn được tôn trọng. Đúng là lúc này người Thái đang rối khi chưa tìm được đường ra sáng hơn. Nhưng, tôi cho rằng họ sẽ thoát khỏi khủng hoảng vì họ có nền tảng để xây dựng lại. Trừ những ai ngộ nhận, còn lại tất cả từ đối thủ, truyền thông, người hâm mộ của Đông Nam Á vẫn dành cho bóng Thái Lan sự nể trọng, e dè. Ngay cả bóng đá Việt Nam cũng vậy thôi, không thể nói rằng với thành tích đang có mà mặc định mình đã vượt qua người Thái, hay hơn người Thái. Bóng đá Việt Nam chỉ hơn Thái Lan về thành tích gần đây, hay trong một giải đấu cụ thể nào đó. Ngược lại, nhìn tổng thể mọi góc cạnh, xuyên suốt các lát cắt, mình chưa vượt qua họ. Nên nhớ, bây giờ bóng đá Việt Nam mới đi đến chỗ vòng loại thứ 3 chứ Thái Lan đã 2 lần góp mặt tại vòng đấu này vào năm 2002 và 2018. Thời gian gần đây, mình phát triển để cùng họ như 2 VĐV đang so kè trên đường đua.

Tôi không chờ đợi gì ở những trận còn lại của vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Điều tôi quan tâm, ĐTQG sẽ thể hiện, chứng tỏ mình ra sao tại AFF Cup vào tháng 12 năm nay. Sân chơi AFF Cup mới là chỗ để khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam với các quốc gia trong khu vực.

* Xin được cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Trần Tuấn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm