Có thể bạn chưa biết: 'Di chứng' của chiến tranh nha phiến

18/09/2022 19:10 GMT+7 | Văn hoá

Khi Elizabeth II qua đời, người ta chợt sực nhớ ra rằng tàn dư lộng lẫy vàng son của thể chế quân chủ hay phong kiến này không hề có thực quyền chính trị từ lâu rồi. Bất kể tân vương Charles của Khối thịnh vượng chung hay vua Hassanal Bolkiah ở Brunei hay Mohammed VI của Maroc hay nữ hoàng Hà Lan Beatrix - tất cả họ chỉ là nét điểm xuyết long lanh trong bức tranh quyền lực.

Có thể bạn chưa biết: Từ 'con rùa' đến 'thuyền bọc sắt trên bộ'

Có thể bạn chưa biết: Từ 'con rùa' đến 'thuyền bọc sắt trên bộ'

Chiến tranh có lẽ là hiện tượng không thể tách rời xã hội loài người? Bởi dường như chưa có ngày nào trên thế giới không xảy ra xung đột.

Tuy nhiên, không phải mọi thứ từ quá khứ đều biến mất tăm, hay thậm chí được hào phóng tha thứ và lãng quên. Một ví dụ điển hình là hai cuộc Chiến tranh Nha phiến ở Trung Quốc.

Thua trên sân nhà

Lịch sử thế kỷ 19 ghi lại hai cuộc xung đột lớn giữa Trung Quốc và Anh, cả hai đều kết thúc với thất bại của nhà nước đông dân châu Á và để lại di chứng đến hôm nay. Đó là hai cuộc Chiến tranh Nha phiến thứ nhất (1840-1843) và thứ hai (1856-1860).

Dưới thời Mãn Thanh, tệ nạn thuốc phiện bị cấm đoán gắt gao. Triều đình triệt phá các đường dây buôn bán thuốc phiện và bắt giam hay chặt đầu kẻ vi phạm. Những biện pháp đó gián tiếp xói mòn vị thế thượng phong trong buôn bán của người Anh và do đó biến người Anh thành lực lượng đối lập. Với trang bị kém cỏi, dễ đoán là quân nhà Mãn Thanh đại bại, và buộc phải cắn răng nhượng cho các cường quốc phương Tây nhiều đặc quyền thương mại trên sân nhà, kể cả quyền buôn bán nha phiến.

Chú thích ảnh
Nạn nghiện thuốc phiện tàn phá đất nước Trung Quốc và làm giàu cho Anh

Cuộc chiến nha phiến thứ hai còn đem lại hậu quả tàn khốc hơn cho Trung Quốc, bởi lúc này Anh có thêm hậu thuẫn từ Hoa Kỳ, Pháp và Nga. Giờ thì bên thắng trận toàn quyền tung tác, chở thẳng thuốc phiện từ Ấn Độ (lúc đó thuộc Anh) sang Trung Quốc. Tổ tiên của Elizabeth II thực ra không làm gì khác với bản chất của chính quyền thực dân là khai thác thuộc địa tối đa. Việc cố Nữ hoàng Anh sau này ủng hộ Pháp cai trị Việt Nam cũng chỉ mang tính tượng trưng, vì bà đâu có quyền gì.

Triều đình Mãn Thanh bị ép ký các thỏa thuận có lợi cho ngoại bang, phải để họ sử dụng các thương cảng chính. Anh chiếm Hương Cảng như một nhượng địa hơn 150 năm. Từ đó thời đại phong kiến Mãn Thanh trượt dốc cho đến khi biến mất hẳn khỏi chính trường sau Cách mạng Tân Hợi 1911. Đối với người Trung Quốc, đây là một trang sử khó khép lại.

Kẻ cướp đồng lòng

Mọi chuyện bắt đầu với một lá cờ và chấm dứt với sự hủy hoại của vườn Viên Minh, lâu đài mùa Hè của hoàng đế Trung Hoa. Hồi 1861, tác giả Những người khốn khổ Victor Hugo thuật lại trong một tiểu luận của mình: “Một giấc mơ bằng cẩm thạch, ngọc châu, đồng và sứ đã biến mất. Một ngày xấu trời, hai kẻ cướp đã xâm nhập vào Cung điện mùa Hè. Một tên cướp đồ, tên kia châm lửa”.

Hai “tên cướp” mà văn hào Hugo gọi tên ở đây là hai đơn vị thám hiểm gồm 700 người Pháp dưới sự chỉ huy của nam tước Cros cùng 11.000 người Anh do huân tước Elgin cầm đầu. Vô số hiện vật và tác phẩm nghệ thuật hôm nay ở các viện bảo tàng Anh có xuất xứ từ vụ cướp bóc này, có lẽ tình hình cũng không khác mấy với các cổ vật Việt Nam hôm nay còn nằm trong tay Pháp.

Chú thích ảnh
Vườn Viên Minh - “Cung điện mùa Hè” của Hoàng đế Trung Quốc tan hoang

Khác với Việt Nam sau này, Trung Quốc không bị biến thành một thuộc địa, vì trong nội bộ các ông chủ tiềm năng có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên các ông chủ ấy lại rất nhất trí trong việc nắm giữ nhiều ưu đãi và đặc quyền. Bọn cướp đốt Cung điện mùa Hè hồi 1860 chỉ để hạ nhục hoàng đế Trung Hoa và đánh dấu chương cuối của Chiến tranh Nha phiến thứ hai, mặc dù trên thực tế nhà Thanh còn tồn tại lay lắt nửa thế kỷ nữa.

Cũng thú vị khi biết sự kiện châm ngòi cho Chiến tranh Nha phiến thứ hai không đáng gọi là sự kiện: Năm 1856, cảnh sát Quảng Châu chặn con tàu nhỏ Arrow có chủ là người Trung Quốc và bắt giam toàn bộ thủy thủ hay đúng hơn là cướp biển. Họ buộc tội đám cướp này treo cờ Anh để lừa đảo nên tịch thu lá cờ. Người Anh khoái trá lấy luôn sự vụ đó làm cớ để gây hấn.

Tình cờ cũng trong thời gian đó, một nhà truyền đạo Kitô bị bắt và xử tử, và hoàng đế Pháp Napoleon đệ tam mừng rỡ tận dụng dịp này để đánh bóng tên tuổi trên sân khấu đối ngoại. Hai kẻ cướp này đã có cớ ra tay để bảo vệ “danh dự” của mình.

Triều Mãn Thanh không chia sẻ góc nhìn đó và không chịu hạ mình xin lỗi. Được Hoa Kỳ ủng hộ, Anh và Pháp quyết dùng sức mạnh quân sự để ép Trung Quốc mở cửa hơn những gì họ đã giành giật được theo Hiệp ước Nam Kinh sau Chiến tranh Nha phiến thứ nhất. Được tự do tiếp cận 5 thương cảng lớn, đi kèm mức thuế thuận lợi và nhượng địa Hương Cảng màu mỡ, về nguyên tắc Anh và Pháp đã biến Trung Quốc thành một dạng thuộc địa.

Người Anh liền tìm cách hợp pháp hóa việc buôn bán nha phiến, vì họ chẳng có gì để đáp lại lượng hàng khổng lồ từ Trung Quốc gồm tơ lụa, trà, gia vị và đồ sứ. Tàu bè Anh nay thả neo ở các cảng miền Nam, chuyển thuốc phiện sang các thuyền nhỏ có vũ trang để cập bờ, sau đó phân phối bởi mafia Tam Hoàng. Theo ước tính, cuối thập niên 1830 mỗi năm có khoảng 35.000 thùng (mỗi thùng tương đương 63 đến 72 cân) được chuyển vào bờ, gây thiệt hại lớn cho cán cân thương mại với Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Sự kiện bắt tàu Arrow được Anh lợi dụng để gây chiến

Hậu quả là giá cả tăng lên đáng kể, dẫn đến nhiều cuộc nổi loạn - đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người ở các tỉnh miền Nam từ năm 1850 đến năm 1864. Thập niên 1870 đánh dấu đỉnh cao với 87.000 thùng hàng, tức gần 5.400 tấn thuốc phiện, mà người châu Âu bán được nhờ tự do hóa thương mại và miễn trừ luật pháp Trung Quốc. Trong Hiệp ướcThiên Tân 1858, Trung Quốc tiếp tục phải nhượng bộ nhiều hơn nữa trước nước ngoài.

Khác với Nhật Bản là quốc gia từ 1868 trở đi khởi sự Cải cách Minh Trị để bắt kịp công nghệ phương Tây và trong vòng vài năm trở thành cường quốc châu Á, Trung Quốc quá tự phụ với truyền thống rực rỡ của mình để nghĩ đến hiện đại hóa. Đất nước này không có một hạm đội đáng kể để chống lại hải quân Anh và Pháp, rốt cuộc họ bỏ rơi vùng duyên hải và Quảng Châu vào tay ngoại bang - từ đây bắt đầu thời kỳ mà người châu Âu được tự do nhập cảnh, đạo Kitô tự do lan tỏa,

Chưa hết, người Trung Quốc còn phải ký Hiệp ước Bắc Kinh ngày 18/10/1860, chịu mất kha khá lãnh thổ và quyền tự chủ. Nga, dù không tham chiến, nhưng rảnh tay chiếm luôn Ngoại Mãn Châu (bây giờ là Ngoại Đông Bắc) và khu vực phía Đông sông Ussuri. Với sự thành lập Vladivostok 1860, Sa hoàng Alexander đạt được nguyện vọng “mở cõi” của mình.

Quá khứ ám ảnh

Người Trung Quốc không quên những sự sỉ nhục ấy. Điều này có thể thấy rõ, lấy ví dụ, qua hai cái đầu bị cướp đi ở vườn Viên Minh. Đầu của một con chuột (Tí) và một con thỏ (tương đương với Mão của ta), hai trong số mười hai con giáp của Trung Quốc, được nặn thành tượng dựng cùng đồng hồ nước trước đài phun nước của cung điện châu Âu.

Chú thích ảnh
Đầu chuột và đầu thỏ do người Pháp cướp của Trung Quốc

Khi các tác phẩm điêu khắc được bán đấu giá vào tháng 2 năm 2009 cùng nhiều tài sản thừa kế của Yves Saint Laurent ở Paris, Cai Mingchao, người quản lý một nhà đấu giá và thương mại ở Hạ Môn đã ra giá 31,4 triệu euro để vượt mặt các đối thủ. Tuy nhiên, ngay sau nhát búa quyết định, ông ta nói ngay rằng sẽ không mua nữa. Điều quan trọng đối với ông là nhắc cho mọi người về sự bất công đã gây ra cho Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh Nha phiến!

Kể lại mấy giai thoại trên chỉ để làm gạch nối với triều đại Elizabeth II, mặc dù các vua chúa thời hiện đại thường chẳng có quyền đưa ra quyết định chính trị nào, mà chỉ là đại diện hào nhoáng cho một số ít thần dân còn bảo hoàng hơn vua.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm