Chuyện vỉa hè: Vỉa hè đích thực

08/02/2015 09:00 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Ban đầu khi tôi viết chuyện vỉa hè, tôi hình dung ra quán chè chén 5 xu với một bà chủ quán hay chuyện và những ông khách thích thổ lộ. Lâu nay, cơ chế lan truyền tin tức là thế, người nọ rỉ tai người kia những chuyện mình nghe được, thấy được, trên đường phố hay trên ti-vi… Người ta nói với nhau đủ thứ. Vỉa hè luôn là nơi nhiều chuyện, rất nhiều chuyện…

Tuy nhiên đấy là một cơ chế cũ mèm. Vỉa hè muôn đời vẫn thế thôi, nhưng tin tức vỉa hè giờ đây thật sự không giá trị. Cái câu “Thông tấn xã vỉa hè” chỉ đúng ở thời kỳ trước. Tin tức vẫn từ nơi nào đó đến những người nhàn rảnh, hoặc trong lúc nhàn rảnh, nhấp một ngụm nước nhạt và hồn nhiên bàn luận sự kiện. Họ về cơ bản là những người lao động chân tay, mưu sinh hè phố. Những câu chuyện vỉa hè đại loại là thế, nông cạn và hàm lượng tin tức chẳng bao nhiêu. Đúng là trên vỉa hè, người ta vẫn tiếp nhận cũng như phổ biến mọi loại tin đồn, từ cái răng sâu của ai đó trong phố đến việc sắp xếp nhân sự cho lãnh đạo cấp cao, vẫn hóng hớt luận bàn, vẫn tự tin nhận định.

Tuy nhiên, quán nước vỉa hè trở nên xưa cũ từ khi chúng ta có cái gọi là mạng. Tin đồn vỉa hè nếu xét về số lượng thì ít ỏi vô cùng nếu so với tin đồn trong thời đại công nghệ thông tin, như là một so với thì vô vàn, và từ trên mạng xã hội, tin đồn có thể tạo ra những điều kinh khủng, lan truyền với tốc độ kinh khủng và gây ra những thiệt hại kinh khủng, đến mức không lường. Không phải một đồn mười, mười đồn trăm như các cụ thường nói nữa. Mọi tin đồn đều nhân rộng với cấp số nhân là lan truyền trong nháy mắt, từ khi người ta biết thế nào là mạng xã hội.


Ảnh chỉ có tính minh họa

Người ta có đủ loại tin đồn, hẳn thế, cho bất cứ ai muốn nghe bất cứ điều gì. Angela Phương Trinh có thật là bồ của bác sĩ đại gia không? Hồ Ngọc Hà bỏ Cường “đô-la” hình như vì một cô người mẫu… Bà A giàu lên là nhờ tiền của ông B. Ngôi sao này đồng tính hoặc tên tuổi kia nợ nần... “Các mẹ ơi, các mẹ đã biết chưa?” - trong năm vừa rồi, câu này xứng đáng trở thành mẫu câu phổ biến cho những người thích loan tin, nó đặc biệt vỉa hè (cũng may, trong vụ tung tin đồn về việc Việt Nam có dịch Ebola này, các cơ quan chức năng đã phản ứng rất nhanh và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng “dập” tin đồn chỉ trong vòng chưa đầy nửa ngày).

Nhưng chẳng phải mọi trường hợp tin đồn đều được xử lý kịp thời như vậy. Có những hoang tin gây thiệt hại hàng tỷ đồng, không chỉ thiệt hại về tiền mà còn làm vô khối người khốn đốn. Chẳng hạn cuối năm 2014, 70 container chè của các doanh nghiệp Lâm Đồng tắc lại ở cửa khẩu vì một hoang tin. Thông tin “chè nhiễm đi-ô-xin” vì trồng trên vùng đất nhiễm đi-ô-xin không có một cơ sở khoa học nào, bỗng nhiên trở thành đề tài báo chí, được nhiều cơ quan thông tấn của vùng lãnh thổ này đăng tải lại. Cũng may được cải chính sớm nên doanh nghiệp, và người nông dân bớt  điêu đứng.

Kể từ ngày có thứ như vỉa hè để tin đồn tồn tại, chưa bao giờ thông tin có sức mạnh như thời điểm hiện nay: Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đang khiến tốc độ lan truyền thông tin nhanh như điện. Một đồn vạn, vạn đồn triệu và hơn thế chỉ trong nháy mắt. Đồn thổi thế, rồi hầu như chẳng ai phải chịu trách nhiệm về việc tung tin đầu tiên. Có vẻ như là lần đầu, người tung tin về dịch Ebola chịu phạt 20 triệu.Còn những hoang tin gây thiệt hại về kinh tế thì chẳng biết tính thế nào mà phạt. Chỉ là chuyện nghe có vẻ nhỏ, nước dùng hủ tiếu gõ nấu bằng thịt chuột trong Sài Gòn hay bí quyết khiến chả cá Lã Vọng thơm ngon là nhờ mỡ chó. Chỉ người trong cuộc điêu đứng. Người đưa tin có bị phạt mấy triệu thật ra không thấm tháp gì.

Ngồi lê đôi mách hẳn hoi là căn bệnh thời đại. Các anh hùng bàn phím ngày càng đông và việc gây phát sinh tin đồn là việc hàng ngày của vô vàn người rảnh. Thậm chí tin đồn có khi “dắt mũi” cả một số tờ báo... Nhiều người nhận ra rằng không thể ngăn chặn phát sinh tin đồn, nếu như không có cơ chế xử phạt thích đáng. Nhưng việc tạo ra cơ chế này quá khó…

Quay lại với quán nước vỉa hè nhỏ bé, những tin đồn được đánh giá trong diện hẹp và hẳn hoi không ác ý, thế có lẽ tốt hơn, nếu một khi người ta không thể sống mà thiếu tin đồn. Vỉa hè đích thực bây giờ không trên phố mà trên mạng, một vỉa hè khổng lồ tràn ngập rác rưởi không có nhân viên vệ sinh nào dọn nổi. Người ta ghé vào vỉa hè ảo ấy một lần, buôn vài chuyện, quay lại có khi thấy chuyện của mình đã trở nên to tát từ lúc nào. Có những lợi ích trên mạng xã hội nếu người ta thiện tâm, còn để buôn chuyện với ác ý, ngày nào cũng có ai đó thành con mồi để những tin đồn nghiền nát…

Vỉa hè đích thực ấy có lẽ chẳng ai quản nổi

Thật đấy các mẹ ạ!.

Các mẹ ơi các mẹ đã biết chưa? MẫU CÂU PHổ BIếN TRONG NĂM 2014 TRÊN CÁC MạNG THÔNG TIN VỉA HÈ.

Hà Phạm
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm