Chuyện chưa kể về Hát múa Ải Lao (kỳ 2): Người thầm lặng bảo vệ điệu múa, câu hát

27/11/2022 19:15 GMT+7 | Văn hoá

Để nghệ thuật hát múa Ải Lao được bảo tồn khá nguyên vẹn như ngày hôm nay có sự đóng góp rất to lớn thật lặng thầm của cụ Nguyễn Văn Lũy. Với những cống hiến suốt cả một đời, vậy mà đến nay, cụ vẫn chưa đón nhận được bất kì danh hiệu cao quý nào.

Trong giai đoạn chiến tranh, nhiều di tích không tránh khỏi việc bịmai một, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, sinh hoạt tín ngưỡng không còn được duy trì… Hát múa Ải Lao cũng chung số phận như vậy. Trong quãng thời gian ấy, người ta khó có thể được nghe thấy tiếng "tùng tùng choạc, tùng tùng choạc" vang lên vào mỗi dịp tháng Tư âm lịch.

Ghi chép và truyền thụ

Để nghệ thuật hát múa Ải Lao có thể tồn tại cho đến ngày hôm nay có công lao của người nghệ nhân năm nay đã 101 tuổi - cụ Nguyễn Văn Lũy, hiện cư trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Không chỉ gìn giữ di sản này, cụ còn đứng ra tổ chức truyền thụ lại cho các nghệ nhân khác ở địa phương - những người giờ cũng đều đã 70, 80 tuổi.

Cụ kể, từ năm 19 tuổi, tham dự vào giáp, cũng là lúc cụ bước chân vào phường múa hát Ải Lao. Cuối tháng Ba hằng năm, lần lượt trong bốn giáp Đông, Đoài, Nam, Bắc, cứ tới lượt giáp nào thì ông đình cả, đình nhì (những người đứng đầu trong một giáp) có nhiệm vụ tập trung trai đinh trong giáp vào các buổi chiều tới học hát, học múa, luyện tập biểu diễn cho thật nhuần nhuyễn, ít cũng phải khoảng chục hôm trước ngày làm hội.

Chuyện chưa kể về Hát múa Ải Lao (kỳ 2): Người thầm lặng bảo vệ điệu múa, câu hát - Ảnh 1.

Cụ Nguyễn Văn Lũy chia sẻ về hát múa Ải Lao. Ảnh: Thảo My

Ngày ấy, việc lưu giữ và truyền dạy các bài hát đều bằng hình thức truyền khẩu, đơn giản là người đi trước dạy lớp trai làng thế hệ sau, chứ nào đã có ai chép lại.

Trong bối cảnh đó,cha của cụ Nguyễn Văn Lũy là người đặt nền móng cho việc "văn bản hóa" một nét di sản truyền khẩu. Và cho tới cụ, khi mới tham gia vào phường hát, đã sớm có ý thức kế tục việc làm của cha mình bằng việc ghi chép lại những bài hát được diễn xướng trong hội, để lưu lại cho thế hệ mai sau.

Trong suốt nhiều năm qua, cụ đã từng tham dự nhiều hội hè, nhưng ít có lễ hội nào để lại nhiều ấn tượng sâu đậm với cụ bằng Hội Gióng trên chính mảnh đất quê hương mình. Hội Gióng với cụ đặc sắc cả về quy mô, sự bài bản trong khâu tổ chức, các nghi thức tế lễ, lẫn hình thức diễn xướng.

Chưa hết, trong khoảng 8.000 lễ hội trên khắp cả nước, Hội Gióng của đền Phù Đổng được xem là hội trận, gợi lại trang sử vàng về chiến thắng vẻ vang dưới thời kì Hùng Vương của Phù Đổng Thiên Vương, qua đó đánh thức trong lòng mỗi người tinh thần yêu nước, đấu tranh vì nền độc lập, vì chủ quyền.

 Điểm đặc biệt này đã tiếp thêm cho cụ tình yêu và niềm tự hào to lớn đối với di sản này. Đồng thời đó cũng chính là động lực để cụ toàn tâm ghi lại những bài hát được diễn xướng trong Hội Gióng quê hương mình.

Từ năm 1981, Hội Gióng được phục dựng và tổ chức trở lại. Nghệ thuật múa và hát ấy đã được "tái sinh" trên nền tảng những tư liệu chép tay của cụ Lũy. Cụ đã lập ra phường múa hát Ải Lao cố định thay cho hình thức lập phường hát theo giáp như xưa, sau đó chiêu mộ được hơn 20 người tới theo học, trong đó có ông Nguyễn Trọng Hinh.

Chuyện chưa kể về Hát múa Ải Lao (kỳ 2): Người thầm lặng bảo vệ điệu múa, câu hát - Ảnh 2.

Cụ Nguyễn Văn Lũy (trái) và ông Nguyễn Trọng Hinh -Trưởng phường hát múa Ải Lao .Ảnh: Thảo My

Tất cả học trò của cụ đều đến học trên tinh thần tự nguyện và vì tình yêu dành cho nét đẹp truyền thống của quê hương. Bên cạnh những bài hát, cụ còn chép lại một cách rất cẩn thận, tỉ mỉcác bài văn tếvà dạy lại cho những "truyền nhân".

Đối với cụ Lũy, cuốn sổ ghi chép lại các bài hát cổ, các bài văn tế trong Hội Gióng là một thứ "gia bảo", vật bất li thân, và không thể tùy tiện cho người khác xem. Nếu ai say mê với loại hình nghệ thuật này thì có thể tới chỗ cụ để theo học, cụ sẽ chỉ bảo cho, chứ cụ tuyệt đốikhông để lộ ra ngoài. Chính nhờ những ghi chép mà cụ đã rày công thực hiện trong suốt thời gian đi hát múa, phục vụ hội thì ngày hôm nay ta mới có cơ hội để được nhìn thấy dáng vẻ của một loại hình nghệ thuật tưởng như bị thất truyền. 

Với những đóng góp hàng mấy thập kỉ cho loại hình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia như vậy, tiếc rằng cho đến nay, cụ Nguyễn Văn Lũy vẫn chưa được đón nhận bất kì danh hiệu cao quý nào.

Chuyện chưa kể về Hát múa Ải Lao (kỳ 2): Người thầm lặng bảo vệ điệu múa, câu hát - Ảnh 3.

Hát múa Ải Lao. Ảnh: Tư liệu

Cần tôn vinh nghệ nhân

PGS-TS Nguyễn Văn Huy "hữu duyên" với phường hát múa Ải Lao khi Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam có dự án điều tra về văn hóa phi vật thể của Hà Nội. Sau những lần về dự Hội Gióng, ông đã biết được câu chuyện của cụ Lũy và những kì tích làm sống dậy một loại hình di sản gắn với lễ hội đại diện cho nhân loại của cụ. Nên ông và TS Phạm Kim Ngân, cùng với sự giúp đỡ của ông Nguyễn Trọng Hinh -Trưởng phường hát múa Ải Lao đang nỗ lực hết sức trong việc hoàn thiện hồ sơ để trình lên Hội Văn nghệ Dân gian đề nghị phong tặng cho cụ Nguyễn Văn Lũy danh hiệu Nghệ nhân dân gian trong thời gian sớm nhất, tiếp sau đó là tới danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do Nhà nước phong tặng.

Theo chia sẻ của PGS-TS Nguyễn Văn Huy, những cống hiến của cụ Lũy đối với nghệ thuật hát múa Ải Lao là vô cùng to lớn. Chính cụ là người có công phục dựng lại nghệ thuật múa hát Ải Lao sau một quãng thời gian bị tạm ngưng và tưởng như đã chìm vào quên lãng. Không những vậy, cụ còn là người tập hợp lại những người đàn ông trong làng và tổ chức truyền dạy. Nếu không có cụ Nguyễn Văn Lũy, liệu rằng ngày 16/9/2016, Thành phố Hà Nội có thêm một loại hình nghệ thuật được ghi danh trên "bảng vàng" di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không? Hơn nữa, một "cây cao bóng cả" như cụ Lũy được phong tặng danh hiệu, đó cũng là nguồn động viên to lớn đối với những thế hệ truyền nhân đã, đang và sẽ kế thừa công việc bảo tồn và phát huy di sản này.

Cụ Lũy năm nay đã ngoài 100 tuổi, cái tuổi "xưa nay hiếm", hiện giờ cụ vẫn còn sức khỏe, vẫn có thể kể ta nghe những câu chuyện về phường hát Ải Lao. Nếu công tác xét duyệt và phong tặng không được đẩy nhanh tiến độ, liệu rằng tới lúc ấy, ta còn cơ hội để được gặp cụ nữa không?

(Còn nữa)

Nguyễn Phúc Nam Dương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm