Chứng khoán Mỹ khép lại năm 2022 với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008

31/12/2022 12:03 GMT+7 | Bạn cần biết

Chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối cùng của năm 2022 giảm điểm, khép lại năm qua với mức giảm kỷ lục do chính sách tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, những lo ngại về suy thoái, xung đột giữa Nga và Ukraine và sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc.

Chốt phiên 30/12, chỉ số Dow Jones giảm 73.55 điểm, hay 0,22%, xuống 33.147,25 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 9,78 điểm, hay 0,25%, xuống 3.839,5 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 11,61 điểm, hay 0,11%, xuống 10.466,48 điểm.

Trong phiên 29/12, các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi, sau các phiên giao dịch ảm đạm trong tuần. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 1,1% lên 33.220,80 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,8% lên 3.849,28 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,6% lên 10.478,09 điểm.

Thị trường đi xuống trong phiên 28/12, giữa bối cảnh lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khi giới đầu tư hướng về năm 2023 với sự thận trọng và hy vọng dè dặt về sự thúc đẩy kinh tế từ việc Trung Quốc nới lỏng các hạn chế COVID-19 trước những lo ngại về sự gia tăng số ca nhiễm mới tại nước này. 

Chứng khoán Mỹ khép lại năm 2022 với mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008 - Ảnh 1.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 365,85 điểm (1,1%), lên 32.875,71 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 46,03 điểm (1,2%), xuống 3.783,22 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 139,94 điểm (1,35%), xuống 10.213,29, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Hầu hết các chỉ số đều giảm điểm trong phiên 27/12 do đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có khả năng tiếp tục tăng lãi suất vào năm 2023. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống 10.353,23 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,4% xuống 3.829,25 điểm, trong khi chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 33.241,56 điểm.

Cả ba chỉ số chính trên phố Wall đều giảm năm đầu tiên kể từ năm 2018, khi chính sách tiền tệ nới lỏng kết thúc, với việc Fed tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất kể từ những năm 1980.

Chỉ số S&P 500 giảm 19,4% trong năm nay, khi giá trị thị trường mất gần 8.000 tỷ USD, chỉ số Nasdaq Composite giảm 33,1%, trong khi chỉ số Dow Jones giảm 8,9%.

Mức giảm tính theo phần trăm của cả ba chỉ số là mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chủ yếu do giá các cổ phiếu tăng trưởng giảm mạnh, trước lo ngại Fed tăng mạnh lãi suất sẽ khiến lợi suất trái phiếu của Mỹ tăng.

Mối quan tâm của các nhà đầu tư trong năm 2023 hướng đến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp, với lo ngại gia tăng về nguy cơ suy thoái.

Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy sự ổn định của kinh tế Mỹ đưa đến khả năng lãi suất vẫn tiếp tục tăng, dù sức ép lạm phát giảm có thể cho phép Fed tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn.

Lê Minh/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm