Chữ và nghĩa: Nổi máu tam bành

04/05/2022 06:37 GMT+7

Các bạn đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, hẳn không quên mấy câu thơ: “Mụ nghe nàng nói hay tình/ Bây giờ mới nổi tam bành mụ lên”.

Chữ và nghĩa: Anh em chém nhau đằng dọng…

Chữ và nghĩa: Anh em chém nhau đằng dọng…

Dạng đầy đủ của câu tục ngữ này là “Anh em chém nhau đằng dọng, chẳng ai chém nhau đằng lưỡi”. Đọc lên ta hình dung ra một sự tình thật dễ sợ. Anh em trong một nhà nào đó mà tự nhiên mang dao, mang rựa ra để chém nhau. Sao lại có thể như thế được?

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Không quên, vì hai câu này mô tả thái độ giận dữ bất thường của Tú Bà khi lần đầu giáp mặt nàng Kiều, ngỡ ngàng về những lời Kiều giãi bày và nhận ra sự tình tráo trở do Mã Giám Sinh tạo ra.

Cũng bởi Tú Bà vốn là mụ chủ nhà chứa (một nghề kinh doanh thân xác phụ nữ). Mụ với Mã Giám Sinh “Chung lưng mở một ngôi hàng/ Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”. Qua manh mối, biết Kiều quyết chí “bán mình chuộc cha”, Mã Giám Sinh “kẻ đại diện” đã đến thương lượng, mặc cả và mua được một “tuyệt thế giai nhân” để có “vốn” làm ăn. Nhưng tay lái buôn họ Mã giở trò ma giáo, khi ở nơi xa đất khách đã giả bộ là người lấy Kiều làm vợ để ăn nằm với nàng và sau đó, định “lập lờ đánh lận” qua mặt Tú Bà. Ai dè, những lời bộc bạch hồn nhiên của Kiều đã vạch mặt âm mưu xảo trá đó. Kết cục là Tú Bà nổi giận đùng đùng mắng nhiếc cả Kiều lẫn Mã Giám Sinh thậm tệ.

Chuyện đời là thế, ai đọc cũng hiểu. Nhưng có thể có người chưa hiểu là chữ “tam bành” trong “nổi tam bành”, “nổi máu tam bành”, “nổi cơn/trận tam bành” xuất xứ từ đâu?

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Đây là từ Hán-Việt. “Tam” là ba, “bành” chỉ một vị thần. Bửu Kế - Vĩnh Cao (trong Tầm nguyên từ điển, NXB Thuận Hóa, 2002) giải thích “tam bành” là: “Theo sách Phật thì trong mỗi người chúng ta có 3 vị thần: Bành Kiều, Bành Cứ, Bành Chất, xúi giục chúng ta làm điều xằng bậy, rồi cứ đến ngày Canh Thân lại lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế”. Trong Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1974); Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) thì tên của 3 vị thần này là Bành Cư, Bành Kiêu, Bành Chất. Hơi khác một chút về tên gọi, song các sách đều thống nhất trong quan niệm, cho ba vị trên là ba “hung thần”, “trấn yểm ở ba nơi sâu kín nhất của con người là đầu, bụng, tim” và “chuyên xúi người ta làm điều hiểm ác”.

“Máu tam bành” nổi lên là do ba hung thần xúi giục nên nó vô cùng khủng khiếp. Có lẽ chính từ sự tích đó mà “tam bành” là một từ dùng để chỉ cơn giận bột phát, rất ghê gớm của ai đó trước một tình thế bất thường mà hậu quả của nó thật khó lường. (Ở tình huống vừa nói trong Truyện Kiều, ngỡ ngàng trước sự đời oan trái và gian trá, quá tủi cực với lời nhục mạ của Tú Bà, Thúy Kiều trong cơn uất nghẹn đã rút dao mang sẵn định quyên sinh. May mà mọi người can ngăn mà không xảy ra bi kịch lớn - nếu không thì Truyện Kiều hết chứ còn đâu).

Có điều lạ là chuyện “nổi máu tam bành” kia lại là “đặc sản” chuyên dùng để chỉ hành động bột phát của người phụ nữ nào đó (thường là ở những phụ nữ đang có quyền uy, như các mệnh phụ phu nhân hoặc những người đàn bà quyền thế trong xã hội phong kiến xưa) chứ không dùng cho giới mày râu. Khi các bà nổi điên “ba máu sáu cơn” thì hãy coi chừng. Tai họa có thể bất ưng giáng xuống đầu ai đó ngay lập tức.

Nhưng “cánh đàn ông” cũng đừng vì thế mà thấy thiệt thòi. Họ có nhiều từ ngữ, nhiều thành ngữ để biểu thị thái độ tương tự của họ. “Nổi giận lôi đình” (lôi đình: sấm và sét) chính là thành ngữ dùng để chỉ “cơn giận lớn, khủng khiếp, thường là của một người đàn ông nào đó”.

Chỉ vì cái máu tam bành

Mà trong phút chốc tan tành gói may…

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm