Chữ và nghĩa: Đậu hũ, khoe đậu hũ và ăn đậu hũ

01/03/2023 08:14 GMT+7 | Văn hoá

Ngỡ cứ tưởng ba từ này (đậu hũ, khoe đậu hũ và ăn đậu hũ) là ba từ quen dùng mang tính phương ngữ (Trung bộ, Nam bộ), nhưng hóa ra ba từ này lại có một "số phận" rất đặc biệt.

Đậu hũ (豆腐) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Món này có nhiều cách gọi: Đậu khuôn ở miền Trung, đậu hũ hoặc tàu hủ ở miền Nam, tào phớ (tào phở, ở miền Bắc). Đậu hũ được làm từ đậu nành. Chúng ta thỉnh thoảng bắt gặp những gánh hàng rong trên phố với tiếng rao "tào phớ đây" hoặc "đậu hũ đây!" rất quen thuộc.

Món ăn này nom rất bắt mắt: múc vào bát men, màu trắng ngà, mịn màng, ăn thấy ngon, mát bổ. Ai đó từng đi du lịch Phan Thiết, đến Đồi Hồng sẽ được ăn món tàu hủ (đậu hũ) chan nước đường vô cùng ngon mát. Khoa học cho rằng ăn đậu hũ giúp tiêu hóa tốt, phòng chống xơ vữa động mạch. Nó cũng thường được làm món ăn chay cho những người theo đạo Phật. Đậu hũ, tào phớ quả là một đặc sản khó quên.

Chữ và nghĩa: Đậu hũ, khoe đậu hũ và ăn đậu hũ - Ảnh 1.

Ảnh: Internet

Nhưng các từ này đang được giới trẻ "sành điệu" Việt Nam dùng khá phổ biến. Đây là một hiện tượng "chuyển di từ ngữ" từ các cách nói trong các tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đang rất thịnh hành.

Cũng phải nói, mới đầu, từ "ăn đậu hũ" được dùng để chỉ ai đó nhận được một "chân" ở cơ quan hoặc công ty nào đó mà công việc rất nhàn nhã, thoải mái, lương cũng ổn (mà mọi người hay nói bằng thành ngữ "việc nhẹ lương cao"). Nghĩa này hình thành từ việc liên tưởng tới chuyện ăn đậu hũ như ăn quà vặt, hoặc thưởng thức một điều gì đó, một món ẩm thực rất nhàn tản, thú vị. Chẳng hạn, một người nào đó trêu bạn "Chúc năm mới "kiếm được tổ cò", lại được "ăn đậu hũ" ngon như óc chó nhé!" (Hàm ý: Có công ăn việc làm nghiêm chỉnh, công việc nhẹ nhàng, lương bổng hậu hĩnh). Hoặc có lúc, từ này dùng để chê ai đó làm việc chểnh mảng, chả chú tâm gì vào công việc: "Cha đó làm gì mà cứ lớt pha lớt phớt, cứ như "ăn đậu hũ" không bằng."

Thế rồi "đậu hũ" được dùng với sắc thái tiếng lóng của giới trẻ. Trong các truyện ngôn tình, đậu hũ chuyển nghĩa, hàm chỉ "da thịt trắng trẻo, mịn màng, mát mẻ, đầy sức quyến rũ (liên tưởng tới những phẩm chất của đậu hũ - về sắc thái và sự ngon lành) của các cô gái trẻ đẹp". "Cô nàng có đậu hũ hay đó" là một lời khen khi đánh giá thân hình một cô em sang chảnh nào đấy.

Từ "đậu hũ" phát sinh ra tổ hợp từ "khoe đậu hũ", dùng để chỉ cô gái nào đó cố tình làm "lộ hàng" hay "khoe hàng" (tức khoe thân thể của mình với người khác, cụ thể là các chàng trai). Chiêu múa may khoe hình, khoe dáng lại kèm theo những lời ngon ngọt, rủ rê, dụ dẫn. Và tất nhiên, cái gì đến sẽ phải đến. Tổ hợp từ phát sinh tiếp theo là "ăn đậu hũ", ám chỉ sự thưởng thức của các chàng trai sành điệu. Đầu tiên là những cử chỉ ve vãn, trêu chọc, đùa giỡn. Thế rồi sẽ đến "những pha gần gần" như sờ mó, đụng chạm… Cách "ăn đậu hũ" cũng nhiều kiểu. Có thể "xuất kì bất ý" như vô tình đùa giỡn "chơi chơi" nhưng cũng có thể cố tình áp sát các bộ phận thân thể…,các chàng tay chơi đều "cân" tuốt. Tất nhiên, không thể thiếu hành vi "mua và bán" ở đây. Mà "đậu hũ" này có giá không phải nhỏ.

Thế là, thoạt tiên, xuất xứ chỉ là các từ ngữ "đời thường", đậu hũ, khoe đậu hũ, ăn đậu hũ trở thành "đặc sản" của các nam thanh nữ tú sành sỏi. Sự chuyển di từ ngữ theo hướng này không chỉ một trường hợp cá biệt. Cũng còn nhiều nữa đấy! Quả là điều lạ lùng.

Tưởng là sản phẩm đậu nành

Qua ngôn tình lại hóa thành "cô em".

PGS-TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm