Chữ và nghĩa: Buổi đực buổi cái

07/09/2022 07:03 GMT+7

“Thằng ấy quả là lười nhác. Học hành gì mà buổi đực buổi cái. Thế cho nên mấy năm rồi không qua được cái bằng A tiếng Anh”. Đây là lời than phiền của bà mẹ nọ về đứa con của mình. “Buổi đực buổi cái” là một thành ngữ, hàm chỉ ai đó “[làm việc gì] thất thường, hôm có hôm không, không được liên tục” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020).

Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua!

Chữ và nghĩa: Năm ăn năm thua!

Trong giờ học về tiếng Việt, nhiều bạn sinh viên có hỏi tôi: Thưa thầy! Gần đây, chúng em hay nghe nói tới cụm từ năm ăn năm thua. Chúng em thấy từ này có vẻ “cay cú” ăn thua quá. Chúng em muốn biết đây thuộc loại từ gì và nó có nghĩa như thế nào?

Xem chuyên đề "Chữ và nghĩa" TẠI ĐÂY

Trong cuộc sống bây giờ, không hiếm trường hợp có người tham gia một công việc với thời gian được chăng hay chớ, không đều đặn, không phải là thái độ nghiêm túc và thường là kết quả sẽ không được như ý muốn.

Vấn đề ở đây là theo cấu trúc của thành ngữ, ta thấy có 2 vế, gồm từ "buổi" kết hợp với "đực" và "cái". Một kết hợp rõ ràng là có vẻ cọc cạch, không tương xứng.

Buổi trong tiếng Việt có 2 nghĩa "1. khoảng thời gian trong ngày chia theo mức độ tự nhiên của ánh sáng mặt trời hoặc theo thời gian lao động và nghỉ ngơi.(VD: tập thể dục vào buổi sáng; làm được nửa buổi đã về; “Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/ Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ” (Giang Nam). 2. khoảng thời gian nhất định mà sự việc nói tới xảy ra. (VD: thân nhau từ buổi đầu gặp gỡ; nhớ buổi ra đi; "Chẳng may vận nước giữa chừng gặp buổi suy vi, vua trước qua đời" (Từ điển tiếng Việt, đã dẫn). Từ buổi rõ ràng là có ngữ nghĩa và khả năng kết hợp khá đa dạng: buổi sáng, buổi chiều, buổi tối, Tiếng chuông trong lành của buổi sớm mai, Cách tường phải buổi êm trời/ Dưới đào dường có bóng người thướt tha (Truyện Kiều),... "Buổi" ở đây đồng nghĩa với "hồi" và "lúc" (buổi ấy = hồi ấy = lúc ấy").

Chú thích ảnh
Tranh minh họa

Vấn đề gây ngạc nhiên là tại sao dân gian lại đưa hai từ "đực/ cái" (vốn là hai từ phân biệt giới tính. Làm sao tự nhiên mà "buổi" kia lại lạc loài đi vào một kết hợp liên quan chặt chẽ với đời thường?

Ở đây, về nghĩa đen, đực/ cái là một cặp từ trái nghĩa. Đó là hai tính từ phân chia giới tính (đực: 1. [động vật] là giống có sinh ra tinh trùng; 2. [hoa] chỉ có nhị đực, không có nhị cái (chỉ có khả năng tạo phấn, không có khả năng kết quả hoặc không cho quả); cái: 1. [động vật] thuộc giống có thể đẻ con hoặc đẻ trứng; 2. [hoa] không có nhị đực, chỉ có nhị cái, hoặc cây chỉ có hoa như thế).

Ấy thế mà hai tính từ này lại kết hợp với "buổi" - một chiết đoạn thời gian (trong phạm vi ngày) trong cách phân chia của tiếng Việt. Cấu trúc "cọc cạch" này hóa ra lại đắc dụng, bởi chính sự ngộ nghĩnh độc đáo như thế lại tạo nên ấn tượng, giúp người đọc hình dung và liên tưởng sang một phạm trù ngữ nghĩa khác: Đây là hai "buổi" khác nhau về chất, dùng để chỉ sự thất thường của thời gian mà ai đó đang thực hiện: Học hành buổi đực buổi cái, Chợ họp buổi đực buổi cái, Về thăm nhà buổi đực buổi cái...

"Buổi đực buổi cái" có một thành ngữ tương đồng là "bữa đực bữa cái" (được dùng trong những ngữ cảnh khác nhau). Bữa đực bữa cái, bữa đói bữa no, bữa cơm bữa cháo... cũng nằm trong phạm trù "thất thường" của sự tình.

Nhìn rộng ra, ta thấy cấu trúc "Ax + By" (đối + điệp) là cấu trúc thành ngữ thường thấy trong tiếng Việt. Chẳng hạn: Thi lên thi xuống (thi cử nhiều lần, vất vả), đồng ra đồng vào (thu nhập thường xuyên, có điều kiện để chi tiêu hàng ngày), đi nắng về mưa (chỉ cảnh vất vả, cực nhọc, phải dầm dãi nắng mưa)...

Buổi nay rồi lại buổi mai

Buổi đực, buổi cái kéo dài thời gian.

PGS - TS Phạm Văn Tình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm